Trong một diễn đàn bàn về việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: Thực tế, hầu như ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo điện tử, mạng xã hội cũng đăng tải nhiều tin, bài về cướp của, giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông tin, hình ảnh dành cho lứa tuổi 18+… Chỉ bằng vài giây lướt web vào các trang mạng xã hội, người xem có thể bị "bội thực” với những hình ảnh giật gân, câu khách. Tiếp xúc nhiều với dòng văn hóa độc hại này, con người dễ bị bào mòn nhân cách, bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa, nhất là lứa tuổi thanh niên. Phòng ngừa, ngăn chặn dòng văn hóa xấu, độc này là công việc không hề đơn giản, bởi vậy, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Quán triệt sâu sát tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho CB, ĐV, các tầng lớp Nhân dân được quan tâm. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã cử trên 114.000 lượt CB, ĐV đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó, đã cử 684 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo học chương trình cao cấp lý luận chính trị; cử 540 học viên học hệ không tập trung mở tại tỉnh. Trường Chính trị tỉnh đã mở 88 lớp trung cấp lý luận chính trị đào tạo 4.437 học viên; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở 1.555 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho 92.860 lượt CB, ĐV ở cơ sở. Hàng năm, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức từ 2 - 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về lý luận cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (đối tượng 2-3), từ 3 - 4 lớp cho đối tượng 4, mỗi huyện từ 2 - 5 lớp cho đối tượng 5.
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng ở nhiều địa phương, đơn vị được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân quan tâm thông qua việc sưu tầm, hệ thống hoá, khai thác các tư liệu quý về cách mạng, biên soạn lịch sử, thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị. Hiện đã có 3 huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy, Cao Phong biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương dành cho các cơ sở giáo dục.
Với phương châm "lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính”, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động gắn việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW với việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”. Trực tiếp triển khai, theo dõi những hoạt động này, đồng chí Hoàng Xuân Giao, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện tốt việc lồng ghép một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, hủy hoại đạo đức xã hội, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, về nguồn tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Các cơ sở Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt chính trị nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Các hoạt động này đã góp phần giáo dục nhân sinh quan, lối sống, kỹ năng tiếp nhận các giá trị văn hoá cho thanh, thiếu niên, kỳ vọng sẽ tạo được những tấm "lá chắn” hữu hiệu, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại trên địa bàn.
Thúy Hằng