Mặc dù đang là cao điểm mùa lễ hội xuân, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã hạn chế đến mức thấp nhất hoặc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, đóng cửa các di tích, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tránh tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương cho thấy, hầu hết chính quyền, đơn vị quản lý các di tích, chùa chiền, cơ sở thờ tự, tôn giáo tại các địa phương đã thực hiện nghiêm quy định này.


Nghi lễ rước cầu quốc thái dân an tại Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) được thực hiện đơn giản, bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Ảnh: QUANG THỌ

Không tổ chức khai hội các lễ hội lớn

Trong những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng, các địa phương có lễ hội lớn đều không tổ chức lễ khai hội. Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, TP Hà Nội yêu cầu quận Ðống Ða không tổ chức lễ hội Gò Ðống Ða, huyện Mỹ Ðức không tổ chức khai hội chùa Hương... Sau khi xuất hiện một số ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đóng cửa toàn bộ các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn từ 0 giờ ngày 16-2. Toàn bộ các di tích đã được bảo đảm thực hiện theo yêu cầu của thành phố. Với một số di tích có diện tích rộng, nhiều đường ra vào, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng luân phiên túc trực để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn chống dịch. Ðiển hình là tại quần thể di tích Hương Sơn (chùa Hương), do có nhiều đường vào, cho nên có một số người tìm cách xâm nhập, hoặc thuê người địa phương dẫn đi theo đường mòn để vào chùa. UBND huyện Mỹ Ðức, Ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn đã huy động 200 người, túc trực suốt 24 giờ trong ngày tại chín điểm chốt ở các lối vào di tích; yêu cầu các thuyền đò dừng vận chuyển khách vào chùa. Ngày 15-2, Công an xã Hương Sơn đã xử phạt hai trường hợp dẫn khách vào chùa trái phép. Trưởng Ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: "Ðể phòng, chống dịch bệnh, di tích chùa Hương phải đóng cửa, khiến nhiều người dân trong xã mất cơ hội có thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhìn chung mọi người đều nghiêm túc chấp hành để bảo đảm an toàn".

Tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, Nguyễn Văn Thành cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP Uông Bí đã yêu cầu dừng tổ chức lễ khai hội tại các di tích, trong đó có lễ hội Yên Tử. Khu di tích danh thắng Yên Tử đóng cửa, không đón du khách ngay từ mồng 4 Tết Tân Sửu. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền tới nhân dân và phật tử chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên (TP Cẩm Phả) cũng đóng cửa từ mồng 3 Tết để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố. Theo quan sát của chúng tôi trong sáng 22-2, chung quanh khu vực đền và trong đền đều rất vắng vẻ, không có người dân đến chiêm bái, chỉ có các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu di tích làm nhiệm vụ tại đây. Phó Ban Quản lý khu di tích Nguyễn Duy Thanh cho biết, cùng với việc tuyên truyền về dịch trên hệ thống loa truyền thanh, hệ thống biển báo, tại các khu vực và lối lên đền đều có cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý túc trực suốt 24 giờ trong ngày để kiểm soát chặt chẽ, nhắc nhở người dân, du khách không tụ tập đông người.

Tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định là địa phương thuộc nhóm có nguy cơ, dịch bệnh có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương, trong đó có các điểm di tích, cơ sở thờ tự thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng… phải luôn đặt trong trạng thái cảnh giác cao, chủ động nâng cao năng lực ứng phó, vận dụng linh hoạt, phù hợp bộ quy tắc ứng xử trong phòng, chống dịch Covid-19. Chánh Văn phòng Sở Du lịch Lê Ngọc Sanh cho biết, các đơn vị, điểm di tích đều bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho khách lưu trú, phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn theo quy định khi vào tham quan. Tuyên truyền cho du khách thực hiện vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Ngoài ra, bố trí nhân viên thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định; yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động du lịch, tham quan. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Võ Lê Nhật từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, lượng du khách đến tham quan tại các di tích Huế tương đối đông, nhất là khu vực Ðại nội Huế. Khu di tích không tổ chức các sự kiện, hoạt động lớn trong dịp Tết nhằm hạn chế tụ tập đông người.

Cho tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng, song để phòng ngừa dịch bệnh, tỉnh yêu cầu các di tích, cơ sở tôn giáo phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Năm nay chùa Bái Ðính không tổ chức khai hội như mọi năm, tuy nhiên, nhiều du khách thập phương vẫn đổ về đây du xuân, chiêm bái. Theo Ban Truyền thông khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Ðính: Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu có ngày khu du lịch này đón bảy nghìn lượt khách. Ðể bảo đảm an toàn cho du khách, chùa Bái Ðính tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch. Hằng sáng, nhân viên tập trung phun thuốc khử khuẩn nơi du khách qua lại; lau chùi các bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch khử khuẩn; giám sát, nhắc nhở khách du lịch thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; kết hợp theo dõi tình trạng sức khỏe khách du lịch và người lao động.

Tổ chức các khóa lễ trực tuyến

Trong dịp đầu năm, nhất là vào dịp Rằm tháng Giêng, nhiều người dân có nhu cầu thực hiện lễ dâng sao giải hạn, cầu an tại các chùa. Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức các lễ cầu nguyện quốc thái dân an, yêu cầu các chùa chiền thực hiện tốt công tác phòng dịch. Sáng 21-2 (mồng 10 tháng Giêng), tại chùa Hoa Yên, khu danh thắng Yên Tử, thay vì tổ chức lễ khai mạc hội xuân như hằng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành các nghi lễ khai xuân với số lượng người tham gia hạn chế theo quy định phòng, chống dịch. Các nghi thức dâng hương, lễ Phật, đóng dấu thiêng Yên Tử… diễn ra đầy đủ, ngắn gọn và trang nghiêm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Thượng tọa Thích Ðạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã hướng dẫn các chùa và phật tử không tổ chức, tham gia các nghi lễ tôn giáo tập trung, mà tiến hành các khóa lễ cầu an bằng hình thức trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội để chủ động phòng, chống dịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong dịp đầu xuân.

Nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức các lễ cầu an, dâng sao giải hạn theo hình thức trực tuyến. Chùa Phúc Khánh (quận Ðống Ða) những năm trước thường tổ chức những lễ dâng sao giải hạn, cầu an với quy mô hàng chục nghìn người tham gia. Năm nay, các phật tử chỉ cần đăng ký tên, tuổi, địa chỉ, nhà chùa sẽ tổ chức khóa lễ trực tuyến, hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp trên kênh YouTube và trang Facebook của nhà chùa. Cùng lúc đó, các phật tử tiến hành lễ tại gia. Dự kiến, thời gian tổ chức khóa lễ của chùa Phúc Khánh là 20 giờ ngày 25-2 (tức ngày 14 tháng Giêng). Hình thức dâng sao giải hạn, cầu an trực tuyến cũng được chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chùa Ngũ Xã (quận Ba Ðình)… tổ chức. Một số di tích dời ngày tổ chức lễ cầu an, dâng sao sang tháng 2 (âm lịch) để bảo đảm các biện pháp phòng dịch. Những biện pháp này được đông đảo người dân, phật tử ủng hộ. Chị Lương Thị Hiền ở phố Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết: "Tôi rất ủng hộ việc thực hiện các khóa lễ đầu năm theo hình thức trực tuyến. Khi hết dịch bệnh, chúng ta lại có thể hành hương, đi lễ bình thường".

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã có công văn khẩn, đề nghị các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại Giáo xứ Tân Phú (quận Tân Phú), linh mục Lê Hoàng vẫn tổ chức làm hai lễ/ngày, nhưng các giáo dân không còn tập trung bên trong nhà thờ như trước, mà ngồi trước sân và giữ đúng khoảng cách theo quy định. Giáo xứ còn tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ, hỗ trợ và giúp đỡ người dân tại các địa phương có dịch. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Thành (quận Tân Phú) Huỳnh Thị Hiếu Nhu cho biết: "Ngay khi UBND có thông báo mới về việc tạm dừng các hoạt động thờ tự, đi lễ tại các cơ sở tôn giáo, Ủy ban MTTQ phường đã làm việc và nhận được sự đồng thuận cao của các chùa, nhà thờ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch".

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở chấp hành chưa nghiêm túc. Tối 19-2 (mồng 8 tháng Giêng), chùa Viên Giác, ở phường 1, quận Tân Bình tổ chức lễ Kỳ An Hội với số lượng người tham gia vượt quá quy định. Vì vậy, từ 12 giờ trưa 20-2, chùa đã tạm đóng cửa, toàn bộ chư tăng và những phật tử phục vụ tại chùa chấp hành quy định tự cách ly tại chùa, chờ đến khi có kết quả chính thức từ cơ quan chức năng. Sáng 22-2, Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã tiến hành phun thuốc sát khuẩn toàn bộ chùa nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tại chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng) ở số 73 Mai Thị Lưu, quận 1, Ban Quản lý chùa đã quyết định đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhưng bên ngoài cổng chùa, nhiều người dân vẫn đứng để nhận lộc của chùa do các phật tử trao. Chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) vẫn mở cửa để các phật tử vào làm lễ...

Tham quan di tích, cơ sở tôn giáo để chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an là một phong tục đẹp của người dân nước ta dịp đầu xuân mới. Tuy nhiên, do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, các cơ sở tôn giáo, di tích, người tu hành, tăng, ni, phật tử đều nghiêm túc chấp hành, áp dụng các hình thức mới, phù hợp với tình hình thực tiễn để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thiết thực góp phần kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, giữ an toàn cho cộng đồng, tạo điều kiện duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của các địa phương.

Theo Báo Nhân dân


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục