(HBĐT) - Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ mà điểm nhấn quan trọng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chất chứa nội hàm biểu trưng của lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước...
Đồng bào và du khách về chiêm bái tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ)
Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua thời gian, phong tục này đã trở thành Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Hùng Vương. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Đây cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Và điều đó đã chứng minh cho cho toàn thế giới rằng, văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được trao truyền, chiếm vị trí thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp Nhân dân. Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện nay, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự. Phú Thọ là tâm điểm của thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động Lễ - Hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở tỉnh, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước và kiều bào tham gia trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Cùng với Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ VH-TT&DL về việc tổ chức nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm một cách trang trọng, thành kính. Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các vua Hùng như ở Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ, như ở Nga, Séc, Lào,…
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, lan tỏa mạnh mẽ vượt qua biên giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để "cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”, con Lạc cháu Hồng chung vai góp sức gìn giữ, phát triển giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân.
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ tổ chức phần lễ, dừng toàn bộ các hoạt động ở phần hội. Đây là năm thứ hai, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 17/4 và 21/4 (tức ngày 6 và 10 tháng Ba năm Tân Sửu) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bao gồm các phần lễ chính. Phần lễ được tổ chức từ ngày 17/4 (tức ngày 6/3 âm lịch) gồm: Lễ Giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. Ngày 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong". Địa điểm tổ chức tại quần thể Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Về phần lễ sẽ thực hiện trong năm nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng chủ trì xây dựng kịch bản nội dung; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và quản lý một số hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại Khu di tích, đảm bảo nghiêm túc và đúng yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, cách thức và hình thức tổ chức nội dung phần lễ đảm bảo trang nghiêm, đầy đủ và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, từ nay đến khi tổ chức sự kiện, nếu xuất hiện ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ có những điều chỉnh mới phù hợp với tình hình.
P.V (ST)
Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm Tân Sửu 2021 cho biết, năm nay là năm lẻ nên Giỗ Tổ Hùng Vương do tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Đợt phim "Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 năm 2021" sẽ được trình chiếu trong phạm vi cả nước từ ngày 30/4 đến ngày 22/5/2021.
Thời gian qua, giải thưởng từ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ tổ chức đã tạo nên những tranh cãi về chất lượng tác phẩm đoạt giải.
Sau một năm không được tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội trong dịp Tết cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19, những ngày này, người dân Lào trên khắp cả nước đang nô nức chuẩn bị chào đón Tết Boun Pi May năm 2021 (tức năm 2564 Phật lịch).
(HBĐT) - Là một trong những xã vùng trung tâm, Xuất Hóa (Lạc Sơn) có 1.887 hộ, trong đó, khoảng 75% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Những năm qua, thực hiện các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới, KT-XH trên địa bàn có nhiều khởi sắc, tình hình an ninh chính trị và TTATXH ổn định. Đồng thời, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được quan tâm thúc đẩy, nhiều nét đẹp văn hóa được gìn giữ, phát huy.
(HBĐT) - Mo Mường là di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình nói chung và của huyện Lạc Sơn nói riêng. Mo Mường huyện Lạc Sơn còn lưu giữ trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mường với 23 nghi lễ cổ truyền và có trên 50 nghệ nhân đang thực hành Mo Mường. Huyện đã và đang triển khai đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả hoạt động của các nghệ nhân Mo Mường, cũng như khôi phục lại các bài Mo truyền thống và sưu tầm những áng Mo đã bị thất truyền để truyền lại cho thế hệ kế cận.