(HBĐT) - Đã thành nếp, cứ tối thứ Bảy, vợ chồng Hoàng Thu lại đưa 2 con đến vui chơi ở Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình). Chúng hào hứng, thích thú khi được gác lại bài vở để thỏa sức vui đùa. Còn với 2 vợ chồng, đây là khoảng thời gian được thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Nhìn bọn trẻ tíu tít với các trò chơi, Thu cười vui: Chúng chỉ mong thứ Bảy thôi. Đến đây được tự lái nhiều loại xe điện, rồi đạp xích lô, không thì câu cá, tô tượng, xúc hạt... Nhiều hôm, hai vợ chồng giục mãi cũng chẳng muốn về. Nhưng em nói thật, ở đây người lớn còn thích chứ nói gì đến trẻ con. Rộng rãi, thoáng đãng,không khí náo nhiệt. Nhiều hôm bọn em còn tranh thủ đi bộ được vài vòng. Những lúc như vậy mới thấy thư thái làm sao.


Quảng trường Hòa Bình là điểm vui chơi yêu thích của trẻ nhỏ.


Thu nói cũng phải. Nhớ lại mươi, mười lăm năm trước, khi con mình còn nhỏ, chúng đòi cho đi chơi mà nhiều khi chả biết đi đâu. Có chăng ngày ấy chỉ có sân nhà văn hóa thành phố và ở Cung văn hóa tỉnh là có trò cầu trượt, lái xe, thỉnh thoảng có dịch vụ nhà phao. Chỗ chơi thì ít mà chật chội, trẻ con lại đông, nhiều hôm chờ cả tiếng cũng chưa đến lượt, chán quá chúng đành đòi về. Giờ đây, ở quảng trường, mấy chục trẻ được vui chơi vẫn thấy rộng rãi, an toàn.

Đưa vào hoạt động từ cuối năm 2016, đến nay, Quảng trường Hòa Bình không chỉ là điểm hẹn yêu thích của trẻ nhỏ, mà còn là của đông đảo người dân. Nhất là vào chiều muộn và buổi tối, nhiều người đến đây đi bộ, đạp xe thể dục, dạo chơi. Nhiều hôm có cả nhóm trẻ bật nhạc tập khiêu vũ, nhảy hip hop khiến không gian thêm náo nhiệt. Gần như tối nào chị Nguyệt, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cùng 2 - 3 người hàng xóm cũng ra quảng trường đi bộ. Chị chia sẻ: Ra đây không khí trong lành, thoáng mát, chứ như trước đây, đi bộ quanh phố vừa bụi bẩn, xe cộ ồn ào mà không an toàn.

Quảng trường Hòa Bình hay còn gọi là Khu đa chức năng Quỳnh Lâm được xây dựng nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình. Còn nhớ thời điểm công trình đang xây dựng, một kiến trúc sư tham gia dự án từng chia sẻ: Khu đa chức năng Quỳnh Lâm là khu phức hợp các công trình về chính trị, kiến trúc, văn hóa, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị của TP Hòa Bình, mang tính hiện đại, nhưng lại khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có không gian văn hóa chiêng Mường. Trong khu đa chức năng, quảng trường là không gian chính, phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, được thiết kế hài hoà cùng không gian xung quanh với hình lục giác. Trọng tâm của khu lễ đài là biểu tượng tượng trưng cho 6 dân tộc chính sinh sống trong tỉnh là Mường, Thái, Kinh, Tày, Dao, Mông. Biểu tượng có 6 cột tạo nên hình tượng như khung nhà sàn của các dân tộc và cũng là hình tượng của chữ "Nhân"; mỗi cột đại diện cho 1 dân tộc chính của tỉnh. Hình chiêng Mường cách điệu trên nền hoa sao với khung hình vuông. Khái quát biểu tượng có ý nghĩa là "Thiên - Địa - Nhân". Bên cạnh đó, quảng trường được thiết kế theo không gian công viên nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng, với hồ nước hai bên có đài phun, hệ thống đèn chiếu sáng lung linh sắc màu, hệ thống cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ xanh mướt, hài hòa.

Không gian thoáng đãng, cảnh quan đẹp, sinh động, ý nghĩa, chẳng vậy mà Quảng trường Hòa Bình cũng là lựa chọn số một của không ít chị em, gia đình hay những đôi bạn trẻ đến đây lưu lại những tấm ảnh đẹp làm kỷ niệm.

Ở một góc độ khác, quảng trường cũng là nơi xả stress hiệu quả. "Đến đây, vừa trò chuyện thoải mái, tận hưởng không khí vui nhộn, lại được hát cả karaoke. Anh em đi công nhân xây dựng, cố gắng dành dụm gửi tiền về cho vợ nuôi con ăn học, làm gì có tiền mà vào nơi sang chảnh. Đến những quán nước vỉa hè này, có khi 2 - 3 người chỉ mất 15 - 20 nghìn đồng cốc nước chè, đĩa hướng dương; mượn đôi míc, chiếc loa thùng của chủ quán hát nghêu ngao cũng vui, lòng nhẹ bẫng". Nghe lời dí dỏm của nhóm thợ quê Lạc Sơn, chúng tôi cũng vui lây. Đúng là niềm vui đôi khi thật đơn giản.

Quảng trường Hòa Bình đã góp phần tô đẹp thêm cuộc sống. Song cũng mong lắm mỗi người đến đây đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường để nơi này mãi là điểm đến lý tưởng.

Thu Hiền

Các tin khác


Xã Xuất Hóa thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ

(HBĐT) - Là một trong những xã vùng trung tâm, Xuất Hóa (Lạc Sơn) có 1.887 hộ, trong đó, khoảng 75% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Những năm qua, thực hiện các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới, KT-XH trên địa bàn có nhiều khởi sắc, tình hình an ninh chính trị và TTATXH ổn định. Đồng thời, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được quan tâm thúc đẩy, nhiều nét đẹp văn hóa được gìn giữ, phát huy.

Huyện Lạc Sơn bảo tồn và phát huy giá trị Mo Mường

(HBĐT) - Mo Mường là di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình nói chung và của huyện Lạc Sơn nói riêng. Mo Mường huyện Lạc Sơn còn lưu giữ trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mường với 23 nghi lễ cổ truyền và có trên 50 nghệ nhân đang thực hành Mo Mường. Huyện đã và đang triển khai đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả hoạt động của các nghệ nhân Mo Mường, cũng như khôi phục lại các bài Mo truyền thống và sưu tầm những áng Mo đã bị thất truyền để truyền lại cho thế hệ kế cận.

Hơn 600 bộ áo dài lung linh khoe sắc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Các bộ sưu tạp áo dài không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, các mẫu thiết kế còn thể hiện sự giao lưu văn hóa khi khai thác họa tiết từ nét đẹp văn hóa truyền thống của 15 nước trên thế giới.

Thưởng thức ẩm thực Hòa Bình ở ngã ba bãi Sang

(HBĐT) - Khu vực ngã ba Bãi Sang (trước thuộc xã Đồng Bảng, nay thuộc xã Đồng Tân, huyện Mai Châu) từ lâu đã được biết đến là điểm dừng chân ăn uống quen thuộc của những lái xe đường dài trên tuyến đường Hà Nội, Hòa Bình – Sơn La. Thực phẩm tươi sống, chế biến theo cách truyền thống cộng với những gia vị đặc trưng cùng với giá cả phải chăng khiến cho ẩm thực ngã ba bãi Sang ngày càng hấp dẫn thực khách. Giờ đây, không chỉ có lái xe đường dài, ngã ba bãi Sang đã trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch trên cung đường khám phá Tây Bắc. Nhiều nhà hàng mới được xây dựng, kiến trúc đẹp, chất lượng phục vụ sang trọng càng làm cho ẩm thực ngã ba bãi Sang thêm nức tiếng.

Mê mẩn Trà sư trong vũ khúc hoàng hôn

(HBĐT) - Du lịch để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên chính là một cách tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. Hoàng hôn cũng là khoảnh khắc chuyển giao như một phép màu kỳ lạ, Trà Sư duyên dáng khoác lên mình chiếc "phượng bào” đỏ rực kiêu sa hòa quyện cùng sắc vàng quý tộc dệt nên thước lụa tinh tế lấp lánh nắng chiều. Tác phẩm nghệ thuật được chế tác công phu từ bàn tay tạo hóa, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy đồng điệu trong không gian chẳng khác chi cảnh vật "địa đàng trần gian”. Nếu bạn đang cảm thấy mỏi mệt, một buổi chiều thư giãn và chìm trong khung cảnh lãng mạn, đắm mình trong không gian ảo diệu của ánh hoàng hôn ở Trà Sư sẽ là gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục