(HBĐT) - Về Mường Vang (Lạc Sơn) vào dịp đầu năm, du khách sẽ có chuyến du xuân ý nghĩa khi hoà vào không khí tưng bừng của lễ hội được các địa phương tổ chức. Không những tìm hiểu về bản sắc văn hoá mà du khách còn được tận hưởng và có những trải nghiệm thú vị khi tham gia vào các hoạt động lễ hội.


Thực hiện nghi lễ rước Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng các vị thần  về dự Lễ hội đình Khói (Lạc Sơn).

Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023, xã Ân Nghĩa là đơn vị mở đầu với lễ hội đình Khói. Trong 2 ngày 26-27/1 (tức mồng 5-6 tháng giêng), tại di tích đình Khói diễn ra đầy đủ các nghi thức, nghi trình của phần lễ và nhiều hoạt động sôi nổi tạo không khí vui tươi của phần hội, như giao lưu văn nghệ, trình tấu chiêng Mường, hát đối, trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền. Trong dịp này, đình Khói cũng đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đông đảo nhân dân và du khách đã tới thắp hương tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các vị thần đối với dân làng. Theo anh Bùi Văn Tuấn ở phố Re, xã Ân Nghĩa, cứ đến hội đình Khói là người dân trong vùng Mường Khói lại về tụ họp. Con cháu làm ăn xa quê cũng nán lại dự xong lễ hội mới đi.

Lễ hội đình Cổi ở xã Vũ Bình cũng diễn ra trong 2 ngày 28 - 29/1 (tức ngày mồng 7 - 8 tháng Giêng). Đây là lễ hội mang nét đẹp văn hoá truyền thống không thế thiếu trong dịp đầu năm. Hàng vạn người dân và du khách đã trảy hội vui xuân tại di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh này, đồng thời tham dự các nghi lễ thể hiện lòng tôn kính các vị thần linh và cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Các hoạt động văn hoá, thể thao đậm đà bản sắc văn hoá được đưa vào lễ hội tạo sức hút lớn đối với du khách và người dân. Chị Trương Thị Minh Thư đến từ quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết: Lần đầu tiên tham dự lễ hội đình Cổi, tôi cảm nhận nhiều cái hay, cái đẹp về văn hoá của dân tộc Mường, về truyền thống "uống nước nhớ nguồn”. Mọi người đến lễ hội với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện, cầu phúc, cầu mùa và cầu bình an.

Theo thống kê trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 23 di tích khảo cổ, di tích lịch sử, văn hoá. Nhiều di tích tiêu biểu có giá trị văn hoá lịch sử, cách mạng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Trong đó, đình Khói – xã Ân Nghĩa, đình Cổi – xã Vũ Bình, đền Thượng và đền Cây Đa – thị trấn Vụ Bản, đền Băng – xã Ngọc Lâu… gắn liền với các lễ hội mang giá trị tâm linh tín ngưỡng, trở thành điểm đến thăm quan, tìm hiểu văn hoá của du khách khi đến với địa phương. Đặc biệt, tập trung ở tháng giêng diễn ra các lễ hội: Chiêng Mường của Mường Vang Vó cũng là lễ hội truyền thống của cộng đồng Mường trong tỉnh; lễ hội đình Khênh – xã Văn Sơn tổ chức ngày 12 - 13; lễ hội xuống đồng tổ chức 3 năm một lần tại xã Yên Phú vào ngày mồng 8; lễ hội Đu Vôi tổ chức 3 năm một lần tại thị trấn Vụ Bản; lễ hội rước Bụt Khụ Dúng tổ chức 3 năm một lần vào mồng 8 tại xóm Vó – xã Nhân Nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Sơn cho biết: Bên cạnh văn hoá Mường đặc sắc, trên địa bàn huyện có các di tích lịch sử, văn hoá tâm linh, tín ngưỡng thu hút khách du lịch. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện uỷ về phát triển du lịch, một số di tích lịch sử, văn hoá, nơi thờ tự tín ngưỡng trên địa bàn huyện đã được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp. Mặt khác, đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng, cấp bằng công nhận nơi thờ tự, di tích. Hàng năm, các xã, thị trấn tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, văn hoá gắn với du lịch ở địa phương. Hoạt động lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, hướng về nguồn cội, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bùi Minh

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục