Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, nhiệt độ từ 24-25°C đã là quá nóng để làm việc với nhịp độ bình thường, nhưng những ngày qua, nhiệt độ nhiều nơi tại châu Âu đã tăng lên đến mức kỷ lục 44-45°C.
Do tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên, nhiệt độ ở nhiều nơi tại châu Âu trong những ngày qua đã tăng lên đến mức kỷ lục 44-45°C.
Khu vực vốn được coi là có khí hậu ôn hòa, mát mẻ này đã phải trải qua hai đợt nắng nóng liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng. Hiện tượng bất thường này không chỉ đe dọa sức khỏe người dân và môi trường, gây thiệt hại lớn về con người, mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), nhiều nước ở châu Âu đã và đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng liên tục. Nhiệt độ ở nhiều nơi đã tăng lên mức kỷ lục 44-45°C.
Ở châu Âu, những đợt nắng nóng cao điểm được coi là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất, là nguyên nhân của 91% trong số 142.000 trường hợp tử vong do thiên tai từ năm 1980 đến năm 2020.
Tuy nhiên, trong khi thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn gây ra được công bố rõ ràng trên truyền hình và các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng định lượng chính xác, thì việc đánh giá thiệt hại của các đợt nắng nóng lại chỉ có thể được thống kê đầy đủ thông qua những con số mất mát về người.
Thiệt hại về kinh tế do các hiện tượng cực đoan này gây ra là rất lớn, nhưng lại khó đong đếm và thường thông qua các chỉ số gián tiếp như sản lượng, năng suất, hoặc là những chi phí vô hình như ảnh hưởng về sức khỏe và thể chất.
Tại Pháp, theo một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia (SPF) công bố vào năm 2021, các đợt nắng nóng từ năm 2015 đến năm 2020 đã gây thiệt hại cho nước này từ 22 đến 37 tỷ euro. Để đưa ra con số trên, SPF đã định lượng tác động bằng tiền đối với tỷ lệ tử vong quá mức, chi phí chăm sóc y tế bổ sung và sự mất mát về thể chất cũng như tinh thần của người dân.
Giảm năng suất lao động tác động tiêu cực đến GDP
Cánh đồng lúa mì bị khô héo do hạn hán tại Occhiobello, Italy, ngày 11/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
SPF cũng cho biết ảnh hưởng về thể trạng sức khỏe con người còn dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Nhiệt độ tăng cao khiến chính phủ phải khuyến nghị hạn chế một số hoạt động đi lại và tổ chức các sự kiện ngoài trời. Hơn nữa, về mặt sinh lý, các đợt nắng nóng có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Tình huống này dẫn đến "những ngày bị hạn chế hoạt động", hay nói cách khác là giảm năng suất lao động, theo giải thích của cơ quan này.
Sự giảm năng suất do nắng nóng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm. Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, nhiệt độ từ 24-25°C đã là quá nóng để làm việc với nhịp độ bình thường. Chỉ số của hàn thử biểu tăng càng cao thì năng suất lao động càng giảm, đặc biệt là đối với các công việc liên quan đến thể chất và điều kiện làm việc ngoài trời.
Theo đó, nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30°C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 đến 40%. Ở 33-34° C, một công nhân trung bình "mất 50% khả năng lao động”, ILO giải thích.
Có một điều không thể phủ nhận đó là khi nhiệt độ của hàn thử biểu càng tăng, thì năng suất lao động càng giảm, kéo theo chỉ số kinh tế sa sút.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 10/2021 cho biết, các đợt nắng nóng năm 2003, 2010, 2015 và 2018 ở châu Âu đã khiến năng suất lao động giảm, tước đi của nền kinh tế châu Âu ước tính từ 0,3-0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương từ 43 đến 72 tỷ euro.
Nghiên cứu trên cũng cho biết tại một số quốc gia Nam Âu, tác động tích lũy của những đợt nắng nóng này thậm chí có thể làm giảm khoảng 2% GDP quốc gia.
Một nghiên cứu khác được Cơ quan Môi trường châu Âu thực hiện vào tháng 2/2022 ước tính những sự kiện khí hậu khắc nghiệt này đã gây thiệt hại từ 27-70 tỷ euro ở 32 quốc gia châu Âu.
Mùa màng gặp hạn
Vốn nhạy cảm với khí hậu, ngành nông nghiệp cũng bị đe dọa bởi những đợt nắng nóng hiện nay. Ngay cả khi nhiệt độ cao trong thời gian ngắn không đe dọa đến cây trồng, thì tình trạng nắng nóng cũng vẫn làm cho đất khô cằn, hạn hán, tác động đến sản lượng nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực.
Tại Pháp, đợt nắng nóng năm 2019 đã khiến sản lượng ngô giảm 9% và sản lượng lúa mỳ giảm 10%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này. Các đợt nắng nóng cũng làm giảm sản lượng bò sữa và nguồn cung cấp sữa.
GIEC cũng đã ghi nhận tác động của sóng nhiệt đối với tỷ lệ tử vong và năng suất của vật nuôi nói chung. Khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với các đợt nắng nóng, và có lẽ đối với các hiện tượng khí hậu đặc biệt, vẫn còn là một thách thức lớn.
Theo cảnh báo của GIEC, các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn, đến sớm hơn và kéo dài hơn. Do đó, tác động sẽ càng lớn hơn đối với nền kinh tế. ILO ước tính rằng đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới - tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian.
Cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng "bốc hơi” của 2.400 tỷ USD trên toàn cầu. Đây thực sự là một mức tăng đáng kể so với con số 208 tỷ USD thiệt hại do nắng nóng được đánh giá vào năm 1995.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng nếu nhân loại không làm gì để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, nắng nóng có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2060 so với giai đoạn 1981-2010. Điều này cho thấy tính cấp thiết của các biện pháp nhằm tăng cường thích ứng với các đợt nắng nóng và hạn chế phát thải khí nhà kính càng nhiều càng tốt.
TheoBaotintuc
Chính phủ Mỹ hối thúc Quốc hội thông qua gói trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn. Nhấn mạnh Mỹ phát minh ra chất bán dẫn, song lại dần phụ thuộc các nhà sản xuất nước ngoài, Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) cho rằng, đã đến lúc Mỹ phải lấy lại vị thế dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn.
Ngày 27/7, lượng khí đốt của Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vào Đức đã giảm, sau khi Tập đoàn Gazprom tiếp tục cắt giảm công suất của tuyến vận chuyển này vốn cung cấp phần lớn khí đốt xuất khẩu của Nga cho Liên minh châu Âu (EU).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực và có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Ngày 26/7, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Làn sóng dịch COVID-19 mới do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra đang quét qua hơn 110 quốc gia với số ca nhiễm mới liên tục tăng kỷ lục.
Thực trạng thiếu dữ liệu đang cản trở nỗ lực dự đoán hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ.