Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 368.178 trường hợp mắc COVID-19 và 4.332 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 43,7 triệu người.


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Budapest, Hungary.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 43.727.262 ca, trong đó có 1.163.458 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 32.116.129 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 78.676 ca và 10.447.675 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 26/10, thế giới có tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (54.850 ca), Ấn Độ (36.838 ca), Pháp (26.771 ca), Anh (20.890 ca) và Thụy Sĩ-Tây Ban Nha-Nga (cùng trên 17.000 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 505 ca), Mỹ (408 ca), Iran (337 ca) và Pháp (với 257 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.947.711 ca nhiễm và 230.924 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 7,9 triệu ca nhiễm và 119.535 ca tử vong, và Brazil với trên 5,4 triệu ca nhiễm và 157.397 ca tử vong.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới đều là các ca "nhập khẩu". Tính đến ngày 26/10, Trung Quốc có tổng cộng 85.810 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Ngày 25/10, thành phố Kashgar tại khu vực Tân Cương đã bắt đầu xét nghiệm cho 4,75 triệu dân sinh sống tại đây, sau khi phát hiện một bệnh nhân mắc bệnh mà không có triệu chứng tại một nhà máy dệt.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đã trở lại mức hơn 100 ca trong ngày 26/10. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul đã tăng lên kể từ khi chính phủ nước này nới lỏng các quy định giãn cách xã hội 2 tuần trước.

Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 25.955 ca. Trong số các ca nhiễm mới trong nước có 20 ca tại Seoul.

Giới chức y tế Hàn Quốc đánh giá dù số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này vẫn đang dao động, song tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Hàn Quốc quan ngại rằng có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do người dân đi lại để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Thu.

Tại Ấn Độ, số ca mắc bệnh đã vượt ngưỡng 7,9 triệu sau khi ghi nhận thêm 45.148 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày thấp nhất tại Ấn Độ trong hơn 3 tháng qua.

Tuy nhiên, thủ đô New Delhi đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày gia tăng trong thời gian qua, sau khi giảm mạnh kể từ giữa tháng 9. Thành phố này ghi nhận tới hơn 4.100 ca nhiễm trong ngày 25/10.

Bộ trưởng Y tế bang Delhi Satyendar Jain khẳng định tình hình tổng thể của dịch COVID-19 đang nằm trong tầm kiểm soát và chính quyền bang đang làm tất cả những gì có thể để ứng phó.

Tại châu Đại dương, bang Victoria của Australia thông báo trong 24 giờ qua đã không ghi nhận thêm ca mắc mới nào, đánh dấu bước ngoặt lớn so với tình hình dịch bệnh cách đây 4 tháng.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế tại thành phố Melbourne từ ngày 28/10 tới. Theo đó, người dân Melbourne có thể tự do ra ngoài nhà trong phạm vi bán kính 25 km, có thể tụ tập trong các nhóm không quá 10 người mà không bị hạn chế về số lượng hộ gia đình.

Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu và khách sạn sẽ được mở cửa trở lại với giới hạn không quá 20 khách hàng trong nhà và 50 khách ngồi ngoài trời.

Australia hiện có tổng cộng hơn 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các nước phát triển khác. Bang Victoria chiếm tới 90% trong tổng số 905 ca tử vong trên cả nước sau khi trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai kể từ đầu tháng 6 năm nay.

Còn tại Iran, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở Trung Đông, các bệnh viện ở nhiều tỉnh của nước này đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh dịch bệnh làm khoảng 300 người ở nước này tử vong mỗi ngày. Giới chức Iran đã phê phán nhiều người dân không chịu tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi, dịch bệnh có thể cướp đi sinh mạng của 600 người/ngày nếu người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Tính đến hết ngày 25/10, Iran ghi nhận tổng cộng 568.896 ca mắc COVID-19 trong đó có 32.616 ca tử vong.

Các trường học, nhà thờ Hồi giáo, cửa hàng, nhà hàng và các cơ sở công cộng khác tại thủ đô Tehran đều bị đóng cửa kể từ ngày 3/10 và sẽ được kéo dài cho đến ngày 20/11 do số ca tử vong và mắc COVID-19 tiếp tục tăng lên mức cao nhất.

Tại châu Âu, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nga đã tăng lên mức cao chưa từng thấy với 17.347 ca ngày 26/10, trong đó 5.224 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.531.224 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 219 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 26.269 ca.

Tại Pháp, Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng Khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19, cho biết nước này đối diện với nguy cơ số ca mắc mới mỗi ngày lên mức 100.000 – tăng gấp đôi so với con số thống kê chính thức. Một ngày trước đó, Bộ Y tế Pháp công bố 52.010 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.138.507 ca.

Theo đó, Pháp đã vượt Argentina và Tây Ban Nha, trở thành nước có số ca mắc nhiều thứ 5 trên thế giới. Bộ trên cũng cho biết Pháp ghi nhận thêm 116 ca tử vong cũng trong 24 giờ, giảm so với con số 137 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 34.761 ca.

Hungary đã ghi nhận 3.149 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/10 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Số liệu thống kê chính thức của chính phủ cho thấy nước này có tổng cộng 59.247 người mắc COVID-19, trong đó 16.242 ca đã bình phục và 1.425 ca không qua khỏi.

Hiện nước này có 2.449 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 221 bệnh nhân phải thở máy. Các ca mắc COVID-19 tại Hungary đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 vừa qua, và tăng gấp 5 lần trong thời gian từ ngày 10/9 đến 21/10 vừa qua (từ mức 10.000 bệnh nhân lên tới 50.000 bệnh nhân).

Bắt đầu từ tuần này, Croatia sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh sau khi số ca mắc mới tại nước này đã vượt quá 2.000 ca/ngày vào cuối tuần qua. Các biện pháp bao gồm yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và khuyến cáo làm việc tại nhà nếu có thể, việc tụ tập nơi công cộng cũng giới hạn không quá 50 người, trong khi các sự kiện hiếu/hỉ chỉ cho phép tối đa 30 người tham gia. Việc gặp mặt trong gia đình cũng không được vượt quá 15 người. Các công ty được kêu gọi sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Cũng trong tuần này, nước láng giềng Slovenia sẽ chỉ cho phép người dân rời khỏi khu vực đô thị trong trường hợp đặc biệt, sau khi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này ghi nhận 1.675 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 25/10.

Ngoài ra, một nước láng giềng nữa của Croatia là Bosnia - Herzegovina cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong tuần qua, khi số bệnh nhân hiện tại đã tăng gần 60% lên 13.348 người trong ngày 25/10.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Giáo dục Bulgaria thông báo các trường học sẽ được phép chuyển sang hình thức học trực tuyến, trong bối cảnh quốc gia vùng Balkan này đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19. Tương tự đa số các nước thuộc EU, Bulgaria đang chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc COVID-19, với tổng số ca mắc đã tăng gần gấp đôi lên 37.889 ca kể từ đầu tháng 10 này.

Ngày 25/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai khi có vaccine này. Trong bài phát biểu phát trực tuyến khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 ở Berlin (Đức), ông Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đoàn kết và chia sẻ vaccine là cách duy nhất để thế giới phục hồi từ đại dịch này.

Theo nhà lãnh đạo WHO, việc các quốc gia muốn bảo vệ công dân của nước mình trước tiên là điều hiển nhiên, nhưng khi thế giới có một loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả thì cũng phải sử dụng vaccine đó một cách hiệu quả. Và cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả là chủng ngừa cho một số người tại tất cả các nước, hơn là cho tất cả mọi người tại một số nước. Ông Ghebreyesus cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ chỉ kéo dài đại dịch COVID-19".

Cũng phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" của lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.506 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 21.930 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.240 ca bệnh phát sinh và 7 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.426 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 21.933 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 208 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 901.942 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 752.721 trường hợp.

Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 26/10, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 392.934 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.411 ca tử vong.

Trong khi đó, báo Vientiane Times ngày 26/10 đưa tin Lào sẽ áp dụng thủ tục nhập cảnh "nhanh” với Trung Quốc từ tuần tới, cho phép các công dân Trung Quốc qua lại biên giới dễ dàng hơn với thời gian cách ly ngắn hơn.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Campuchia, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 26/10.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Thượng viện Mỹ ấn định ngày bỏ phiếu thông qua đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell ngày 20/10 cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao trong ngày 26/10.

Cảnh báo sóng thần sau trận động đất có độ lớn 7,5 ở bang Alaska của Mỹ

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất mạnh có độ lớn 7,5 đã làm rung chuyển quần đảo Aleutian, phía Nam bang Alaska của nước này trong ngày 19/10, qua đó kích hoạt cảnh báo sóng thần trong khu vực.

Thế giới vượt mốc 40 triệu ca bệnh Covid-19

Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 19-10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng gần 40,28 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có gần 1,12 triệu ca tử vong; tổng số ca bình phục là hơn 30,11 triệu ca.

Báo Nhật Bản đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Mỹ ủng hộ đàm phán giải quyết tranh chấp với EU

Theo Roi-tơ và TTXVN, Đại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ cho biết, Oa-sinh-tơn sẽ tăng cường đàm phán với Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan chính sách trợ giá sản xuất máy bay.

Tổng thống Trump từ chối tranh luận trực tuyến với ứng viên Biden

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không tham gia cuộc tranh luận tổng thống thứ hai với ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Joe Biden sau khi ủy ban tổ chức thông báo cuộc tranh luận được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục