(HBĐT) - Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc biệt có giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc. Mo Mường đã, đang được bảo tồn, lưu truyền, phát huy ở vùng đất Mường Vang - Lạc Sơn. Người Mường Vang luôn trân trọng và mong muốn di sản quý giá của dân tộc mãi trường tồn. Chính vì vậy, lớp truyền dạy mo Mường được huyện tổ chức vào đầu tháng 8/2021 tại xã Văn Sơn đã có 40 học viên tham gia. Không chỉ nam giới, người trung - cao tuổi mà cả phụ nữ, trẻ tuổi cũng háo hức, nghiêm túc học tập.

Nghệ nhân mo Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thực hiện mẫu bài khấn mo hướng dẫn học viên tại lớp truyền dạy mo Mường do huyện tổ chức vào tháng 8/2021.
        
 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng và nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh là những người trực tiếp giảng dạy lớp học phấn khởi, tự hào bởi vốn quý của dân tộc được nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị và đang được lưu truyền, phát huy, ứng dụng trong cuộc sống đương đại. Nghệ nhân mo Bùi Văn Minh ở xã Văn Sơn chia sẻ: Có giai đoạn như những năm 1980 - 1990, mo bị coi là mê tín dị đoan và trầm lắng. Nhưng không phải vậy, ai đó lợi dụng mo để hành nghề mê tín dị đoan cũng cần lên án. Bởi mo Mường chứa đựng nhiều giá trị về tư tưởng, nhân sinh quan, vũ trụ quan, cách đối nhân xử thế, đạo lý nhân văn, răn dạy con cháu nên người… Mỗi áng mo được khấn lên còn là điểm tựa về tinh thần cho người Mường mỗi khi gặp biến cố, chuyện chẳng lành để cố gắng vượt qua.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng vui mừng vì lần đầu tiên huyện mở được lớp truyền dạy mo Mường. Những người yêu thích mo Mường, văn hóa Mường khắp các xã trong vùng Mường Vang đã được tìm hiểu về nguồn gốc mo Mường, những nét đẹp và giá trị của mo. Đặc biệt, được học một số bài mo sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người Mường như: Mo khấn tổ tiên ngày Tết, mo khấn tổ tiên ngày đầu tháng, mo trong lễ thanh minh, tảo mộ…

 Theo nghệ nhân Bùi Huy Vọng, nói đến mo Mường phải khẳng định đây là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, nổi trội của người Mường. Mo được coi là "Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường, chứa đựng kho từ vựng tiếng Mường cổ và các loại hình văn hóa dân gian khác. Mo ảnh hưởng sâu sắc và chi phối mọi mặt đời sống của người Mường, góp phần quan trọng tạo nên cốt cách, tâm hồn người Mường và bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường qua bao biến thiên lịch sử. Mo được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường từ khi sinh ra đến khi về với tổ tiên. Mo có dung lượng khổng lồ với vài chục nghìn câu thơ, văn vần chia thành các roóng mo, cát mo. Hãy lắng nghe từ tâm những áng mo, khi thấu hiểu sẽ thấy lòng sâu lắng hơn, muốn sống nên người hơn, hướng tới chân - thiện - mỹ. Đó là giá trị đáng trân trọng của mo Mường cần được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại và mai sau.

"Các con ở lại ngày sau/ Thương yêu nhau như nước chảy chung dòng/ Chớ thấy con lợn béo nhà người ta mà mơ xà mơ xẻo…” (bản dịch tiếng Việt). Những câu trong mo "Cuổi lìa” đêm cuối tang ma ở vùng đất Mường Vang đã cho thấy những điều hay lẽ phải mà người ra đi muốn nhắn gửi con cháu hãy yêu thương nhau và chăm chỉ làm ăn, đừng có tính trộm cắp… Đó ví như bản "di chúc” vô giá nuôi nấng, dung dưỡng tâm hồn người Mường.

 Theo kiểm kê, có khoảng 23 nghi lễ sử dụng mo Mường như: Tang ma, lễ cầu phúc lộc, mạnh khỏe, trừ tà, làm vía và tại các lễ hội dân gian, trong đó tang ma được sử dụng nhiều nhất. Hiện nay, các áng mo cắt giảm hơn trước nhưng vẫn khẳng định được giá trị, có chỗ đứng vững chắc trong đời sống của người Mường Vang với tư cách là yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa. Từ bao đời nay, dẫu chỉ truyền miệng nhưng mo Mường vẫn bền chặt với vùng Mường Vang cho thấy sức sống mãnh liệt, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường và vươn tầm thế giới. Nay, khi có bộ chữ Mường, nhiều bài mo được viết lại bằng chữ Mường hứa hẹn truyền tải được đầy đủ nghĩa gốc, lời ông cha truyền lại sẽ vọng mãi đến mai sau.

 Ông Quách Văn Lịch, xã Xuất Hóa; chị Quách Thị Lon, xã Ân Nghĩa… và những người đam mê học mo Mường đều trân trọng vốn quý của dân tộc và tha thiết cùng góp sức bảo tồn, phát huy. Ông Lịch bộc bạch: Giữ được bản sắc là giữ được hồn cốt của dân tộc, để hòa nhập trong cuộc sống hiện đại mà không bị hòa tan. Không phải ai cũng học được mo Mường nhưng bây giờ có các thiết bị ghi âm, ghi hình, mạng internet phát triển, lại có chữ Mường để truyền tải nên thuận lợi hơn. Mo Mường và những giá trị nhân văn đến gần hơn với người Mường. 
 
Với những giá trị đặc biệt, năm 2015, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã công bố quyết định về việc bảo trợ cho di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình. Năm 2016, mo Mường được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, được trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những kết quả đó có sự đóng góp của các nghệ nhân, những người tham gia vào công tác bảo, tồn, phát huy di sản mo Mường tại Mường Vang - 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh.

 Trưởng Phòng VH-TT huyện Lạc Sơn Nguyễn Thế Hùng cho biết: Nhận thức đúng giá trị của mo Mường, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy. Nổi bật là tạo điều kiện thành lập câu lạc bộ mo Mường huyện với hơn 40 thành viên; mở lớp truyền dạy mo Mường cho 40 học viên; chủ trương xây dựng khu vực bảo tồn không gian văn hóa Mường khoảng 10 ha tại xã Yên Phú, trong đó có mo Mường… Từ khi thành lập câu lạc bộ mo, hoạt động mo Mường trên địa bàn huyện bài bản, quy củ hơn. Đây là những việc làm thiết thực trong thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 của UBND tỉnh, góp phần đưa mo Mường vươn tầm di sản thế giới.

Trong cuộc sống ngày nay và mai sau, để mo Mường có chỗ đứng vững chắc và tiếp tục phát huy giá trị, bên cạnh sự vào cuộc của huyện, ngành chức năng, những nghệ nhân, người yêu thích mo như những hạt nhân lan tỏa, cũng cần sự quan tâm, đón nhận, trân trọng của thế hệ trẻ. Đáng mừng là trong huyện đã có những thầy mo trẻ đang ngày càng trưởng thành trước sự dìu dắt, hướng dẫn của những nghệ nhân uy tín, ưu tú. 


Cẩm Lệ

Các tin khác


Trọn đời cống hiến cho phim hoạt hình

Hơn 30 năm làm phim và gần 15 năm làm Giám đốc Hãng phim Hoạt hình, họa sĩ - đạo diễn - NSƯT Hồ Quảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc hình thành và phát triển phim hoạt hình Việt Nam.

Về xứ Mường Be

(HBĐT) - Quê tôi - xứ Mường Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Nguyên nhân có nhiều nhưng tôi muốn tìm điều hay hay, độc đáo, đẹp đẽ trong sự khó khăn, vất vả mà vui, mà hãnh diện, thương yêu trong mỗi lần trở về…!.

Đại lễ Vu Lan 3 miền 2021 dành trọn tình cảm đến những người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2565 – Dương lịch 2021 đang đến gần, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, thực hiện thông bạch 186/HĐTS-VP1, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng, ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy để phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tụng kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, Anh hùng liệt sĩ, các nạn nhân tử nạn trong đại dịch COVID-19, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an bằng hình thức trực tuyến.

Khoanh vùng bảo vệ 45 điểm di tích của Chiến trường Điện Biên Phủ

Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND nhằm rà soát, đánh giá lại hiện trạng các điểm di tích; xác định rõ ranh giới phạm vi đất di tích cần được khoanh vùng, bảo vệ; thực hiện cắm mốc bảo vệ di tích đồng thời phục vụ lập hồ sơ pháp lý liên quan đến các điểm di tích.

Lùi thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông sang tháng 12/2021

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh: Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk về việc lùi thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu sang tháng 12/2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục