(HBĐT) - LTS: Tỉnh ta chuẩn bị tổ chức sự kiện 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Đây là sự kiện văn hóa lớn nhằm tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Hội thảo 90 năm xác lập và nghiên cứu nền VHHB (1932 – 2022) về sự kiện quan trọng này.


Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và cán bộ của Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di tích khảo cổ học tại hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Ảnh: Đ.H

P.V: Xin đồng chí cho biết giá trị chủ yếu của nền VHHB?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: VHHB là một nền văn hóa tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kể từ năm 1932, khi VHHB lần đầu tiên được công nhận trên diễn đàn khoa học thế giới, đến nay đã có gần 200 di tích được phát hiện ở nhiều nước Đông Nam Á, song chưa ở đâu di tích VHHB phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam. Tỉnh Hòa Bình là địa phương phát hiện được số lượng các di chỉ về VHHB sớm nhất, dày đặc nhất. Các di chỉ ở tỉnh mang đặc trưng tiêu biểu nhất về VHHB, nên các nhà khoa học thế giới đã nhất trí lấy tên tỉnh Hòa Bình đặt tên cho nền văn hóa này. Các di tích VHHB ở Việt Nam được phát hiện và nghiên cứu trong nhiều thời kỳ khác nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân tiến hành. Do nội dung phong phú và phức tạp của nền VHHB, nên đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đang thảo luận và nghiên cứu. Kể từ khi giới khảo cổ học (KCH) thế giới vinh danh VHHB cách đây 90 năm đến nay, ngành KCH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu nền văn hóa này. Đã có nhiều vấn đề được sáng tỏ. Từ những kết quả nghiên cứu mới, nhiều nhận thức mới được hình thành, nhưng cũng không ít vấn đề mới nảy sinh và còn rất nhiều việc phải làm. Với những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật, VHHB là di sản quý hiếm của dân tộc có giá trị quốc tế cao. Sau gần một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, VHHB vẫn luôn là một nền văn hóa tiền sử độc đáo, đầy sức cuốn hút với nhiều thế hệ KCH nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung. Trong điều kiện khoa học phát triển như hiện nay, công cuộc nghiên cứu tiếp tục về VHHB hứa hẹn khai mở được nhiều điều bí ẩn của nền văn hóa khảo cổ xa xưa rất nổi tiếng này. 

Nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền VHHB, việc tổ chức Hội thảo 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB và những hoạt động bên lề hội thảo nhằm giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Tôn vinh những đóng góp của nhà KCH người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền VHHB, góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền VHHB để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

P.V: Xin đồng chí cho biết nội dung chương trình kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Hội thảo tập trung vào chủ đề 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB và những đóng góp của nhà KCH người Pháp Madeleine Colani. Hội thảo do UBND tỉnh chủ trì tổ chức. Các đơn vị tham mưu thực hiện gồm: Sở VH-TT&DL phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Viện KCH, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á.

Theo kế hoạch, chương trình gồm các hoạt động diễn ra trước hội thảo khoa học như: Chiều 21/11/2022 tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết về 90 năm nền VHHB do Báo Hòa Bình tổ chức; khai trương Trưng bày triển lãm chuyên đề VHHB trên đất Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh. Sáng 22/11 tổ chức tham quan một số di tích khảo cổ tiêu biểu về VHHB mới khai quật tại huyện Lạc Sơn. Buổi chiều, cắt băng khai trương tuyến đường mang tên nhà KCH người Pháp Madeleine Colani tại TP Hòa Bình; lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước và trao danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân Ưu tú” của tỉnh. 

Đặc biệt, sáng 23/11, Hội thảo khoa học 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB được diễn ra tại hội trường UBND tỉnh với sự tham gia của các đại biểu T.Ư như Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ; các nhà khoa học trong nước; đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình có nhiều di tích khảo cổ về nền VHHB; đại biểu đại sứ quán và tổ chức quốc tế như: Viện Viễn Đông Bác cổ, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam. Về phía tỉnh có Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố. 
 
P.V: Sở VH-TT&DL với vai trò là đơn vị chủ trì, tham mưu tổ chức sự kiện, xin đồng chí cho biết các phần việc đã và đang thực hiện? 

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Sở VH-TT&DL đã chủ trì, tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban tổ chức Hội thảo 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền VHHB. Chủ trì, tham mưu ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí tổ chức các hoạt động theo kế hoạch đề ra. Tham mưu mời các nhà nghiên cứu khoa học, KCH T.Ư và các tỉnh viết bài tham luận tham gia hội thảo; triển khai công tác chuẩn bị về nội dung, chương trình và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tổ chức hội thảo. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuẩn bị báo cáo đề dẫn và bài phát biểu khai mạc của lãnh đạo tỉnh tại hội thảo; phối hợp tổ chức các hoạt động diễn ra trước hội thảo. Ban hành thông cáo báo chí; xây dựng ma két tuyên truyền trực quan; trang trí khánh tiết phục vụ hội thảo, trình Trưởng Ban tổ chức phê duyệt và tổ chức thực hiện... Chủ trì triển khai thực hiện chương trình cắt băng khai trương trưng bày triển lãm chuyên đề VHHB trên đất Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định các bài tham luận tại hội thảo và lựa chọn các bài tham luận tiêu biểu để biên tập, in kỷ yếu hội thảo. Chỉ đạo kiểm tra các cơ sở lưu trú tại TP Hòa Bình nơi đại biểu về tham dự hội thảo; chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, ANTT, phòng chống cháy nổ và ATGT trong thời gian diễn ra hội thảo và các hoạt động bên lề.

Trước đó, Sở VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm tiền sử Đông Nam Á thực hiện thám sát, nghiên cứu tại một số di chỉ KCH trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Đến thời điểm này, các phần việc đang được các ban, sở, ngành, đơn vị chức năng và các huyện, thành phố gấp rút thực hiện; công tác tuyên truyền về ý nghĩa của sự kiện cũng được đẩy mạnh nhằm góp phần tổ chức thành công hội thảo sắp tới.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

 Hương Lan (Thực hiện)

Các tin khác


Giao lưu các câu lạc bộ Mo Mường tại 3 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 3/11, tại huyện Cao Phong, Phòng Văn hóa và Thông tin Cao Phong tổ chức giao lưu Câu lạc bộ (CLB) Mo Mường Thàng, huyện Cao Phong với CLB Mo Mường huyện Tân Lạc, CLB Mo Mường huyện Lạc Sơn. Dự buổi giao lưu có đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL; UBND huyện Cao Phong; đại diện các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện Cao Phong, cùng nhiều nghệ nhân Mo Mường và hội viên đang sinh hoạt ở các CLB.

Huyện Cao Phong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường

(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Cao Phong có 3 dân tộc chính cùng sinh sống là Mường, Kinh, Dao. Trong đó, dân tộc Mường đông hơn cả với 72% tổng dân số. Cùng với phát triển KT-XH, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống (VHTT) các dân tộc, đặc biệt là văn hoá dân tộc Mường.

“Sắc màu cuộc sống” trong triển lãm tranh Nguyễn Minh Sơn

Chiều 2/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Sắc màu cuộc sống”, giới thiệu đến công chúng yêu hội họa 50 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh Sơn.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Với 6 dân tộc chính, trên 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh có bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó, giá trị văn hóa (GTVH) của đồng bào DTTS được lưu giữ khá đa dạng, phong phú về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục…

Thực trạng và giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị các di chỉ tiêu biểu về nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có vị trí quan trọng là vùng chuyển tiếp từ vùng đồng bằng lên miền núi, chính đặc điểm này đã ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển không gian văn hóa của đất và người nơi đây. Từ những đặc điểm về địa hình và sông ngòi cùng với sự tác động của khí hậu đến địa hình thông qua quá trình cac-xtơ hóa đã tạo nên các hang động, đồng thời hình thành nên các đồng bằng nhỏ xen kẽ các dãy núi tạo nên một vùng đất cổ với hệ động, thực vật phong phú. Do vậy, ngay từ thời tiền sử, con người đã sinh tụ trên mảnh đất Hoà Bình, để lại một nền văn hoá nổi tiếng: Văn hoá Hoà Bình.

Khai giảng lớp truyền dạy Chiêng Mường tại huyện Cao Phong

(HBĐT) - Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Cao Phong phối hợp với Phòng VH&TT huyện vừa tổ chức khai giảng lớp truyền dạy Chiêng Mường cho 50 học sinh của nhà trường và ra mắt CLB "Giữ gìn bản sắc văn hoá Mường Thàng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục