Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 35km, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có lịch sử nghề truyền thống hơn 100 năm. Không chỉ được gìn giữ, làng nghề đang là điểm du lịch được đông đảo du khách tham quan, check in với nhiều bức ảnh đẹp, tạo ra giá trị kinh tế, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.


Sân đình thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trở thành điểm check in hấp dẫn du khách.

Nghề tăm hương tại Quảng Phú Cầu có từ lâu đời, bất kể thời điểm nào trong năm, du khách đến đây đều gặp hình ảnh người dân trong làng tất bật với các công đoạn làm tăm hương truyền thống, không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp bởi tiếng chẻ vầu, tiếng máy xẻ, se hương, mùi hương trầm phảng phất. Sản phẩm chính của làng nghề là chân hương, tăm hương phục vụ nhu cầu thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Anh Nguyễn Hữu Đạt, chủ xưởng sản xuất tăm hương thôn Cầu Bầu cho biết: "Tôi kinh doanh tăm hương được 20 năm. Hiện sản phẩm của xưởng có mặt tại thị trường Hà Nội và một số đền, chùa, khu du lịch tâm linh trong và ngoài địa phương. Từ kinh nghiệm làm nghề lâu năm, tôi đã cải tiến sản phẩm với hương liệu thơm hơn, ít dùng hóa chất để đem lại sự an toàn cho người dùng, góp phần bảo vệ môi trường”.

Trước đây, để làm ra được những que hương, các thợ tăm tại xưởng của anh Đạt phải thực hiện hoàn toàn thủ công. Những cây nứa, vầu được người thợ chẻ, tuốt và vót bằng tay, tốn nhiều nhân lực, hiệu quả đem lại không cao. Hiện gia đình anh đã đầu tư máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả công việc, nâng cao sản lượng và doanh thu, tăm hương cũng đều, đẹp hơn, đáp ứng được các đơn hàng lớn và thị trường khó tính. Là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, do đó nguyên liệu làm tăm hương chủ yếu từ thiên nhiên như trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, quế chi cùng bí quyết pha trộn theo tỷ lệ, tỉ mỉ qua từng công đoạn, sản phẩm của làng nghề Quảng Phú Cầu giữ được hương thơm, bền màu, đẹp mắt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để tạo thành phẩm đến tay người dùng, mỗi nén hương được chau chuốt với sự tâm huyết của người thợ theo quy trình nhiều bước: Vót tăm, nhuộm chân, vuốt nhựa và bột than hoa, lăn cọng hương vào bột đến nhúng, se hương, phơi khô sau đó đóng gói thành phẩm. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, lòng yêu nghề của người dân Quảng Phú Cầu.

Được biết, tại Quảng Phú Cầu, hơn 90% lao động làm nghề truyền thống, đời sống, thu nhập ổn định, ký kết được nhiều đơn hàng không qua trung gian với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ… đạt được lợi nhuận cao.

Không chỉ làm kinh tế từ việc bán tăm hương, Quảng Phú Cầu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trải nghiệm, khám phá về một làng nghề sản xuất hàng thủ công. Từ các sân phơi, thềm cửa đến dọc hai bên đường, tăm hương nhuộm màu sắc rực rỡ, bó thành từng bó đầu chụm vào nhau phơi dưới nắng. Vẻ đẹp mộc mạc, bình dị đó đã lọt vào ống kính của nhiều nhiếp ảnh gia. Không chỉ du khách trong nước, mà du khách quốc tế cũng theo nhau về đây tham quan, tìm hiểu về làng nghề, chụp ảnh những bó hương lên màu rực rỡ, làng nghề Quảng Phú Cầu dần trở thành điểm check in độc đáo.
Chị Phạm Tú Anh, khách du lịch tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Trong chuyến du xuân về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), tôi ghé thăm làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu và chụp được nhiều ảnh đẹp, được xem cách người dân tạo ra một sản phẩm truyền thống. Tôi sẽ chia sẻ trải nghiệm của mình lên mạng xã hội và trở lại đây cùng gia đình vào dịp gần nhất”.

Khách du lịch về thăm ngày càng nhiều, nhân cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề, nhiều hộ dân nơi đây đã xếp những bó chân hương màu sắc sặc sỡ thành hình như Quốc kỳ Việt Nam, bản đồ đất nước Việt Nam tại sân đình thôn Cầu Bầu, dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm tăm hương của địa phương. Qua đó đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu. Cùng với lịch sử truyền thống lâu đời với những nét riêng và độc đáo của làng quê Bắc Bộ, con đường xếp đầy chân hương đủ sắc màu bên dưới những mảng tường gạch rêu phong nhuốm màu thời gian, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hứa hẹn trở thành điểm đến thú vị trên bản đồ du lịch Hà Nội, thu hút du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.


Hoàng Anh

Các tin khác


Ấn tượng Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc là lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.

Trải nghiệm Văn Miếu Sơn Tây - nơi tôn vinh truyền thống hiếu học

Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất huyện thoại của xứ Đoài xưa. Đồng hành cùng lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử.

Khơi dậy giá trị văn hóa dân tộc Mường thành nguồn lực phát triển

Dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Xác định di sản văn hóa (DSVH) dân tộc Mường là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Năm 2024, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy DSVH Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để khơi nguồn các giá trị đặc sắc của văn hoá Mường.

Lễ hội chùa Sim Xuân Ất Tỵ 2025

Ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng), UBND xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi tổ chức Lễ hội chùa Sim Xuân Ất Tỵ năm 2025. Lễ hội đã đón đông đảo người dân và du khách đến lễ chùa, vãn cảnh.

Sôi nổi loạt hoạt động trong Tuần lễ văn hóa xã Yên Trị Xuân Ất Tỵ 2025

Từ ngày 9 - 13/2 (tức 12 - 16 tháng Giêng), xã Yên Trị, huyện Yên Thủy tổ chức Tuần lễ văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội ẩm thực.

Đảm bảo lễ hội Xuân diễn ra an toàn, văn minh

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh thường diễn ra vào dịp đầu Xuân, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết. Năm nay, để đảm bảo an toàn hoạt động lễ hội Xuân Ất Tỵ, các cấp, ngành, địa phương tích cực phối hợp tổ chức đảm bảo trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục