Tối 2/2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), quận Đống Đa tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.

Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội tham dự Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội tham dự Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).

Năm nay, Báo Kinh tế & Đô thị là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long.

Đây là một chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và mãi là niềm tự hào của dân tộc. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự của người "anh hùng áo vải, cờ đào" Quang Trung - Nguyễn Huệ đó là "Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ”. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan sự xâm lược của quân Mãn Thanh, giữ vững độc lập dân tộc.

Lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.
Lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng cho trí tuệ, nghệ thuật quân sự tài tình, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm. Đây là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của Nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Tự hào tiếp nối truyền thống, khí thế hào hùng của Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa; phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trong năm 2024 vừa qua, quận Đống Đa đã đoàn kết - sáng tạo - đổi mới, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt kế hoạch đề ra, đạt trên 16.000 tỷ đồng - là một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP về thu ngân sách, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển chung của Thủ đô.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị tiếp tục được quận quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được kiểm soát, giữ vững. Kỷ luật, kỷ cương, đạo đức thi hành công vụ được siết chặt, công tác cải cách hành chính, chất lượng phục vụ Nhân dân ngày càng được đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ đời sống dân sinh được ưu tiên đầu tư. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhân dân trên địa bàn vui Xuân, đón Tết cổ truyền Ất Tỵ an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Với niềm tự hào về lịch sử truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với khí thế thần tốc của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Đống Đa sẽ cùng chung tay, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát huy mọi nguồn lực để phát triển quận Đống Đa, bứt phá cùng Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Nhân dân hạnh phúc”.

Tiết mục mở màn tại Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).
Tiết mục mở màn tại Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).

Lễ hội Gò Đống Đa năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025). Nhiều hoạt động đặc sắc dịp lễ hội năm nay như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...

Điểm nhấn tại lễ hội năm nay chính là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại và lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp tới đông đảo Nhân dân và du khách.

Chương trình nghệ thuật tại lễ hội đã kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện.

Chương trình nghệ thuật cũng đặc biệt chú trọng vào yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn vinh công đức vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại nhất. Công nghệ 3D mapping đã vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan.

Toàn cảnh Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đó, chương trình còn ghi dấu ấn là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử giá trị, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại. Từ đó đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân và du khách.

Theo kinhtedothi.vn

Các tin khác


Độc đáo nhạc cụ keng loóng

Hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian keng loóng gắn liền với sự tồn tại, phát triển của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu. Trải qua thời gian dài gắn liền với đời sống người dân, từ công cụ lao động phổ biến hàng ngày, keng loóng trở thành hình thức nghệ thuật đặc sắc nhờ tạo nên những âm hưởng giàu cảm xúc, đầy cuốn hút.

Gìn giữ vốn quý của dân tộc Dao

Hoà chung không khí hân hoan đón chào năm mới, người dân xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) bước vào năm mới Ất Tỵ với niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Là một trong số ít dân tộc có chữ viết và được sử dụng khá thường xuyên cho đến nay, chữ viết Nôm Dao được cộng đồng dân tộc Dao ở các địa phương trong tỉnh tham gia bảo tồn, phát huy. Về chữ viết, dân tộc Dao không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá và gọi là chữ Nôm Dao. Dành trọn tâm huyết, hiện nay, một số người cao tuổi dân tộc Dao ở xóm Thung Dao Bắc miệt mài truyền dạy vốn quý của dân tộc. Từ đó góp phần giúp thế hệ trẻ dân tộc Dao thêm hiểu biết, trân trọng, tự hào, cùng có ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tỏa hương, khoe sắc trong vần thơ, điệu nhạc

Hòa Bình là vùng đất sử thi không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, giàu trầm tích văn hóa ẩn chứa trong đất, trong Mường được lưu danh với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng. Hơn thế, con người Hòa Bình chân tình, nồng hậu, mến khách…, tất cả tạo nên nét riêng, vốn có, tạo sức hút, nguồn cảm xúc để các thi sĩ, nhạc sĩ ghép nên những vần thơ, điệu nhạc say đắm lòng người.

Ý nghĩa ẩn sau những trò chơi dân gian của người Mường

Những trò chơi trong lễ hội dân gian Mường nói chung thường rất sơ khai, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống (đi cà kheo, bắn nỏ, đu tre, đẩy gậy), mang tính cầu sinh sôi, nảy nở, mùa màng tốt tươi (ném còn, đánh khăng, đánh cù, đánh mảng…). Trò chơi dân gian của người Mường có thể chia làm 2 loại: Vui chơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp thi đấu và cầu sinh thực khí (tín ngưỡng phồn thực).

Lên Đà Bắc đắm say văn hóa đồng bào vùng cao

Dịp cận Tết Nguyên đán, du khách gần xa háo hức đến huyện vùng cao Đà Bắc để có những trải nghiệm văn hóa độc đáo như học gói bánh truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tập viết chữ Tày cổ hoặc đắm say trong những làn điệu khắp Tày…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục