Ngày 5/2 (mồng 8 tháng Giêng), UBND xã Yên Phú (Lạc Sơn) tổ chức Lễ hội Xuống đồng Xuân Ất Tỵ - 2025, thu hút hàng nghìn du khách và người dân tham gia, trải nghiệm các hoạt động.


Nghi thức cúng tế các vị thần tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn).

Phục dựng từ năm 2005, Lễ hội Xuống đồng còn được gọi là Lễ hội Khai hạ xã Yên Phú duy trì tổ chức 3 năm 1 lần, gắn với di tích khảo cổ học Mái đá làng Vành đã được cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Lễ hội tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về giá trị của di tích khảo cổ, mang ý nghĩa cầu cho một năm mới vùng Mường mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân mạnh khỏe và thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần, tổ tiên đã có công khai khẩn đất hoang, dạy dân cấy lúa.

Lễ hội diễn ra với đầy đủ các nghi trình, nghi thức của phần lễ, như: cúng tế tại Mái đá làng Vành, thực hiện nghi thức luống cày đầu tiên. Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ, trước và sau phần lễ chính, người dân xã Yên Phú triển khai phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; thi đấu kéo co, đánh mảng, đẩy gậy…

* Tại xã Vũ Bình (Lạc Sơn), từ ngày 3 - 5/2 (mùng 6 - 8 tháng Giêng) đã diễn ra Lễ hội đình Cổi với quy mô cấp xã. Theo truyền thuyết dân gian của dân tộc Mường và lời kể của các cao niên trong làng, đình Cổi được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIX, tọa lạc trên khu ruộng Cọi Khưa, gần chân núi Khụ Bậy. Đình làm theo kiến trúc nhà sàn của người Mường gồm có 3 gian, 2 chái với 6 hàng chân cột được kê trên đá tảng, mái lợp tranh dài khoảng 8 m, rộng khoảng 5 m, cao 7 m, gồm cửa chính, 1 cửa phụ và 7 cửa voóng, gầm sàn cao 1,4 m, mặt quay hướng nam. Vật dụng để dựng đình chủ yếu làm bằng gỗ. Các vị thần được thờ chính tại đình Cổi là Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai (Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương), thành hoàng, ông bà nhất huyệt, kem, cai.


Màn trình tấu chiêng Mường tại Lễ hội đình Cổi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn).

Lễ hội đình Cổi tổ chức hàng năm nhằm tạ ơn Quốc Mẫu Hoàng Bà và Đức Thánh Tản Viên đã có công cứu dân khỏi nạn hồng thuỷ, dạy dân cách làm ăn, trồng cấy mùa màng, chăn nuôi, dệt vải, phù hộ cho dân làng luôn mạnh khoẻ, an lành. 

Bên cạnh các nghi lễ rước kiệu, cúng tế, lễ cơm mới, không khí lễ hội từng bừng, nhộn nhịp với các hoạt động của hội thi hát thường rang, bộ mẹng; trình diễn trang phục dân tộc Mường; trình bày gian hàng sản phẩm OCOP địa phương; thi đấu bóng chuyền và các trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, đánh mảng, nhảy dây, ném còn...

Bùi Minh


Các tin khác


Khai hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2025

Sáng 1/2 (mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ), UBND huyện Lạc Thuỷ tổ chức Lễ khai hội chùa Tiên năm 2025. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh và đông đảo người dân, du khách.

Nghi lễ truyền thống trong lễ hội ở 4 mường

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, các bản làng ở 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động lại hân hoan mở hội. Cùng với bảo tồn, phục dựng các lễ hội thì nhiều nghi lễ, nghi thức độc đáo được tái hiện, tạo ấn tượng và sức hút với người dân cùng đông đảo du khách.

Độc đáo nhạc cụ keng loóng

Hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian keng loóng gắn liền với sự tồn tại, phát triển của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu. Trải qua thời gian dài gắn liền với đời sống người dân, từ công cụ lao động phổ biến hàng ngày, keng loóng trở thành hình thức nghệ thuật đặc sắc nhờ tạo nên những âm hưởng giàu cảm xúc, đầy cuốn hút.

Gìn giữ vốn quý của dân tộc Dao

Hoà chung không khí hân hoan đón chào năm mới, người dân xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) bước vào năm mới Ất Tỵ với niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Là một trong số ít dân tộc có chữ viết và được sử dụng khá thường xuyên cho đến nay, chữ viết Nôm Dao được cộng đồng dân tộc Dao ở các địa phương trong tỉnh tham gia bảo tồn, phát huy. Về chữ viết, dân tộc Dao không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá và gọi là chữ Nôm Dao. Dành trọn tâm huyết, hiện nay, một số người cao tuổi dân tộc Dao ở xóm Thung Dao Bắc miệt mài truyền dạy vốn quý của dân tộc. Từ đó góp phần giúp thế hệ trẻ dân tộc Dao thêm hiểu biết, trân trọng, tự hào, cùng có ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tỏa hương, khoe sắc trong vần thơ, điệu nhạc

Hòa Bình là vùng đất sử thi không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, giàu trầm tích văn hóa ẩn chứa trong đất, trong Mường được lưu danh với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng. Hơn thế, con người Hòa Bình chân tình, nồng hậu, mến khách…, tất cả tạo nên nét riêng, vốn có, tạo sức hút, nguồn cảm xúc để các thi sĩ, nhạc sĩ ghép nên những vần thơ, điệu nhạc say đắm lòng người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục