Hoà Bình có di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, trong đó phải kể đến tín ngưỡng thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn được biết dưới cái tên Đạo Mẫu không chỉ là tín ngưỡng tôn giáo đơn thuần. Thông qua truyền thuyết, câu chuyện lịch sử cùng những nghi lễ và lễ hội, đặc biệt trong hình thức diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, cần thiết được lưu truyền.


Thanh đồng hầu giá chúa bà Đệ tam Diệu Nghĩa tàng hình tại Động Phong Sơn (Cao Phong).

Giữ gìn văn hóa tâm linh

Trong không gian thiêng huyền ảo của động Phong Sơn, tiếng hát của cung văn quyện trong âm nhạc réo rắt, thanh đồng hóa thân thành những vị thánh với những sắc phục, cử chỉ, điệu bộ... tất cả tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ. Hình ảnh sinh hoạt hầu đồng thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích đền dịp đầu Xuân là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc.

Quần thể danh thắng núi Đầu Rồng tọa lạc tại khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên, giá trị địa chất mà còn lưu giữ những huyền tích anh linh gắn với tam vị Chúa Mường, được coi là một điểm sáng tâm linh tiêu biểu của nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngôi đền Bồng Lai nằm dưới chân núi Đầu Rồng, phụng thờ Chúa bà Thượng ngàn Lê Mại Đại vương, trưởng thanh sơn nhất phái cùng chư tiên thánh hội đồng tam Tứ phủ. Trong tâm thức dân gian, bà là hóa thân của La Bình công chúa (là con gái của Đức Tản Viên và công chúa Mỵ Nương). Ngay từ nhỏ La Bình đã luôn theo cha đi đến khắp mọi miền núi non hang động để giúp dân làm ăn, chỉ dân cách chăn nuôi, xây dựng nhà cửa xóm làng,… Khi Đức Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế về trời và trở thành vị thánh bất tử, La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn. Cô tiếp tục thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 36 động sơn trang, 81 cửa rừng cùng nhiều vùng núi non trung du khác ở khắp mọi miền đất nước. Tương truyền, trong khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Ngài đã hóa thành bó đuốc lớn soi đường cho quân sĩ trong đêm tối và dẫn dắt tướng lính Lam Sơn tránh được sự bao vây của quân Minh vào đúng lúc lực lượng quân ta đang suy yếu. Nhớ ơn sự phù hộ che chở của Chùa bà Thượng Ngàn, sau khi hòa bình được lập lai, vua Lê Thái Tổ đã sắc phong Thánh Mẫu Lê Mại Đại Vương quản trưởng sơn lâm sơn trang cai quản toàn bộ rừng núi. Còn nhân dân tôn xưng Ngài là Chúa Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn.

Đền Đông Sơn phụng thờ Đệ nhị Thượng ngàn Thánh mẫu tổ Mường Diệu tín Thiền sư Cao Sơn thần nữ. Ngài cùng với Đức Chúa Sơn Trang và Đệ tam Tổ Mường được coi là ba vị thần tối linh bậc nhất miền Nhạc phủ (Sơn lâm sơn trang) với nhiều công trạng xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân Việt. Trong tiềm thức của người dân Mường Thàng, ngài được coi là vị thần xuất hiện từ thuở Hồng Bàng có công bảo hộ phù trợ, khai mở dân trí xứ Mường, dạy dân trồng trọt, phát rẫy làm nương, trấn giữ quỷ tà, trừ nạn cho dân…Uy đức Chúa Bà được Mường dân khắp nơi ca tụng.

Nằm ở lưng chừng núi nơi sườn đá cheo leo của ngọn núi, động Phong Sơn là nơi thờ Đệ tam Chúa Mường hay chính là Đệ tam Thượng ngàn Diệu Nghĩa tàng hình, người được truyền tụng là bà Chúa có tài bói toán bốc thuốc cứu dân dưới thời Hùng Vương nên được gọi là bà Chúa chữa. Tương truyền bà là con gái ruột của Vua Hùng. Nhờ có tài trí hơn người nên được vua cha tin tưởng và giao lo việc quân nhu, quân lương cho các cuộc chiến. Với tài bốc thuốc chữa bệnh, bà còn đi khắp vùng để cứu giúp muôn dân…

Động Phong Sơn cùng quần thể danh thắng núi Đầu Rồng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2012.

Thủ từ đền Bồng Lai Trần Văn Hải chia sẻ: Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu chuyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Tinh thần yêu nước, thương dân ấy được sử sách ghi lại bởi những thần tích, để rồi nhân dân dựa vào đó mà sáng tạo nên các lễ hội và hình thức diễn xướng "hầu đồng”. Niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, niềm tôn kính vô bờ với các vị anh hùng dân tộc đã khiến tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Thông qua hình thức "hầu đồng”, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến với ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, đồng thời mang lại cho họ sức mạnh niềm tin với cái thiện. Trong những ngày đầu năm mới, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ.

Tích cực phát huy giá trị di sản

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay đạo Mẫu có nhiều giá trị, thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà Đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 418 loại hình công trình tín ngưỡng, trong đó có 79 đền, 3 phủ và trên 200 điện tư nhân liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu còn ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh; đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các bức tranh thờ, nét nghệ thuật trang trí, kiến trúc... Nhiều người đã nói tới diễn xướng Đạo Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh trong văn hóa của Đạo Mẫu. Chỉ riêng nghi lễ hầu đồng của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn, mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong hai loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.

Năm 2016 di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó đến nay, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng.

Bản thân tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng về cái thiện, cái đẹp đẽ, cao cả - Chân, Thiện, Mỹ. Tuy nhiên không thể phủ nhận, tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Nhiều chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu để trục lợi.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu cho đến nay đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của người Việt nói chung, người dân Hoà Bình nói riêng. Để tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là hoạt động giao lưu hầu đồng. Cùng với đó, định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hạn chế biến tướng xấu trong xã hội; khuyến khích những nghệ nhân hát chầu văn truyền dạy bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan...


Hào Nam


Các tin khác


Măng treo - hương rừng dịp Tết

Măng rừng là món đặc sản mà du khách không thể quên khi đến Hoà Bình. Nhưng măng thì có mùa. Để khách được thưởng thức quanh năm, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đã làm sản phẩm măng treo. Món ăn này giữ nguyên hương vị và chất lượng như măng tươi.

Rượu cần - “say nghiêng núi, say ngả rừng”

Nhiều người vẫn bảo, Hòa Bình có 3 thứ đặc sản nhất định phải thử khi đến với vùng đất này. Đó là cá ốch đồ măng chua, da trâu khô nấu canh môn và rượu cần. Không chỉ là ẩm thực, những sản vật này mang trong mình nét đặc sắc văn hóa của dân tộc Mường. Chẳng vậy mà "Rượu cần xứ Mường Hòa Bình” đã nhiều lần được xướng tên như thứ đặc sản tiêu biểu trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Đặc biệt hơn, vào tháng 11/2024, tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình, lần đầu tiên tỉnh tổ chức "Lễ hội rượu cần" hoành tráng và thấm đượm chất sử thi...

Chuyện về những “cụ cây” ở xứ Mường

Nhiều năm về trước, nhắc đến Hòa Bình nhiều người nghĩ ngay đến những cánh rừng cây cổ thụ. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, tại các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phu Canh (Đà Bắc) và Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Lạc Sơn - Tân Lạc) vẫn còn giữ được những "cụ cây" nghìn năm tuổi. Bà con nơi đây coi cây nghiến, cây chò cổ thụ là cây thần. Những "cụ cây" này còn vinh dự được nhận danh hiệu Cây di sản Việt Nam.

Đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa sẵn sàng đón du khách tham gia lễ hội Xuân Ất Tỵ

Đền Thác Bờ tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc) là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng bậc nhất khu vực Tây Bắc. Đầu năm mới, du khách đến đây đều có cảm nhận về sự thư thái, bình yên khi được hòa mình với thiên nhiên, thưởng thức vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cùng nét văn hóa mộc mạc và mong một năm mọi việc thuận lợi.

Xuân về ở những làng hoa ven đô

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi đến một số làng hoa ven đô thành phố Hòa Bình. Những cánh đồng trồng hoa cúc, lay ơn, violet… bung nở đúng độ, màu sắc đẹp, cây khỏe; người nông dân phấn khởi vì hoa đẹp, được giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục