Hòa Bình là vùng đất sử thi không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, giàu trầm tích văn hóa ẩn chứa trong đất, trong Mường được lưu danh với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng. Hơn thế, con người Hòa Bình chân tình, nồng hậu, mến khách…, tất cả tạo nên nét riêng, vốn có, tạo sức hút, nguồn cảm xúc để các thi sĩ, nhạc sĩ ghép nên những vần thơ, điệu nhạc say đắm lòng người.

Không thể đếm được có bao nhiêu bài thơ, câu hát về đất Mường Hòa Bình. Chỉ biết rằng câu thơ nào cũng đẹp, bài hát nào cũng hay: "Nắng lên cho cây cho rừng đang đung đưa đón làn sương sớm/ Cho bông Klăng thắm rừng sắc hoa, đất Mường ta…” (Hoa đất Mường). Thi sĩ trẻ Bùi Đức Thắng giới thiệu về vùng đất Mường Vang (Lạc Sơn) quê hương mình với những câu thơ sử dụng nhiều từ tượng hình, tượng thanh khơi gợi miền cảm xúc trong bài thơ "Về với quê anh”: Em có về xóm núi quê anh/ Nơi ngực núi chảy dòng xanh, trong mát/ Róc rách mạch nguồn ngày đêm suối hát/ Tụ thành sông Bưởi xuôi dòng nặng phù sa/ Em hãy về quê anh ngày nắng hạ/ Trong vắt núi, ngàn cây xanh vời vợi/ Xóm, xã đổi thay từ ngày nông thôn mới/ Trường, trạm khang trang, máy móc vang ruộng đồng/ Đến đây rồi em sẽ phải lòng/ Từng mái nhà sàn, cánh rừng, con suối/ Rượu Mường Vang vít cần anh gọi/ Lời thường rang ngọt đắm, ngọt chìm…

Hơn nửa đời người gắn bó với đất Mường Hòa Bình, thi sĩ Nguyễn Phương Đông thổn thức: Tôi yêu mảnh đất Hòa Bình/ Một vùng sơn thủy hữu tình trời ban/ Quê hương gió núi mây ngàn/ Sông xanh, suối mát ngập tràn niềm vui/ Bản làng mái ấm lưng đồi/ Khói lam chiều tỏa nếp xôi thơm lừng/ Dòng điện tỏa sáng tưng bừng/ Cháu con Mường tổ trồng rừng dựng xây/ Bi - Vang - Thàng - Động sum vầy/ Cộng đồng Mường sống chung tay kết đoàn… "Quê tôi Hòa Bình”.

Nét chân tình, mộc mạc, pha chút lãng mạn, phiêu diêu khiến hình ảnh người phụ nữ Mường tỏa sáng: "Phụ nữ bản Mường óng ả tươi duyên/ Nét chân quê say lòng xóm, bản/ Hàng mi cong nửa vầng trăng đêm hạ/ Lúng liếng rơi vào chén rượu, vần thơ/ Phụ nữ bản mình đẹp những giấc mơ/ Biết yêu thơ và yêu trang sách/ Lòng rưng rưng thương mảnh đời thua thiệt/ Mãi sáng trong con gái bản Mường/ Vẫn tự hào: Hữu xạ tự nhiên hương/ Xứng bốn chữ vàng công dung ngôn hạnh” - bài thơ "Con gái quê mình” của thi sỹ Khánh Vi.

Thơ và nhạc là hai thể loại mà người sáng tạo, sáng tác bắt buộc phải có cảm hứng và lấy nguồn cảm xúc làm chất xúc tác thì mới có được tác phẩm thực sự thăng hoa. Nói điều này để thấy vùng đất, con người xứ Mường đã thực sự tỏa hương, tạo chất "xúc tác” cực mạnh để cảm xúc của người những thi sĩ, nhạc sĩ dâng cao. Từ đó viết lên những vần điệu, ca từ hào sảng như: Hoà Bình mến yêu ơi/ Thành phố bên sông Đà/ Thuỷ điện sáng lung linh, rừng núi vang tiếng cồng/ Hoà Bình mến yêu ơi/ Thành phố bên sông Đà/ Tự hào biết bao nhiêu/ Nền Văn hoá Hoà Bình…” - bài hát "Thành phố bên sông Đà” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu.

Hai quyển sách nhạc, đúng hơn là 2 tập ca khúc viết về đất và người xứ Mường xuất bản cách nhau tròn một thập kỷ. Tập ca khúc "Ngọn lửa đất Mường” xuất bản năm 2011 và "Từ trong bời lời” xuất bản năm 2021. Cách xa về thời điểm, đương nhiên phong cách, phương thức thể hiện trong các nhạc phẩm, ca khúc có nhiều sự khác biệt. Nhưng cái chung, cốt lõi vẫn là ca ngợi quê hương, bản sắc văn hóa và con người Hòa Bình với 4 vùng Mường cổ Bi, Vang, Thàng, Động. Như trong "Ngọn lửa đất Mường” có: "Bài ca Hòa Bình" của tác giả Thanh Giang; "Lời chiêng hát" của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; "Hoa đất Mường" của nhạc sĩ Trần Hoàng; "Lời ru đất Mường" của nhạc sĩ Huy Tâm; "Nghe câu hát thường của mẹ" của nhạc sĩ Quách Vin; "Về Mường Bi" của nhạc sĩ Nguyễn Thành Viên; "Hội còn xuân" của nhạc sĩ Bùi Đức Triệu; "Vẳng nghe tiếng đập bông bông" của nhạc sĩ Quyết Tiến; "Hòa Bình ơi" của nhạc sĩ Tống Đức Cửu; "Trai gái đất Mường" của nhạc sĩ Hà Vũ Khúc… Trong "Từ trong bời lời” có: "Làng Mường" và "Sáng mãi bốn Mường" của tác giả Đinh Tùng Bách; "Ún Mường" của tác giả Bùi Đình Chiến; "Chén vàng yêu thế" của nhạc sĩ Phạm Quang Dụ; "Hòa Bình xuân" của tác giả Ngọc Dũng; "Người vùng cao là thế" và "Xứ Mường truyền vọng nhịp chiêng" của nhạc sĩ Doãn Hải; "Đẹp sao Hòa Bình ơi" của nhạc sĩ Văn Hạnh…

Còn nhiều hơn nữa những ca khúc, nhạc phẩm ngợi ca đất và người xứ Mường chưa thể kể hết. Từ trong "bạc lạc, bời lời” hay trong cuộc sống mới hôm nay thì đất và người xứ Mường không ngừng tỏa hương, khoe sắc để những vần thơ, điệu nhạc về đất Mường Hòa Bình mãi thăng hoa.


Thúy Hằng

Các tin khác


Chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ 2025

Tối 28/1 (tức 29/12 âm lịch, đêm giao thừa), tại Quảng trường Hòa Bình, chào mừng Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh cùng đông đảo Nhân dân thành phố Hòa Bình.

Giữ tục đụng lợn ăn Tết giữa lòng thành phố

Đụng lợn ăn Tết là một phong tục đẹp của người mường Hòa Bình nói chung và người Mường ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình nói riêng. Trong nhịp sống hiện đại, truyền thống văn hóa này vẫn được giữ gìn và lưu truyền ngay trong lòng thành phố.

Lưu giữ nét đẹp Tết cổ truyền

Năm nay, gia đình ông Bùi Văn Nỏm ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) vui đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ sum vầy. Ngôi nhà sàn Mường ấm cúng được bày biện, trang hoàng tỉ mỉ. Mỗi góc đều mang không khí Tết xưa thay lời nhắn nhủ con cháu lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa Tết cổ truyền.

Mường Vang mùa Xuân mới

Xuân về, Mường Vang - Lạc Sơn, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hệ thống hang động phong phú, mang giá trị khảo cổ học quý giá, nơi đây những người con xứ Mường tảo tần với ruộng nương, cần cù với nghề truyền thống giàu bản sắc, giữ gìn những phong tục đậm chất văn hóa dân tộc Mường… Tất cả hòa quyện làm say lòng du khách ghé thăm trong tiết xuân rộn ràng.

Măng treo - hương rừng dịp Tết

Măng rừng là món đặc sản mà du khách không thể quên khi đến Hoà Bình. Nhưng măng thì có mùa. Để khách được thưởng thức quanh năm, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đã làm sản phẩm măng treo. Món ăn này giữ nguyên hương vị và chất lượng như măng tươi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục