(HBĐT) - Vào một ngày thu tháng 9, chúng tôi về xã An Bình (Lạc Thuỷ), được các đồng chí lãnh đạo xã đưa đến thăm di tích lịch sử Đài Phát thanh (ĐPT) Pathet Lào tại thôn Đồng Bầu. Di tích này là minh chứng và là sự khẳng định mối quan hệ thủy chung, trong sáng, tình đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào.


Khu di tích lịch sử Đài Phát thanh Pathet Lào tại thôn Đồng Bầu, xã An Bình (Lạc Thuỷ) được nâng cấp, cải tạo. 

Năm nay bước sang tuổi 91 nhưng ông Trịnh Đình Quang, thôn Đồng Bầu vẫn  minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian được xã cử là người canh gác địa điểm đặt ĐPT Pathet, ông hồi tưởng: "Khoảng giữa năm 1964, ở An Bình lúc này có ông Tưởng, ông Bộ, ông Dục là người của cơ quan B1 Đài Tiếng nói Việt Nam về đặt vấn đề với Đảng bộ và nhân dân địa phương cho đi khảo sát thực tế để tìm địa điểm thích hợp xây dựng ĐPT cho nước bạn Lào. Nhận thấy đây là niềm tự hào và trách nhiệm quốc tế cao cả, qua thảo luận, cấp uỷ đã quyết định cử tôi trực tiếp dẫn đoàn đi thị sát thực tế tại khu vực điểm hang động. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp đã được Khu uỷ Khu III chọn làm xưởng quân giới sửa chữa, sản xuất vũ khí đạn dược và xưởng in Báo Cứu quốc. Sau 2 ngày thị sát khu hang động, các ông cùng đi xác định đây là địa điểm có thể lấy làm nơi đặt ĐPT được”.

Theo chỉ đạo của cấp trên, xã An Bình đã dành 30 ha đất các loại cho Đài quản lý, sử dụng. Trong đó có 25 ha là diện tích núi đá, hang động và rừng già, 3 ha đất canh tác của nhân dân thôn Đồng Bầu và 2 ha đất sông ngòi nằm trong khu vực bảo vệ. Ngoài ra, dành 0,3 ha đất thổ cư của hộ các ông: Lương Văn Tĩnh, Trần Quang Chính, Trần Văn Hảo, Ngô Văn Kim để xây dựng nhà ở cho cán bộ Việt Nam làm chuyên gia cho nước bạn và bộ phận kiến trúc thuộc Công ty xây dựng khu Nam (thuộc Tổng công ty kiến trúc Bộ Xây dựng) về ở để xây dựng cơ sở vật chất của Đài. Từ đây, ĐPT Pathet Lào chính thức được đặt nền móng xây dựng.

Ban đầu, theo yêu cầu của nước bạn Lào, xã cử một số đảng viên và đoàn viên ưu tú tham gia dân công phục vụ công trình như: Phát dọn đường vào khu vực; bảo vệ vòng ngoài 24/24 giờ, không cho người, gia súc vào khu vực đã được quy định. Tất cả những người tham gia dân công đều được quán triệt đảm bảo bí mật tuyệt đối với phương châm "không biết, không nghe, không thấy”. Lực lượng dân công và dân quân của địa phương giúp bạn cho đến khi có Đoàn Kiến trúc 310 và trung đội Công an vũ trang về thay thế làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ.

Trong quá trình xây dựng, các đoàn xe vận tải vật tư, thiết bị của đơn vị đều được ngụy trang và tổ chức di chuyển về ban đêm qua tuyến đường Ninh Ngoại - Ba Dốc, sang Đầm Rừng hoặc theo đường của Đội 10 (Nông trường Sông Bôi). Từ đây, nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn Lào được phát động trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương với ý thức nêu cao cảnh giác cách mạng, đề cao phong trào phòng gian, bảo mật. Từ buổi ban đầu đặt nền móng xây dựng cho đến khi Đài đi vào phát sóng ổn định, nhân dân An Bình đã ủng hộ trên 3.000 cây bương, tre các loại, một bộ khung nhà gỗ của gia đình cụ Đinh Văn Nộm, 1.200 ngày công xây dựng cơ sở ban đầu. Để rút ngắn đoạn đường đi lại, thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho Đài, song vẫn đảm bảo về an toàn và bí mật, đồng thời gắn với phát triển kinh tế của địa phương, năm 1968, tuyến đường đi tắt Quèn Mu - Thạch Bình (trước đây là đường mòn) được khởi công. Sau 1 năm thi công, đường Quèn Mu đi Nho Quan dài hơn 4 km đã hoàn thành. Nhân dân xã An Bình tham gia 17.000 ngày công, đào đắp 22.000 m3 đất, phá 1.200 m3 đá mở đường qua dốc Quèn Mu.

Hiện, ở xã An Bình có 3 người từng làm việc tại Đài, ngoài ông Trịnh Đình Quang còn có ông Phạm Hồng Thái năm nay 81 tuổi, trước là lái xe cho Đài và bà Trịnh Thị Thu, năm nay 73 tuổi trước nấu ăn và trông trẻ cho cán bộ Lào.

Trong 4 năm (1969 - 1973) đóng chân tại địa phương, cơ quan Đài bạn giữ mối quan hệ rất tốt với lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây. Cuối năm 1973, ĐPT Pathet Lào chính thức rời khỏi An Bình. Tuy Đảng bộ và nhân dân xã An Bình đóng góp sức người, sức của không lớn nhưng đã cùng cả nước tô thắm thêm mối tình đoàn kết, gắn bó, keo sơn giữa 2 dân tộc Việt - Lào.

Đặc biệt, ngày 4/10/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2514/QĐ-UBND về việc công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích ĐPT Pathet Lào. Năm 2020, điểm di tích được Nhà nước đầu tư xây dựng bia di tích và khuôn viên, cổng chào với kinh phí khoảng 700 triệu đồng.

Đồng chí Đinh Minh Mão, Bí thư Đảng uỷ xã An Bình cho biết: Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng về tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, các cấp, ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hai nước Việt - Lào và bạn bè quốc tế biết, thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích trong lịch sử quan hệ Việt - Lào. Việc tôn tạo, phát huy là cần thiết, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền.


Đinh Thắng

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục