Với tâm niệm "gìn giữ tiếng Việt chính là giữ được truyền thống văn hóa, bản sắc cội nguồn Việt Nam”, từ hàng chục năm qua, bà Oanh không ngừng nỗ lực để lan tỏa tình yêu tiếng Việt tới nhiều thế hệ con em kiều bào trong tỉnh Udon Thani, Thái Lan.

Lan tỏa tình yêu tiếng Việt

Trong số những thầy giáo, cô giáo kiều bào dạy tiếng Việt ở Thái Lan, bà Nguyễn Thị Xuân Oanh (trong ảnh) là một trong những người có thâm niên lâu nhất. Kể từ những buổi lên lớp đầu tiên vào năm 1962, đến nay bà đã có 60 năm kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Giờ đây, dù đã 74 tuổi, bà vẫn xông xáo trong các hoạt động cộng đồng cũng như giảng dạy tiếng Việt.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Oanh chia sẻ: Tôi bắt đầu đi dạy học khi mới 14 tuổi, người thấp bé còn chưa với tới bảng đen, cho nên phải đứng trên hộp gỗ thông để viết bảng. Có lần cái hộp gỗ cũ quá, vỡ tan làm tôi ngã trước cả lớp. Bà kể, hồi đó điều kiện khó khăn lắm. Giáo viên thì đông mà sách giảng dạy lại thiếu. Thế là các thầy giáo, cô giáo phải chia nhau ra, mỗi người sao chép một môn học để làm sao cho tất cả các thầy cô đều có đủ sách dạy học.

Bất chấp khó khăn, các thầy, cô thời đó vẫn dạy cho các em đủ các môn học như trong nước. Thậm chí, các thầy cô còn tự soạn giáo trình hai môn học để dạy cho học sinh là Ðức dục và Công dân. Môn Ðức dục dạy cho các em tình yêu thương lẫn nhau, tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn cha mẹ, ông bà. Còn môn Công dân là môn giáo dục lòng yêu nước, yêu Bác Hồ, về các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Bà Oanh tâm sự, mặc dù vất vả, gian nan, bù lại, công việc dạy học giúp bà nhận được sự thương yêu, tin tưởng của bà con trong cộng đồng. Bà kể: Hồi mới đi dạy, dù tôi còn trẻ hơn nhiều các cô, các chị trong lớp nhưng ai cũng yêu thương, tôn trọng. Một số cô bác tin tưởng, tâm sự về chuyện nhà. Giờ đây, nhiều thế hệ học trò trước đây của bà Oanh giờ đã trưởng thành và lập nghiệp ở khắp nơi nhưng vẫn không quên tiếng Việt, không quên những bài học của thầy cô.

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, hội doanh nhân và chính quyền địa phương, bà Oanh cùng các thầy, cô giáo cũ ở Udon Thani đã thành lập ngôi trường dạy tiếng Việt ở chùa Khánh An và thu hút hàng trăm con em Việt kiều tới học. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng nổ tại Thái Lan khiến ngôi trường phải dừng hoạt động. Ðến nay, mặc dù các lớp học ở trường Khánh An chưa mở cửa trở lại, nhưng bà Oanh vẫn tiếp tục công việc yêu thích của mình.

Cứ mỗi sáng cuối tuần, bà lại mở máy tính để dạy tiếng Việt qua mạng cho hai cháu nhỏ, con của một người quen hiện đang sinh sống tại Bangkok. Bà hào hứng khoe với chúng tôi, dù vẫn phải có người lớn kèm trong các buổi học, nhưng hai cháu học rất nhanh, nhớ bài tốt.

Với những nỗ lực của mình trong việc giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, bà Oanh từng được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời về nước, đại diện cho Việt kiều Thái Lan dự các sự kiện quan trọng. Bà cũng được Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong giảng dạy tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Oanh vẫn trăn trở một nỗi lo về nguy cơ mai một tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào Thái Lan. Bà cho biết hiện nay, dù các điều kiện vật chất tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng việc dạy và học tiếng Việt lại không đạt hiệu quả như trước. Mặc dù các thầy cô rất nỗ lực kêu gọi, khuyến khích lớp trẻ học tiếng Việt nhưng khi về gia đình các em không được nói tiếng Việt, cộng thêm sự bận rộn về chuyện học hành, bài vở tại trường, cho nên không được thực hành tiếng Việt thường xuyên.

Bà Oanh cho rằng, đối với kiều bào, tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó với quê hương một phần lớn thông qua tiếng nói. Không nói được tiếng Việt cũng là một lý do khiến tình yêu quê hương, Tổ quốc sẽ nhạt dần. Và đối với cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, một cộng đồng có truyền thống yêu nước, yêu Bác Hồ, việc con cháu người Việt mang dòng máu Việt lại không biết tiếng Việt là điều khó chấp nhận.

Và bà cũng khẳng định, chừng nào vẫn còn sức lực, bà sẽ vẫn tiếp tục công việc yêu thích của mình, tiếp tục những nỗ lực truyền bá tình yêu tiếng Việt, tình yêu quê hương đất nước tới các thế hệ kiều bào trẻ tại tỉnh Udon Thani.

                                                                           Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Ít nhất 58 người đi dự đám tang thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở CH Trung Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết ít nhất 58 người đi dự đám tang đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải của họ bị lật úp ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trước đó một hôm.

Panama hồi hương nhiều cổ vật thời kỳ tiền Colombo

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông báo ngày 19/4 của Bộ Văn hóa Panama (Micultura) cho biết cơ quan này đã thu hồi thành công 36 cổ vật có từ thời kỳ tiền Colombo từ các nhà sưu tập cá nhân tại Italia và Mỹ.

Động đất có độ lớn 5,6 làm rung chuyển tỉnh Tokat của Thổ Nhĩ Kỳ

AFAD cho biết chấn tiêu của trận động đất được xác định nằm ở thị trấn Sulusaray thuộc tỉnh Tokat, cách thủ đô Ankara khoảng 450 km về phía Đông. Trong khi đó, kênh truyền hình tư nhân NTV đưa tin rung chấn cũng lan đến các tỉnh lân cận của Tokat.

Động đất rung chuyển phía Tây Nhật Bản, ít nhất 8 người bị thương

Chính phủ Nhật Bản cho biết một trận động đất có độ lớn 6,6 đã làm rung chuyển một khu vực rộng lớn ở phía Tây của nước này vào tối 17/4, song không đưa ra cảnh báo về sóng thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục