Giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh sau khi một loạt quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng. Động thái của các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới gây nhiều tranh cãi, bởi cắt giảm sản lượng giúp ổn định thị trường năng lượng, song cũng có thể góp phần khiến lạm phát nóng trở lại.


Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Ảnh: The Moscow Times/TTXVN)
Saudi Arabia và Nga dẫn đầu kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng lần này của OPEC+, với cam kết mỗi nước cắt giảm thêm 500 nghìn thùng/ngày cho đến hết năm 2023.

Nhiều thành viên khác cũng đồng loạt công bố mức cắt giảm tự nguyện bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm 2023: Iraq giảm 211 nghìn thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm 144 nghìn thùng/ngày, Kuwait giảm 128 nghìn thùng/ngày, Algeria giảm 48 nghìn thùng/ngày, Oman giảm 40 nghìn thùng/ngày...

Theo tính toán của Reuters, cam kết mới của các nước nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu.

Quyết định cắt giảm sản lượng lần này của một loạt quốc gia OPEC+ hoàn toàn bất ngờ, bởi được đưa ra đúng một ngày trước cuộc họp trực tuyến về sản lượng định kỳ của Hội đồng Bộ trưởng OPEC+.

Các nhà phân tích từng dự đoán, trong cuộc họp định kỳ vào ngày 3/4, OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng đã cam kết trước đó là 2 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2023.

Lý do mà Bộ Năng lượng Saudi Arabia đưa ra để giải thích cho việc cắt giảm sản lượng dầu lần này là hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.

Một số chuyên gia cũng nhận định, OPEC+ đang hành động trên cơ sở phòng ngừa để ngăn chặn kịch bản xấu từng xảy ra năm 2008 lặp lại, khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng quá muộn và không kịp ngăn giá dầu lao dốc do sức ép của khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó.

Giá dầu trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua trong bối cảnh hỗn loạn trên thị trường tài chính với sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và vụ giải cứu ngân hàng từng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse.

Amrita Sen, Giám đốc của Energy Aspects, nhận định rằng OPEC+ đang thực hiện "bước phủ đầu” phòng trường hợp nhu cầu dầu trên thế giới có thể giảm.

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, việc cắt giảm sản lượng có thể giúp giá dầu tăng thêm 7% trong thời gian tới, góp phần làm tăng doanh thu từ dầu mỏ cho các thành viên OPEC+.

Động thái của OPEC+ hứng chịu chỉ trích, khi giới chuyên gia cho rằng thị trường đã "trở tay không kịp”. Phản ứng khá gay gắt, Mỹ cho rằng động thái của các nhà sản xuất của OPEC+ không hợp lý.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nêu rõ: Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm sản lượng nên làm vào thời điểm này, do thị trường không chắc chắn. Mỹ lập luận, thế giới cần giảm giá năng lượng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giá dầu thô tăng mạnh có thể đẩy lạm phát tiếp tục lên cao, trong bối cảnh tốc độ tăng giá vẫn ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), vốn đã tăng lãi suất tới 9 lần trong vòng một năm qua.

Thị trường năng lượng sẽ tiếp tục khó đoán định khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới có những động thái bất ngờ.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) từng ra lệnh xả kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ để "hạ nhiệt” giá xăng dầu, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng kỷ lục sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.

Để bù đắp sự thiếu hụt dầu toàn cầu, một số nhà sản xuất lớn như Brazil, Canada, Guyana, Na Uy và Mỹ đều đang tăng sản lượng.

Theo các nhà phân tích kinh tế, động thái bất ngờ cắt giảm sản lượng được chính nhóm thành viên chủ chốt trong OPEC+ đưa ra, với mục tiêu hỗ trợ tăng giá dầu. Khả năng giá dầu quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng vì thế đang tăng lên.


                                           TheoNhandan

Các tin khác


Gần 70.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Brazil

Ngày 5/5, Cơ quan Phòng vệ Dân sự Brazil cho biết lũ lụt, lở bùn và mưa bão đã buộc gần 70.000 người phải sơ tán và khiến ít nhất 356.000 người chịu cảnh mất điện tại miền Nam nước này.

Chặng đường nhiều thành tựu của EU

Nhiều hoạt động được tiến hành nhằm kỷ niệm 20 năm ngày Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thêm 10 nước thành viên, sự kiện đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối. Nhìn lại chặng đường đã qua, sự mở rộng nhanh chóng của EU tạo ra nhiều thành tựu, song cũng kéo theo không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế... hiện thay đổi nhiều so với 20 năm trước với hàng loạt nguy cơ rình rập.

WHO kêu gọi đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch trước thời hạn chót

Ngày 3/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhất trí một thỏa thuận nhằm đối với với các đại dịch trong tương lai, trong bối cảnh tháng này là thời hạn chót cho đàm phán.

CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục