Roi-tơ dẫn lời đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Xy-ri G.Pê-đơ-xơn hối thúc các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm giải pháp khẩn cấp cho xung đột tại tỉnh Ít-líp, tây bắc Xy-ri. Tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên đoàn A-rập (AL) tại Ai Cập ngày 4-3, ngay trước thềm cuộc gặp tại Mát-xcơ-va giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ R.Éc-đô-gan.
Người di cư ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Ảnh Al Jazeera
* Tình hình xung đột tại Ít-líp diễn biến phức tạp, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm lực lượng chính phủ Xy-ri. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, giao tranh trong ngày 4-3 khiến hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chết.
* Liên hiệp châu Âu (EU) cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề người tị nạn Xy-ri nhằm mục đích chính trị, đồng thời khẳng định ủng hộ Hy Lạp ngăn dòng người di cư tới khu vực biên giới. Tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 4-3 của các Bộ trưởng Nội vụ 27 nước thành viên EU nhắc lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ thỏa thuận di cư đã ký, theo đó An-ca-ra đã đồng ý ngăn người di cư tới biên giới Hy Lạp để vào châu Âu.
* Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận hoàn toàn việc gây sức ép với EU, với quyết định mở cửa biên giới để người tị nạn tìm đường vào châu Âu. Tại họp báo ngày 4-3, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, An-ca-ra phải tiếp nhận khoảng bốn triệu người tị nạn, chủ yếu là người Xy-ri, trong khi năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ có giới hạn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hối thúc EU thực hiện cam kết trong thỏa thuận di cư đã ký năm 2016.
* Ngày 4-3, Ðại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren tuyên bố, EU cam kết bổ sung 170 triệu ơ-rô (gần 190 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho Xy-ri. Trong đó, khoản 60 triệu ơ-rô dành riêng cho tỉnh Ít-líp được đề xuất tại cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 5-3. Theo ông Bo-ren, EU sẽ nỗ lực gấp đôi để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Xy-ri.
* Cùng ngày, sau cuộc gặp Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc, Thủ tướng Crô-a-ti-a A.Plen-cô-vích tuyên bố, nước này sẽ phối hợp NATO và các nước EU khác để ngăn làn sóng di cư mới vào châu Âu. Trong khi đó, Xlô-vê-ni-a triển khai bổ sung hàng chục cảnh sát tham gia Nhóm phản ứng nhanh tại biên giới (Frontex) của EU, nhằm hỗ trợ Hy Lạp ngăn chặn dòng người di cư. Ngày 4-3, cảnh sát Xlô-vê-ni-a cho biết đã phát hiện nhóm 30 người di cư bất hợp pháp trốn trên một toa tàu vào nước này.
* Trong khi đó, Hy Lạp tuyên bố sẽ trục xuất những người nhập cư trái phép từ ngày 1-3 vừa qua. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp N.Mi-ta-ra-chi cho biết thêm, những người di cư đến Hy Lạp trước ngày 1-1-2019 và đang ở trên các đảo của Hy Lạp sẽ được đưa vào đất liền trong vài ngày tới.