Triển lãm tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ
Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19/05/1890 - 19/05/2019).
Gần 60 bức tranh, chủ yếu là tác phẩm gốc, trưng bày giới thiệu về
sưu tập tranh cổ động được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh
qua đời.
Bức tranh bên Hồ Hoàn Kiếm
Đối với nhiều người dân thủ đô và cả các du khách, bức tranh có
hình vẽ "Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin
thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã trở thành một biểu
tượng thể hiện khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh Bác tươi cười
hiền hậu ôm em bé bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản
đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô
liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc.
Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng
Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Năm 1975, khi đất nước thống
nhất, hoạ sĩ Trần Từ Thành hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự Triển lãm
Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976. Ông nghĩ đây chính là dịp
để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình, thêm vào đó đã từ lâu đối
với bản thân tôi, tấm gương của Bác Hồ và những lời dạy và bài viết của Người
dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân
tộc và thế hệ trẻ nước ta.
Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như một biểu tượng của hòa bình, của
tấm lòng của Bác với nhân dân đã được hoạ sĩ Trần Từ Thành lựa chọn làm đề tài
cho mạch cảm xúc của mình.
Cũng năm đó, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi
thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động Trung ương đã cho in hàng vạn bản,
phát hành trên cả nước. Ngoài ra, tác phẩm còn được treo ở Bảo tàng Lenin ở
Moscow (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác
nhau.
Tác phẩm "Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” của họa sĩ
Từ Thành đã trở thành bức tranh cổ động đi vào lòng người sâu đậm nhất. Bức
tranh trở thành biểu tượng của khát khao và ước mơ hòa bình. Đó cũng là lời nhắc
nhở về tình yêu thương và gìn giữ hòa bình đến cả những thế hệ mai sau.
Những ký ức không thể phai mờ
Đối với hoạ sĩ Đỗ mạnh Cương, bức tranh cổ động "Theo con đường
Bác Hồ đã chọn” được chắt chiu cảm hứng từ rất nhiều cuốn sách, về Bác Hồ mà
tác giả đã đọc. Những câu chuyện đó chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật khơi nguồn
sáng tạo giúp cho họa sĩ hình dung và thể hiện Bác qua những nét vẽ cụ thể.
Tranh cổ động "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại" của họa
sĩ Đỗ Mạnh Cương. Bảo tàng Lịch sử quốc gia
|
Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương sinh năm 1940, tại Hà Nội, được rất nhiều
công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam và những người sưu tập ở nước ngoài biết đến.
Xu hướng sáng tác của ông là hiện thực và hiện thực hiện đại với nhiều đề tài
đa dạng, phong cách sáng tạo, thủ pháp, bố cục, màu sắc độc đáo…
Nói về đề tài say mê nhất khi vẽ tranh cổ động, ông chia sẻ: "Với
tôi, khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là đề tài Bác Hồ”.
Bức tranh "Theo con đường Bác Hồ đã chọn” (1990) thể hiện mong muốn
của Bác khi còn sống. Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc. Trước
khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống
nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy, trong bức tranh này,
họa sĩ thể hiện tất cả các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải
phóng: học tập, lao động sản xuất... Tất cả các hoạt động được lồng trong hình
ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, cũng thể hiện nhân dân Việt Nam luôn tin
tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.
Trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạ sĩ
Đỗ Mạnh Cương tiếp tục sáng tác nhiều bức tranh cổ động như bức "Đời đời nhớ ơn
Bác Hồ vĩ đại!” (năm 2005); "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” (2010).
Còn họa sĩ Lê Huy Trấp, sinh năm 1929, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh
Nghệ An, ngay từ thời còn học phổ thông đã say mê vẽ chân dung Bác Hồ. Một
trong những bức tranh vẽ Bác đẹp nhất của ông ngày ấy đã được thầy hiệu trưởng
treo trang trọng trong phòng làm việc của mình. Sau này, được gặp Bác hai lần,
họa sĩ cảm thấy đây là niềm vinh dự vô cùng lớn lao đối với mình.
Ông chia sẻ: "Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Bao nhiêu năm rồi mà
tôi vẫn không thể quên cái cảm xúc của ngày hôm đó…”.
Năm 1969, tin Bác Hồ mất đã làm thổn thức trái tim của toàn thể
nhân dân Việt Nam. Hoà chung với nỗi đau của cả dân tộc và để tưởng nhớ Bác Hồ
kính yêu, Họa sĩ Lê Huy Trấp lúc đó đã vẽ bức đầu tiên về Bác Hồ kể từ ngày học
Đại học Mỹ thuật Việt Nam và ra trường. Đây là dấu mốc đặc biệt đánh dấu sự
chuyển hướng về đề tài vẽ tranh về Bác Hồ trong sự nghiệp sáng tác của Hoạ sỹ.
Từ đây, ông say sưa vẽ Bác, bởi với ông đây là một cách để tưởng nhớ Người, một
cách để bày tỏ tình yêu, sự kính trọng và biết ơn, một cách để hướng trái tim
mình về phía ánh sáng.
Một trong bức tranh mà họa sĩ vô cùng yêu thích là tác phẩm "Không
có gì quý hơn độc lập tự do”. Bức tranh gốc lúc đầu mang tên là "1890 - 1970”,
họa sĩ sáng tác năm 1970 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Trong tranh, họa sĩ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi vui với nụ cười hiền hậu
của vị Cha già dân tộc vì ông rất thích hình ảnh lúc Bác cười. Bức tranh này được
được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật tại La Habana, Cu Ba. Sau triển lãm, Chủ tịch
Cuba Fidel Castro đã yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch
Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cuba. Năm 1975, họa sĩ quyết định đổi tên bức
tranh thành "Không có gì quý hơn độc lập tự do" nhằm thể hiện tư tưởng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và được Xưởng tranh cổ động Trung ương in ấn,
phát hành rộng rãi.
Họa sĩ Lê Huy Trấp còn có nhiều bức tranh vẽ Bác khác và nhận được
sự yêu mến của công chúng yêu nghệ thuật như bức "Bác Hồ ở Paris”, "Tổ quốc và
Bác”, "Bác Hồ câu cá”, "Ngục trung nhật ký”… Dù là tranh bột màu, thuốc nước,
bút kim hay là tranh áp phích, các bức vẽ của Lê Huy Trấp vẫn gợi ra được một
chân dung chân thực, sắc nét về Bác Hồ.
Những bộ tranh cổ động về Bác Hồ
Ấp ủ 10 năm, bộ tranh cổ động về Bác Hồ đã được họa sĩ Lê Nhường
hoàn thành với tâm huyết và tình cảm của người lính dành cho Bác Hồ kính yêu. Để
sáng tác và hoàn thành bộ tranh này người họa sĩ ấy vẫn luôn ấp ủ những ý tưởng
nghệ thuật của riêng mình. Đặc biệt, sau khi Bác Hồ qua đời, họa sĩ đã quyết
tâm phải vẽ về Bác, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà chiến
lược quân sự thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Họa sĩ Lê Nhường sinh năm 1943 tại Mê Linh, Hà Nội, Ông đã có thời
gian làm công tác tuyên truyền triển lãm, phụ trách quảng cáo… Trải qua rất nhiều
vị trí công tác và bản thân họa sĩ tuy không có thời gian sáng tác nhiều, nhưng
tất cả những trở ngại ấy đã không làm giảm đi tình yêu của ông với hội họa, niềm
đam mê sáng tác cùng với tình yêu của mình dành cho Bác, ông đã sáng tác bộ
tranh cổ động về Bác Hồ gồm 5 bức tranh: Bác bảo thắng là thắng; Nấu bếp mà xuất
sắc cũng là anh hùng, cũng rất vẻ vang; Thực túc binh cường, Bác Hồ - Người cha
thân yêu của các lực lượng vũ trang; "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết
không ngừng thế tiến công”.
Họa sĩ Lê Nhường chia sẻ, tranh cổ động "Bác bảo thắng là thắng” lấy
cảm hứng từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước
khi bước vào trận quyết chiến cuối cùng với thực dân Pháp trong chiến dịch Điện
Biên Phủ, Người nói: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng…”. Toàn bộ bức
tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang điện đàm chỉ đạo chiến dịch từ xa với
nét mặt cương nghị, thể hiện ý chí và sự quyết tâm cũng như niềm tin tưởng tuyệt
đối vào thắng lợi của chiến dịch. Hình ảnh bên dưới bức tranh thể hiện chiến thắng
lừng lẫy của quân dân ta trong chiến dịch này. Những đường vân trắng nổi lên
trên bề mặt tranh tượng trưng đường truyền sóng điện thoại lời chỉ đạo của vị
chỉ huy tối cao tới trận tuyến và tin thắng trận từ mặt trận báo về. Bức tranh
đã được trao giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Còn bức tranh "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng
thế tiến công” là một trong 5 bức tranh khắc hoạ một phần tư tưởng của Chủ tịch
Hồ Chí Minh khi dạy lực lượng vũ trang nhân dân. Họa sĩ sáng tác bức tranh này
lấy cảm hứng từ khổ thơ thứ hai trong bài thơ "Học đánh cờ” - bài thơ trong tập
thơ "Nhật ký trong tù” mà Bác Hồ đã sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền
Tưởng Giới Thạch Trung Quốc bắt giam từ tháng 8/1942-tháng10/1943.
Nhiều người yêu nghệ thuật cũng không thể bỏ qua đến bộ tranh cổ động
28 bức của hoạ sĩ Phạm Lung về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật năm 1970, Phạm Lung trở thành
hoạ sĩ chuyên vẽ tranh cổ động tuyên truyền. Thời gian này ông có nhiều dịp
nghiền ngẫm để vẽ tranh về Bác.
Bộ 28 bức tranh ông vẽ về Bác Hồ là 28 câu chuyện về Bác Hồ: Từ
câu chuyện chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc
mình thoát khỏi kiếp ngựa trâu nô lệ, cho đến thời điểm Người trở về xây dựng đất
nước tham gia dạy bình dân học vụ, Người về thăm quê, thăm bà con nông dân…
Trong hầu hết các bức tranh của ông, hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị,
gương mặt Người, nụ cười hiền hậu của Người luôn hòa chung với nụ cười của quần
chúng nhân dân. Mỗi tác phẩm của họa sĩ có một màu chủ đạo riêng, với nét vẽ giản
dị nhưng chứa đầy tình cảm mến yêu kính trọng đối với Bác Hồ - vị cha già của
dân tộc Việt Nam.
TheoBaoChinhphu