Thoạt nhìn, quả chuông này không khác nhiều so với những quả chuông đồng vẫn thường được đặt ở các đình, chùa… Tuy nhiên, với bài minh gồm 210 chữ Hán được khắc bên trên, quả chuông khiến các nhà nghiên cứu văn hóa phải trầm trồ: Nó ra đời cách đây hơn một nghìn năm. Quả chuông ấy được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện đang được gìn giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Người dân Đông Ngạc (Hà Nội) bên bảo vật quốc gia Chuông đình Nhật Tảo. Ảnh: TRẦN HẢI
1. Hà Nội những năm 1951 - 1953, thực dân Pháp chiếm toàn thành phố, trưng dụng rất nhiều công trình công cộng làm đồn, bốt. Đình Nhật Tảo trở thành một bốt đóng quân của người Pháp. Bốn lô-cốt được dựng bên bốn góc đình, đến nay vẫn còn dấu tích. Chiến tranh, bom đạn…, người dân Nhật Tảo vội vã thu gom đồ thờ tự, đồ tế khí tại đình về đặt tạm tại Văn chỉ (nơi thờ các vị học hành đỗ đạt) của làng, trong số đó có một quả chuông.
Ông Nguyễn Lâm Thao (83 tuổi), Trưởng ban Quản lý di tích đình Nhật Tảo cho biết: Theo sử sách được lưu giữ lại, ngôi đình này có lịch sử hơn 600 năm, thờ vị Thành hoàng làng Trần Nguyên Trác. Thời điểm Hà Nội bị Pháp chiếm đóng, đình bị tàn phá nặng nề, đổ nát hết. May mắn, các đồ thờ tự được người dân gìn giữ lại, khi ấy chẳng ai để ý đến quả chuông đồng. Khoảng năm 1954, đình làng và khu Văn chỉ trở thành sân kho hợp tác xã. Quả chuông được treo lên, có lúc được gõ thay tiếng kẻng giục mọi người ra đồng. Năm 1965, Hà Nội bị đế quốc Mỹ bắn phá. Học sinh nội thành sơ tán về các vùng ngoại ô, đình làng Nhật Tảo trở thành lớp học dã chiến. Quả chuông ấy lại phát huy tác dụng thay tiếng trống báo hiệu các cô, các cậu học trò vào lớp đúng giờ…
Ông Đặng Văn Đường, một thành viên trong Ban quản lý di tích đình Nhật Tảo tự hào kể: So với những quả chuông khác, quả chuông đình Nhật Tảo có kích cỡ nhỏ hơn nhưng ý nghĩa lịch sử của nó chính ở những dòng chữ. Chuông cao 0,31 m, nặng 5,4 ki-lô-gam, đường kính miệng 0,19 m, toàn thân nhẵn bóng, những dòng chữ nhuốm mầu xưa cũ được khắc bên trên rất tinh xảo… Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách - trên thon dưới nở. Nếu hầu hết quai các quả chuông cổ thường được đúc hình đầu rồng thì quai quả chuông này lại đúc nổi hai con thú dựa vào nhau, lưng uốn cong mềm mại, tạo thành núm treo. Hai con thú với đôi mắt to, thân có vảy, hai chân tỳ xuống tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai các quả chuông khác thường được tạo hình hồ lô thì chỏm quai quả chuông này có hình núm tròn, dẹt. Năm đường phân cách thân chuông được đúc nổi ngang dọc, tạo thành tám ô, phần trên là bốn ô hình thang đứng, phần dưới là bốn ô hình chữ nhật. Bốn núm gõ được đúc giữa các đường nổi, tạo hình tròn như bông hoa với 12 cánh xòe cong. Phần mặt ngoài của chuông là bài minh bằng chữ Hán được khắc kín bốn ô hình thang và khoảng trống giữa các đường đúc dọc gồm 27 cột với 210 chữ. Chính những hàng chữ này đã hé lộ nguồn gốc cùng giá trị văn hóa của quả chuông…
Năm 1987, trong chuyến điền dã, một số cán bộ Viện Hán nôm tình cờ thấy quả chuông, khi ấy vẫn đặt ở Văn chỉ của làng. Dịch các dòng chữ trên chuông, các nhà khoa học khẳng định: Đây là quả chuông quý, có niên đại từ rất lâu đời. Tất cả các chữ trên chuông đều được khắc duy nhất một lần, không hề sửa chữa, đục khắc thêm. Niên đại của văn bản trên thân chuông và niên đại của chuông là một, phù hợp với dòng chữ ghi trên là: Ngày 29 tháng tư năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa thứ sáu (tức ngày 9-6-948). Theo các nhà nghiên cứu, bài minh trên chuông được coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất về thời kỳ tự chủ của nước Việt Nam từ thế kỷ 10 mà hiện nay chúng ta có. Bài minh cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều sử liệu giá trị về đất nước Vạn Xuân (Việt Nam) dưới thời Vua Ngô Quyền (trị vì nước Vạn Xuân từ năm 939 đến năm 944), vị vua tên tuổi lẫy lừng đã đi vào sử sách với chiến thắng hiển hách quân Nam Hán trên cửa sông Bạch Đằng năm 938. Không chỉ có giá trị về niên đại ra đời, quả chuông này còn có ý nghĩa lớn lao với các nhà văn hóa bởi bài minh trên chuông đã khẳng định: Chắc chắn có sự tồn tại của đơn vị hành chính thôn, xã ở nước ta ngay từ thế kỷ 10. Đây chính là tư liệu quý báu để chúng ta tìm hiểu xã hội người Việt Nam thời tự chủ với những vấn đề lịch sử về làng xã, tôn giáo, tâm linh...
2. Năm 1994, người dân Đông Ngạc thành kính làm lễ "rước thánh hồi cung”, thỉnh chuông từ Văn chỉ về đình. Cũng trong năm đó, chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cho ngôi đình với báu vật của làng. Quả chuông khi này được biết đến nhiều hơn bởi xuất xứ và tuổi đời nghìn năm của nó. Ông Đường cho biết: "Trước đây ngoài quả chuông, trong đồ thờ tự của đình Nhật Tảo còn có một chiếc trống độc đáo. Đấy là chiếc trống đúc nguyên tang. Nếu tang những chiếc trống bình thường làm từ nhiều mảnh gỗ đã được xẻ, bào nhẵn, ghép lại với nhau thì tang chiếc trống này được làm nguyên khối từ một gốc cây rất to với hoa văn được chạm trổ cầu kỳ. Tuy nhiên, trong những năm cải cách ruộng đất, chiếc trống này đã bị thất lạc…”.
Cũng từ khi nổi tiếng với quả chuông quý thì đình Nhật Tảo liên tục bị kẻ gian "ghé thăm”, nhiều đồ thờ tự tại đình đã bị mất. Người dân lo lắng cho số phận của quả chuông cho nên nghĩ ra nhiều cách bảo vệ. "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”; để đối phó với kẻ gian, quả chuông khi được cất nơi kín đáo nhất trong đình, khi lại được đặt ở nơi "hớ hênh” nhất mà ít ai ngờ tới. Có lúc nó được gửi tại những gia đình khá giả kín cổng cao tường. Quả chuông đã là báu vật của làng cho nên ai cũng thấy có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo vệ. "Có thời điểm, các thành viên trong Ban quản lý đình treo quả chuông ngay đằng sau hai bức hoành phi. Nhìn qua, tưởng dễ lấy, tuy nhiên để chạm được vào chuông thì phải bắc chiếc thang rất cao mới tới. Nhưng như có điều gì rất tâm linh, kẻ gian chưa lần nào tiếp cận được quả chuông này…” - ông Thao chia sẻ.
Năm 1995, đình Nhật Tảo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Ngày 26-6-2020, người dân quận Bắc Từ Liêm hân hoan đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận quả chuông đình Nhật Tảo là bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật độc bản, mang nhiều giá trị văn hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là quả chuông cổ nhất của Hà Nội. Ngoài giá trị về điêu khắc, nghệ thuật đúc đồng của người Việt hơn một nghìn năm về trước, các dòng chữ được khắc trên chuông còn đề cập đến một số chức danh trong Đạo giáo. Chính từ chi tiết này, các nhà văn hóa đã phát hiện ra sự giao thoa giữa Đạo giáo và Phật giáo trong tâm linh người Việt từ thế kỷ 10. Mấy năm trước, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ngỏ ý muốn được đưa quả chuông này về đặt ở bảo tàng để trưng bày. Tuy nhiên, khi trưng cầu ý kiến của người dân địa phương, phần lớn không đồng ý. "Mọi người có tâm nguyện muốn quả chuông vẫn đặt tại nơi nó được tìm thấy hàng trăm năm qua. Quả chuông đã là một vật thiêng của mảnh đất này, người dân có trách nhiệm gìn giữ, nâng niu” - ông Thao bày tỏ.
Với ông Thao và người dân ở đây, ngoài sự tự hào về bảo vật quốc gia của làng, họ còn có niềm hạnh phúc thiêng liêng - Đó là ngày 5-2-1962 (mồng 1 Tết Nhâm Dần) chính tại ngôi đình, Bác Hồ kính yêu đã về đây chúc Tết người dân và Hợp tác xã Đại Thắng, xã Đông Ngạc vì có thành tích cao trong phong trào "Ba nhất”. Ông Thao (khi ấy là anh chiến sĩ thông tin về phép), vinh dự là người trong đoàn được đón Bác. Ông Thao còn nhớ như in hình ảnh của Người khi ấy. Dáng Bác cao, gầy, giọng trầm ấm. Bác dặn dò mọi người thi đua lập nhiều thành tích để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn… Hiện nay, tại khuôn viên đình Nhật Tảo, chính quyền địa phương đã xây dựng một đài tưởng niệm với bức tượng Bác Hồ để nhớ mãi ngày Người về thăm…
3. Với những giá trị văn hóa độc đáo về kiến trúc, với bảo vật quốc gia có số phận lạ kỳ cùng 21 bản sắc phong quý hiếm đang được lưu giữ; đình Nhật Tảo là địa chỉ được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử tìm đến.
Nép mình bình yên ven chân cầu Thăng Long, ngay cạnh sông Hồng; ngồi ở cửa ngôi đình này, chúng ta có thể nghe tiếng dòng sông Hồng ngày đêm thao thiết, rì rầm kể những câu chuyện nghìn năm nhưng chưa bao giờ xưa cũ về mảnh đất kinh kỳ với nền văn hiến lâu đời, về những con người thuở "mang gươm đi mở cõi” dệt lên bao giai thoại đáng tự hào về cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của cha ông…
Theo Báo Nhân dân
Tết Tân Sửu 2021, gia đình ông Điểu K’Bôi, ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, có nhà mới, nhà dài truyền thống được phục dựng theo nguyên tác của cha ông người Mạ (gọi là Châu Mạ) bản xứ.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, đây là năm thứ hai liên tiếp lễ hội Hoa Ban không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
(HBĐT) - Sáng ngày mồng 1 Tết Tân Sửu, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình). Ngay khu vực cổng vào, nhà chùa đã bố trí nước rửa tay sát khuẩn cùng các bảng biển truyền thông, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đa số người dân đến chùa đeo khẩu trang và có ý thức về việc giữ khoảng cách.
( HBĐT) - Những ngày sau Tết, nhu cầu tham quan, vãn cảnh, thực hành tín ngưỡng của Nhân dân rất lớn, vì vậy huyện Cao Phong đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý và phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di tích, danh thắng.
(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.