(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.



Anh Nguyễn Văn Quyết, xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) chăm sóc những gốc đào cổ thụ trong vườn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng xóm Nước Hang cho biết: Cây đào được trồng ở Nước Hang đến nay đã hơn 20 năm. Từ hộ gia đình đầu tiên, đến nay, toàn xóm đã có gần 20 hộ trồng đào, tổng diện tích lên đến gần 3ha. Trồng đào không yêu cầu vốn quá lớn, chủ yếu là kỹ thuật chăm sóc, xử lý để ra hoa đúng thời điểm. Cây đào của Lũng Hang trước đây và nay là Hang Nước ngày càng được nhiều người biết đến. Xóm có khoảng 20% hộ thuộc diện khá, giàu, phần nhiều trong số đó là các hộ trồng đào.  Cây đào đã góp phần cải thiện đời sống người dân trong xóm. 

Theo lời giới thiệu của bác trưởng xóm, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Quyết - người đầu tiên đưa cây đào về xóm và cũng là người trồng đào với quy mô lớn nhất ở Nước Hang. Gia đình anh Quyết có gần 4.000m2 đất, ngoài diện tích ngôi nhà kiên cố, toàn bộ diện tích còn lại anh trồng hơn 1.000 gốc đào. Đào "trẻ” nhất cũng đã 3 năm tuổi và lâu năm nhất tầm trên 20 năm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Quyết cho biết: Vườn nhà tôi có hơn 80 cây đào cổ là cây cho thuê và cây tôi chăm sóc thuê. Tôi dành riêng một khu vực gần nhà để trồng, chăm sóc những cây đào có giá trị. Những cây đào cổ này, cây bình thường có giá 3 - 4 triệu đồng, cây thế đẹp, lâu năm có giá trên chục triệu đồng. Nếu cho thuê thì dao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/cây.

Vừa nói anh Quyết vừa đưa chúng tôi đi xem những gốc đào đẹp và đọc tên, tuổi chủ cây; nguồn gốc, đặc điểm từng cây đào trong vườn. Sự tận tâm của ông chủ vườn khiến chúng tôi có cảm giác mỗi cây đào quý như một người "con nhỏ” được anh chăm sóc chu đáo, tỉ mẩn. Cạnh vườn đào cổ là khu vực anh Quyết ươm, ghép cây giống, trồng đào cây. Vườn nhà anh có hơn 1.000 gốc đào nhưng mỗi năm chỉ bán khoảng 500 cây, còn 500 cây lưu gốc luân phiên. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng đào, anh Quyết cho biết: Bản thân tôi là người đi buôn đào, quê ở Thường Tín (Hà Nội) sau đó theo gia đình lên khai hoang sinh sống ở đây. Năm 1996, tôi trồng thử nghiệm 50 gốc đào. Lúc đó, giao thông chưa thuận tiện, việc vận chuyển bích đào từ miền xuôi lên Hòa Bình còn khó khăn. Tết năm đó, vợ tôi ra bán đào ở chợ Mông Hóa, 50 cây đào bán hết veo, mà rất được giá, thời đó mỗi cây đào bán được 50.000 đồng là to lắm. Thừa thắng tôi "xông lên”, từng bước mở rộng diện tích trồng đào, rồi đi mua gốc đào rừng về ghép cành. Những năm gần đây, theo nhu cầu của người chơi đào, tôi nhận thêm dịch vụ chăm sóc thuê những cây đào quý, lâu năm, thế đẹp. Thông thường tầm 20 tháng Chạp, tôi đánh cây, mang đến tận cơ quan, nhà riêng trồng cho khách hàng, hướng dẫn cách chăm sóc rồi tầm rằm tháng Giêng lại đến chở về vườn ươm, chăm sóc. Công chăm sóc tùy theo giá trị của cây nhưng trung bình khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/cây/năm. 

Thấy chúng tôi xuýt xoa, thích thú khi lạc giữa vườn đào đẹp. Anh Quyết chia sẻ: Để có một cây đào đẹp, ra hoa đúng thời vụ thì yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất khắt khe, tỉ mỉ. Phân bón cho cây đào phải được ủ từ đạm, cá, bì lợn, lòng lợn, đỗ tương… ngâm hàng năm. Bón phân đó cây mới dày lá, dày nụ, trẻ lâu. Khoảng tháng 11 âm lịch, người trồng đào phải "canh” thời tiết từng ngày để chọn thời điểm phù hợp tuốt lá bằng tay, sau đó tưới, chăm sóc để cây ra hoa đúng dịp Tết. Tuy nhiên, việc đào ra nụ, bung hoa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, người "cầm cây” chỉ có thể tác động, can thiệp kỹ thuật một phần nào đó. Người trồng đào trong năm khá nhàn, chỉ vất vả vào thời điểm trước, trong và sau Tết. Điều phấn khởi là hiện nay nhu cầu chơi đào Tết của người dân khá nhiều nên "đầu ra” của đào rất tốt. Trung bình mỗi năm, vườn đào mang về cho gia đình tôi sau khi trừ chi phí còn khoảng 200 triệu đồng.

Dương Liễu

Các tin khác


Khao Roi -lịch cổ độc đáo của người Mường

(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.

Đặc sắc Mo Mường

(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi mùa xuân có Đảng"

Tối 3-2, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề "Mãi mãi mùa xuân có Đảng”.

Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Tân Sửu 2021

(HBĐT) - Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục