Ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, ngoài 82 ha chè shan tuyết được trồng từ vài chục năm trước còn có loại chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi sống rải rác tại các xóm, nhưng nhiều nhất là ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Pà Cò. Chè ở đây có hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng và hiện nay, những cây chè còn là điểm check-in thu hút khách du lịch.


Người dân xóm Pà Cò, xã Pà Cò (Mai Châu) thu hoạch chè shan tuyết cổ thụ.

Pà Cò khí hậu mát mẻ, mùa Đông thường xuyên có mây mù phủ kín, lạnh giá, xung quanh còn nhiều rừng nên độ ẩm cao, phù hợp với cây chè, vì vậy chất lượng chè rất đặc biệt. Từ trung tâm xã, theo con đường dốc dài chừng 4 km, chúng tôi lên tới vùng chè cổ thụ của xóm Pà Háng Lớn, được bao bọc xung quanh là rừng. Theo người dân trong bản, hầu hết những cây chè cổ thụ ở xóm đều trên 100 năm tuổi.

Ông Mùa A Sềnh, 93 tuổi ở xóm Pà Háng Lớn chia sẻ: Cây chè mọc tự nhiên không ai biết rõ có từ bao giờ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây chè gắn bó với bà con trong bản, hái về làm trà, nhưng chưa thành hàng hóa. Trước đây, bà con thường hái búp chè tươi về sao lên uống hàng ngày và tặng khách quý. Trà là thức uống gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Mông hàng trăm năm nay và nghề sao chè cũng ra đời từ đó.

Chè cổ thụ xã Pà Cò là giống chè shan tuyết, tôm có phấn trắng, sau khi sao lên có màu phấn trắng tự nhiên như tuyết phủ bên ngoài. Nước chè màu vàng trong, nhấp một ngụm cảm nhận vị đắng nhẹ, thơm; khi uống vị ngọt đượm lại lâu.

Anh Sùng A Páo, xóm Pà Cò Lớn cho biết: Trước đây, cây chè mọc hoang không ai chăm sóc, có cây cao đến 6 m. Sau này nhận thấy chè cổ thụ được nhiều người ưa chuộng. Cây chè được chăm sóc theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học nhằm giữ hương vị tự nhiên vốn có. Bà con chỉ cắt tỉa cành, đốn cây hạ thấp độ cao để cây ra tán rộng cho nhiều búp và dễ thu hái; phát dọn cỏ xung quanh gốc và dùng chính cỏ đã phát đó để rải cho mục làm phân hữu cơ cho cây.

Những cây chè cổ thụ có thân cao to, vỏ cây rêu mốc, nhiều địa y bám vào, cành vươn xa phải bắc thang trèo mới hái được những búp non bỏ vào gùi. Công việc thu hái trên những cây chè cổ thụ tốn nhiều sức. Một năm mỗi cây cho hái 3 lứa, mỗi lứa được từ 10 - 13 kg chè tươi, sao lên được tầm 6 - 7 kg chè khô.

Anh Phàng A Trưởng, xóm Pà Cò cho biết: Gia đình tôi hiện có 4 cây chè cổ thụ tuổi thọ gần và trên 100 tuổi, là một trong những hộ có nhiều cây chè cổ thụ nhất xóm. Những cây chè này là của ông cha để lại nên chúng tôi rất giữ gìn, bảo vệ và thu hái cẩn thận. Tuy cây chè cho năng suất thấp nhưng chất lượng trà rất thơm ngon, mang lại giá trị kinh tế cao với giá bán hiện nay dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Nhận thấy giá trị của cây chè cổ thụ, Hội Nông dân xã đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây chè cho bà con. Chè cổ thụ ở Pà Cò được chăm sóc ngày càng xanh tốt và phát triển. Hiện tại trên địa bàn xã còn gần 100 cây, mỗi năm thu được trên 2 tạ sản phẩm từ cây chè, qua đó nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Trước đây, cây chè cổ thụ sống rải rác ở các xóm nhưng hiện nay chỉ còn nhiều ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Pà Cò với tổng diện tích khoảng 6 ha. Việc giữ gìn và khai thác diện tích chè cổ thụ, xã đã khuyến khích, vận động nhân dân chăm sóc theo hướng hữu cơ, định hướng tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị.

Cây chè cổ thụ ở xã Pà Cò được bà con chung tay giữ gìn, chăm sóc, khai thác như món quà quý thiên nhiên ban tặng. Với định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, chè cổ thụ Pà Cò sẽ ngày càng nâng cao giá trị, mang thêm nguồn thu nhập cho bà con.

Thu Hường

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)


Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục