(HBĐT)- Vì tình yêu với văn học Nga, văn hóa Nga và tâm hồn Nga, tôi đã góp mặt trong Festival văn hóa "Đa sắc màu Việt - Nga 2022" được tổ chức tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn) ngày 29/10 vừa qua. Một ngày trọn vẹn hòa cùng hoạt động giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, giáo dục Việt - Nga của học sinh, sinh viên đến từ 18 cơ sở giáo dục của Việt Nam và nước Nga đã để lại trong mỗi thành viên tham dự những ấn tượng khó phai.


Cô và trò trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) mang đến Festival tiết mục múa sôi động, thấm đẫm văn hóa Việt - Nga.

Trong không gian rực rỡ sắc màu và sôi động của lễ hội, bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin Hà Nội chia sẻ: "Festival văn hóa Việt - Nga là sự kiện văn hóa và lễ hội đặc sắc được Phân viện Puskin Hà Nội tổ chức thường niên (đến nay là lần thứ 7). Sự kiện nhằm tạo sân chơi cho HS-SV, học viên ở các cơ sở giáo dục trên cả nước giao lưu, tìm hiểu về văn hóa Nga, đồng thời quảng bá văn hóa Việt với người Nga đang sinh sống, làm việc, học tập trên đất nước hình chữ S. Qua 2 năm tạm ngừng tổ chức do dịch Covid-19, năm 2022, Phân viện Puskin Hà Nội khởi động lại Festival văn hóa Việt - Nga với quy mô lớn hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng "Năm chéo Việt - Nga” và hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Phân viện Puskin Hà Nội. 

Theo Ban tổ chức, năm 2022 là năm đầu tiên Festival văn hóa Việt - Nga được tiếp nhận tài trợ từ Quỹ Thế giới Nga và cũng là năm đầu tiên quy tụ được 18 cơ sở giáo dục thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia, với trên 1.000 HS-SV. Để Festival thành công như mong đợi, Phân viện Puskin Hà Nội đã chọn phối hợp với trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (cơ sở 2 đặt tại xã Hòa Sơn - Lương Sơn), là trường có chương trình hợp tác truyền thống lâu dài với nước Nga tổ chức. 

Đến với Festival văn hóa "Đa sắc màu  Việt - Nga 2022", các đội tham gia 4 phần thi, gồm: Videoclip "Vòng quanh Việt Nam - Vòng quanh nước Nga"; "Những nghệ sĩ trẻ"; "Đầu bếp tài năng”; "Tìm hiểu về nước Nga và Việt Nam”. Phần hội được mở đầu bằng vũ điệu sôi động trên nền bài dân ca Nga nổi tiếng Kalinka do học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) biểu diễn. Trong hơn 1 giờ, cả hội trường như được hâm nóng với những tràng pháo tay, nhịp gót giày và cả những tiếng huýt sáo tán thưởng dành cho các tiết mục múa, hát, tiểu phẩm do HS-SV thể hiện. Các hoạt động trên sân khấu diễn ra tới gần 12 giờ, nhưng các đoàn vẫn nhiệt tình di chuyển tới khoảng sân rộng đã được chuẩn bị sẵn để tham gia phần thi "Đầu bếp tài năng”. Các đội cùng tham gia chế biến 1 món ăn mang tính biểu tượng của nước Nga - salat mimosa. Salad mimosa được chế biến đơn giản, tạo sự hứng thú trải nghiệm cho HS-SV. Trong khi nhóm bạn tập trung chế biến món ăn, nhiều nhóm khác tản ra khuôn viên để giao lưu với các bạn cùng trang lứa ở tỉnh khác, anh chị sinh viên các trường đại học ngoại ngữ. Đặc biệt là cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Nga, giáo viên, HS-SV người Nga luôn thường trực nụ cười trên môi cùng các bạn HS-SV lưu lại những bức hình đẹp.

Sau giờ ăn và nghỉ trưa chóng vánh, chương trình bước vào hoạt động mới: Giáo viên Nga hướng dẫn làm búp bê truyền thống của Nga. Tiếp đó là phần thi "Tìm hiểu về nước Nga và Việt Nam”. Ở phần hỏi đáp được chia thành 2 đội: 1 đội học sinh Nga và 1 đội học sinh Việt trả lời những câu hỏi về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước Nga. Sôi nổi, hào hứng nhất là phần kết với màn nhảy bao bố, một trò chơi dân gian của Việt Nam để nhặt những từ, cụm từ được in sẵn ghép thành câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt - Nga. 

Tham gia Festival lần này, tỉnh Hòa Bình   có trên 100 giáo viên, học sinh đến từ trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ. Với sự phấn khích khi được tham dự Festival ngay tại "sân nhà”, cô và trò nhà trường đã chuẩn bị các tiết mục dự thi khá công phu, kết quả đã giành giải nhì phần thi "Những nghệ sĩ trẻ” với tiết mục múa "Tình hữu nghị Việt - Nga”. Cô giáo Phan Mai Anh, Trưởng bộ môn Nga, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Đồng hành cùng các trò qua 7 mùa Festival nhưng Festival văn hóa "Đa sắc màu Việt - Nga 2022" để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Với những hoạt động phù hợp lứa tuổi đã tạo sự hứng khởi cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Việt và văn hóa Nga. Qua đó tạo sự gắn kết, hun đúc lòng nhiệt huyết cho thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp mối quan hệ bang giao    Việt - Nga vững bền theo năm tháng.

 Thúy Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục