(HBĐT) - Từ xa xưa, cây mía tím đã gắn bó mật thiết với đời sống của người Mường. Không chỉ là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, cây mía còn là vật không thể thiếu trong những ngày trọng đại của bà con dân tộc Mường, nhất là ngày Tết và lễ cưới.



Mía tím là một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương trong tỉnh. Ảnh chụp tại xã Mỹ Hòa (Tân Lạc).

Hồi bé, vào khoảng 27 Tết, đám trẻ chúng tôi lại được giao nhiệm vụ vào bìa rừng chặt những mầm lau tươi tốt về làm cây nêu và ra ruộng chặt đôi cây mía bố mẹ để dành để trưng trong ngày Tết. Được giao nhiệm vụ nên chúng tôi cứ thế hoàn thành mà chưa từng hỏi về ý nghĩa của đôi cây mía ấy.  

Năm tháng trôi qua, đám trẻ chúng tôi lớn lên, chúng tôi chợt nhận ra, không chỉ trong ngày Tết, mà trong đám cưới của người Mường cũng không thể thiếu đôi mía to, đẹp. Ngày Tết, đám cưới phải có cây mía, chúng tôi biết rõ phong tục, tập quán đó của dân tộc mình. Nhưng thú thực, chưa một lần được giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của cây mía trong những dịp trọng đại. Có một lần đăng lên mạng bức ảnh về đám cưới của dân tộc mình, một người bạn đại học thắc mắc khi xem ảnh: "Tại sao khi đi rước dâu, nhà trai phải mang theo cây mía?”. Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời. Hỏi nhiều người ở nhiều lứa tuổi nhận được nhiều cách giải thích khác nhau, phần đa trả lời ngắn gọn, đó là phong tục, tập quán. Câu trả lời rõ ràng không thỏa đáng. Chúng tôi gặp ông Bùi Văn Nhọn, xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc), là người thích tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường. Nhiều năm trước, ông cũng tò mò về ý nghĩa của cây mía trong đời sống văn hóa của dân tộc mình, nên đã dành thời gian sưu tầm, tìm hiểu. Ông chia sẻ, thờ cây mía trong ngày Tết cổ truyền, hay đôi cây mía nhà trai mang đi đón dâu trong đám cưới đều xuất phát từ truyền thuyết về chị em Côi. 

Nghệ nhân văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cũng giải thích tương tự và khá chi tiết về truyền thuyết này. Chuyện là, xưa kia ở xứ Mường có con muỗi khổng lồ, hàng năm người phải đến nộp mạng cho muỗi ăn thịt. Năm ấy đến lượt chị em Côi. Vì hai chị em rất yêu thương nhau, nên ai cũng đều nhận đi nộp mạng cho muỗi để người kia được sống. Cuối cùng, cả hai cùng đi đến cửa hang, con muỗi độc ác thích ăn thịt ai tùy nó. Tháng chạp rét buốt, trong lúc chờ muỗi ăn thịt, hai chị em bẻ cây mía mọc hoang ăn và vun bã mía của những người bị muỗi ăn thịt trước đây để sưởi ấm. Không ngờ, khói mía bốc lên làm con muỗi trong hang bị sặc mà chết. Từ đó, dân Mường rất biết ơn hai chị em Côi và cây mía. Cây mía trở thành biểu tượng cho tình yêu thương của chị em Côi và giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Mường. 

Ngoài ra, theo Nghệ nhân văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, cây mía được trồng bằng ngọn và các đốt. Khi cây mía bị đổ rạp xuống đất, các mắt mía lại nảy lên chồi non, rễ ăn sâu xuống đất. Với đặc tính sinh sản mãnh liệt như vậy, cây mía còn là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đó cũng mong ước của bà con người Mường khi chào đón một năm mới, từ xa xưa, người Mường đã thờ đôi cây mía trong ngày Tết cổ truyền. Để trưng Tết, cây mía được lựa chọn kỹ, thân phải thẳng, dóng dài, màu sắc đẹp, không bị sâu bệnh, phải để nguyên rễ và lá. Đối với cây mía trong nghi thức cưới cũng có nhiều cách giải thích khá thú vị. Đôi cây mía cũng phải được chọn lựa kỹ lưỡng, người vác mía là những nam thiếu niên có quan hệ họ hàng với chú rể. Đôi cây mía thể hiện mong ước về hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào như cây mía, còn nam thiếu niên vác mía thể hiện cho niềm mong muốn có con trai đầu lòng. 

Xuất phát từ truyền thuyết diệt con muỗi độc ác của chị em Côi, rồi từ đặc tính tự nhiên của cây mía mà từ lâu, cây mía đã gắn liền với Tết, với đám cưới của người dân tộc Mường. Dù là cách giải thích nào thì sau cùng, điều người Mường hướng tới là sự ấm êm, ngọt lành, phát triển, bài trừ tà ma và những điều ác.

Tết Tân Sửu đã chạm ngõ, chúng tôi lại có dịp được sống lại thời thơ bé đầy háo hức khi nhận nhiệm vụ đi chặt mía về thờ trong ngày Tết. Và rồi cùng nhau quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh, thưởng thức những chiếc bánh chưng nóng hổi với vị ngọt lịm của mật mía…


Viết Đào


Các tin khác


Điện Biên: Không tổ chức lễ hội Hoa Ban để đảm bảo phòng, chống dịch

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, đây là năm thứ hai liên tiếp lễ hội Hoa Ban không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại các điểm thờ tự, thăm viếng đầu xuân

(HBĐT) - Sáng ngày mồng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình). Ngay khu vực cổng vào, nhà chùa đã bố trí nước rửa tay sát khuẩn cùng các bảng biển truyền thông, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đa số người dân đến chùa đeo khẩu trang và có ý thức về việc giữ khoảng cách.

Huyện Cao Phong tăng cường công tác phòng chống dịch COVD-19 tại các điểm di tích

( HBĐT) - Những ngày sau Tết, nhu cầu tham quan, vãn cảnh, thực hành tín ngưỡng của Nhân dân rất lớn, vì vậy huyện Cao Phong đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý và phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di tích, danh thắng.

Phiêu cùng Bình Liêu

(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.

Vũ điệu Chămpa bên tháp cổ

(HBĐT) - Đến "xứ trầm hương” khi vừa kết thúc một đợt mưa bão. Đầu giờ chiều, mưa dứt hẳn, men theo dòng sông Cái, tôi tìm đến khu tháp cổ linh thiêng, nơi mà tôi luôn nghĩ sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới đây. Nắng đã lên và nhuộm vàng dòng sông Cái. Hình ảnh núi Cù Lao và tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục