Hoạt hình thường là mảng ít được nói tới nhất trong những giải liên quan đến phim ảnh như “Cánh diều” (CD) hay liên hoan phim ở nước ta. Mà cũng thường chỉ tới các giải CD hay LHP, khán giả mới có dịp xem (miễn phí) phim hoạt hình Việt ngoài rạp…

 

Nhân mùa giải CD, chúng tôi tới gặp thầy trò NSƯT Hà Bắc - Huỳnh Vĩnh Sơn - hai nhà làm phim vẫn “kẽo kẹt” gắn bó với phim hoạt hình của Hãng phim Giải phóng - trao đổi về một số vấn đề liên quan.

Có cả thảy 9 phim hoạt hình dự giải CD 2010, trong đó ở phía nam, chỉ Hãng phim Giải phóng có một phim tham dự, là phim video định dạng 3D “Truyền thuyết về những con sóng đại dương” (kịch bản, đạo diễn: NSƯT Hà Bắc). Để làm cho ưng ý 15 phút phim, NSƯT Hà Bắc và các cộng sự của mình tốn gần 2 năm; trong phim, ông kiêm nhiệm nhiều vai - nhân vật chính - đại dương với nhiều cung bậc tình cảm, đôi vợ chồng hải âu... “Sau nhiều năm tìm hiểu về phim hoạt hình 3D và hai năm gần đây có cơ hội học hỏi chuyên gia nước ngoài, bắt tay làm phim này, tôi cố gắng áp dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được” - nghệ sĩ Hà Bắc nói.

Những ngày này, Huỳnh Vĩnh Sơn đang bận rộn ở Hà Nội, lo làm diễn xuất cho phim nhựa 3D có độ dài 30 phút, là phim “Khu đầm có cánh”. Tính cầu toàn, anh muốn thực hiện một bộ phim hoạt hình với chất lượng cao nhất, nên so với kế hoạch phim ra bị chậm, không dự giải CD 2010 được, mà cuối năm 2011 mới hoàn thành. Ở giải CD 2008, phim đầu tay của anh là “Thỏ và rùa” đoạt giải CD bạc: “Tôi hướng đến cái đích cuối cùng là khán giả, nên phải nỗ lực rất nhiều... Do đây là bản phim nhựa 3D, nên tôi hy vọng phim sẽ được chiếu, bán vé ở rạp”.

Khi làm phim, các anh đặt tiêu chí nào lên trên hết: Tính giải trí hay tính giáo dục?

- NSƯT Hà Bắc: Tôi gắn bó với phim hoạt hình gần 40 năm, có tham gia viết lịch sử phim hoạt hình VN. Phim tôi làm chủ yếu là phim đặt hàng của Cục Điện ảnh, nên hiển nhiên hai tiêu chí trên phải có, phim mới được duyệt...;

- Huỳnh Vĩnh Sơn: Một câu chuyện thú vị thì bao giờ cũng mang trong nó tính nhân văn nhất định.

Đi tìm nhân vật cho phim hoạt hình Việt, theo các anh nên tìm ở đâu?

- NSƯT Hà Bắc: Tôi thường tìm trong văn hóa dân tộc, trong các truyền thuyết.

- Huỳnh Vinh Sơn: Tôi nghĩ, người làm phim không gò ép, rập khuôn, cứng nhắc, nên đặt mình trong vị trí khán giả muốn điều gì hơn là áp đặt cho người khác thích theo mình. Tài năng của nghệ sĩ tạo hình và khao khát một tiếng nói mang bản sắc riêng sẽ tạo nên một nhân vật hấp dẫn mà vẫn mang nét Việt.

Về tư duy làm phim hoạt hình, ở nước ta, cần đột phá ở khâu nào? Nhà nước cần đầu tư như thế nào để có phim hoạt hình thật sự hấp dẫn khán giả?

- NSƯT Hà Bắc: Nhà nước nên đấu thầu các dự án làm phim hoạt hình; không bao cấp nữa.

- Huỳnh Vĩnh Sơn: Tự tin và tôn trọng con đường mình đi. Chừng nào còn quan niệm với tư tưởng bi quan, yếm thế khi làm nghề, chừng ấy hoạt hình chắc chắn sẽ chưa phát triển được. Cần con người giỏi, máy móc hiện đại. Cần những hoạ sĩ giỏi về nghề, nắm bắt thành thạo những thay đổi mới về công nghệ trên thế giới. Tuy thế cũng không thể duy ý chí khi cứ khăng khăng cố gắng sẽ làm được hết....

Các anh nghĩ gì khi hiện nhiều họa sĩ trẻ đang làm việc cho một số xưởng phim hoạt hình nước ngoài hoạt động tại VN?

- NS Hà Bắc: Nhiều học trò của tôi đang làm gia công trong các xưởng đó. Nhưng nói về nghề thì họ chỉ thạo ở từng công đoạn thôi. Vì chủ phim thường mang phim về nước, “lắp ráp” lại. Nghĩa là các họa sĩ mới giỏi là thợ, nhưng về tổng thể cả phim thì không...

- Huỳnh Vĩnh Sơn: Chính nhờ những hãng phim nổi tiếng ấy, các hoạ sĩ của ta sẽ có cơ hội tốt để tiếp thu kỹ năng, kinh nghiệm cũng như quy trình chuẩn. Bên cạnh đó, khi các hãng phim nhà nước chưa có chế độ đãi ngộ tốt, những nơi như thế sẽ giúp các hoạ sĩ vừa có thu nhập tốt, lại vừa theo được nghề. Tuy nhiên, đằng sau những lớp hoạ sĩ ấy sẽ là tương lai thế nào? Cũng làm gia công như ta, nhưng các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc đều không lâu sau đó có được những cơ sở tốt của người bản địa để góp phần phát triển chung cho ngành, còn ở ta, tính đến bây giờ đã gần được 20 năm mà một cơ sở như thế vẫn còn xa vời lắm...

                                                                          Theo Báo Laodong

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục