Căn cứ tuần trăng định ngày trong tháng theo tuần trăng
Người Mường gọi tháng theo trăng, được tính từ mồng 1 kâl đầu tháng khi nhìn thấy trăng bằng mắt thường, cho đến ngày 30 (tức mồng 1 âm lịch của người Kinh) không nhìn thấy trăng bằng mắt thường. Theo đó, người Mường cho rằng mồng 1 kâl của người Mường là "có trăng”, còn mồng 1 âm lịch "không có trăng”.
1 tháng trăng của người Mường cơ bản có 30 ngày, gồm các ngày kâl: 10 ngày đầu tháng từ trăng non dần dầy lên; các ngày tlôồng (có nơi gọi là ban lôồng): có 10 ngày, trong đó ngày5 tlôồng (15 giữa tháng, tức 15 âm lịch)là ngày trăng tròn nhất, sau ngày 5 tlôồng trăng bắt đầu khuyết dần. Các ngày cuối tháng, có nơi gọi là ban lụn (nan kuổi - ban cuối), là 10 ngày cuối tháng trăng khuyết cho đến ngày 30 không quan sát thấy trăng bằng mắt thường.
Cho đến ngày nay, việc gọi tháng trăng vẫn còn được người Mường sử dụng, trường hợp cụ thể như sau: Khi khách đến nhà, gia chủ lấy 1 bình rượu cần ra đãi khách. Khi uống thông thường khách hay hỏi chủ nhà: "Ra̭w ngon zà, ba̒ng ra̭w ni̒ ản mẩi tlăng rơ̒i ha̒?” (Rượu ngon quá, bình rượu này được mấy trăng rồi ạ?). Chủ nhà thường trả lời: "Za̭, hơn 3 tlăng rơ̒i a̭” (Vâng, được hơn 3 trăng rồi ạ). 3 trăng tức là 3 tháng, người Mường xưa làm rượu cần ít nhất phải trên 3 tháng mới mang ra đãi khách.
Chúng ta đều biết vào ngày 30 âm lịch kết thúc 1 tháng, thường lúc gần sáng mới có mảnh trăng khuyết mọc, sang ngày mồng 1 âm lịch gần như không quan sát thấy trăng non. Thế nên dân gian thường nói mồng 1 âm lịch không có trăng. Với lịch Mường, ngày mồng 1 âm lịch với người Mường mới là ngày cuối cùng của tháng cũ.
Thực ra ngày mồng 1 âm lịch không phải không có trăng, đây là ngày "trăng non”.
Vậy thì trăng non là gì: Trăng non là trăng ngày đầu tiên của tháng âm lịch, khi đó Mặt trăng và Trái đất thẳng hàng, đồng thời Mặt trời và Trái đất ở hai phía đối diện của Mặt trăng.
Ngày nay, khoa học phát triển đã cho con người nhìn thấy và giải thích rất nhiều hiện tượng thiên văn học. Có 2 lý do khiến chúng ta không thể nhìn thấy trăng non vào ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng, đó là: Vào ngày này (chu kỳ 30 ngày 1 lần), sự thẳng hàng của Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất khiến mặt của Mặt trăng đối diện với Trái đất trong bóng tối. Các trăng non lên trên bầu trời vào ban ngày. Nó mọc và lặn cùng thời điểm với Mặt trời, đưa nó đến quá gần điểm chói của Mặt trời để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nói nôm na, ngày mồng 1 âm lịch mắt thường không nhìn thấy được trăng non, sang ngày mồng 2 mới thấy rõ trăng non trên bầu trời phía Tây khi mặt trời vừa xuống núi. Ngày mồng 2 âm lịch với người Mường mới là mồng 1 kâl - ngày đầu tiên của tháng mới.
Người Mường Bi - Tân Lạc có bài văn vần nói về trăng: Ngày một bằng lá cỏ tranh/ Ngày hai bằng lá cây chít/ Ngày ba lưỡi liềm/ Ngày bốn trăng sáng quầng/ Ngày năm giữa tháng/ Ngày sáu đóng dấu đồi/ Ngày bảy mọi vật ngủ say trăng mới lên/ Ngày tám trẻ khóc vào ban đêm trăng mới lên/ Ngày chín con cú mèo gọi trăng lên.
Thế nên nói người Mường tính "ngày lui” chính là như thế, hay nói cách khác, 1 tháng của người Mường được tính theo quy luật Mặt trăng: Khuyết (đầy lên tròn) - tròn - khuyết (tròn rồi khuyết dần). Ngày mồng 1 (1 kâl, tức mồng 2 âm lịch) bằng mắt thường có thể dễ dàng quan sát thấy trăng non ngày đầu tiên của tháng mới.
Căn cứ thiên văn để người Mường định tháng
Còn tháng tới với cách tính của người Mường thì phức tạp hơn, nó được tính theo quy luật vận động và quỹ đạo của sao Roi (Đoi) - Tua Rua và Mặt trăng vào các kỳ giao hội, 1 tháng.
Lôô̒ng khảng chiêng Mường Bi - rằm tháng giêng Mường Bi, tức tháng 10 âm lịch, vào ngày 4 lôô̒ng, tức ngày 15 âm lịch, sao Roi đi thẳng vào Mặt trăng, hay nói cách khác, Mặt trăng giao hội với sao Roi. Ngày này người Mường gọi là ngày Roi.
Theo quy luật mỗi tháng 1 lần Mặt trăng giao hội với sao Roi, hay nói cách khác mỗi một tháng trăng có 1 ngày Roi, duy nhất vào tháng 6 Mường Bi, tức tháng 3 âm lịch có 2 ngày Roi, đó là các ngày 4 kâl (mô̒ng 5) và 8 lṷn (29 âm lịch). Người Mường quan sát và tính toán thấy, ngày Roi của tháng sau bao giờ cũng lui 2 ngày so với tháng trước. Như tháng giêng Mường Bi ngày 14 là ngày Roi, sang tháng 2 lui lại 2 ngày tức ngày 12 là ngày Roi.
Nói cách khác, tháng đầu tiên của năm mới người Mường gọi là khảng chiêng - tháng chiêng Mường Bi (nhiều khả năng cũng là người Việt cổ) rơi vào đúng tháng 10 âm lịch. Người Mường Bi cổ lấy tháng này vì vào ngày giữa tháng trăng tròn và sáng nhất trong tháng thì lại giao hội với quỹ đạo sao Roi (Đoi) - Tua Rua, đặc biệt tháng này cũng là tháng bước vào mùa gặt và người Mường thường tổ chức Tết cơm mới.
Theo một số nhà nghiên cứu, nhiều khả năng vào thời Hùng Vương, năm mới của người Việt cổ được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, 1 năm có 10 tháng. Sau đó, quá trình quan sát thiên văn và khí tiết, khí hậu, họ nhận thấy 1 năm có 12 tháng, thế nên, trong 12 tháng đó có 2 tháng: Chạp - chiêng (giêng) không được đếm theo số học thông thường mà được đặt tên riêng.
Qua cách lấy tháng đầu tiên của năm, ta thấy tháng của người Mường cổ đi trước - tháng tới - so với tháng âm lịch là 3 tháng. Tháng 10 âm lịch tương đương tháng chiêng (giêng) của người Mường Bi.
Như vậy, việc định ra ngày, tháng của người Mường cơ bản căn cứ theo các quan sát bầu trời, quy luật vận động của Mặt trời, Măt trăng, một số vì sao đặc biệt như: Sao Roi (Đoi) - Tua Rua… để làm cơ sở định ra ngày, tháng. Cho đến ngày nay, ta thấy các sáng tạo ra lịch của người Việt cổ, nay là người Mường rất khoa học, có cơ sở thực tế từ môi trường, địa vực sống, nên lịch Mường bao đời qua luôn tồn tại song hành với lịch của các triều đình phong kiến miền xuôi và phục vụ đắc lực cho cuộc sống, lao động, sản xuất của mình.
Bùi Huy Vọng
(TTV)
Truyện ngắn của Bùi Huy