Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong ngày 10/3 thông báo chính phủ nước này sẽ mở rộng việc tuyển dụng nhân sự ngành y tế, đồng thời cảnh báo sẽ xử lý nghiêm việc công kích các bác sĩ đã quay trở lại làm việc.


Bên trong khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1/3/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Cho cho biết cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra và có hành động nghiêm khắc với việc đe dọa, quấy rối đối với những bác sĩ tập sự không tham gia đình công. 

Thông tin báo chí địa phương cho biết một số bác sĩ tập sự đã bị gây áp lực khi họ quay trở lại làm việc, trong khi một số bác sĩ tập sự không tham gia cuộc đình công được phát động từ ngày 19/2 đã bị những người đình công tiết lộ tên và thông tin cá nhân trên mạng Internet.

Cuối tuần qua, cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra về một tài liệu có đóng dấu của Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), trong đó yêu cầu lập ra cái gọi là "danh sách đen” gồm các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú không tham gia cuộc đình công. Người phát ngôn của KMA Joo Soo-ho bác bỏ cáo buộc, cho rằng đây là tài liệu giả mạo. Với số thành viên lên tới 140.000 người, KMA là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ tại Hàn Quốc.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cùng ngày đã nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ "không dung thứ” cho hành vi quấy rối đối với các bác sĩ tập sự không tham gia đình công.

Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự tại 97 bệnh viện trên toàn Hàn Quốc đã đồng loạt nghỉ việc trong 20 ngày để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y thêm 2.000 người (từ mức 3.058 sinh viên hiện tại) bắt đầu từ năm 2025. Các bác sĩ tập sự chiếm từ 30-40% tổng số bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa hàng đầu ở Hàn Quốc. Họ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các bác sĩ chính thức trong quá trình phẫu thuật và điều trị bệnh nhân nội trú.

Trong khi việc giải quyết căng thẳng tại các cơ sở y tế chưa có dấu hiệu kết thúc, các giáo sư y khoa ở Hàn Quốc dường như lại tham gia kế hoạch phản đối gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học bằng cách xin nghỉ việc.

Theo Hiệp hội Y khoa Daegu, nhóm trưởng khoa tại Trường Y Đại học Quốc gia Kyungbuk cuối tuần qua đã ra thông báo nói rằng giới giáo sư phản đối mạnh mẽ yêu cầu của trường về tăng mạnh số lượng sinh viên y khoa trong bối cảnh trường không thể đáp ứng chất lượng đào tạo. Với tư cách là những nhà giáo, họ không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng trong giáo dục y tế và dự định sẽ đồng loạt từ chức.

Thông tin cho biết các giáo sư của Đại học Y khoa Ulsan cũng bắt đầu nộp đơn từ chức sau cuộc họp chung khẩn cấp được tổ chức trực tuyến vào cuối ngày 8/3 với sự tham dự của khoảng 254 giáo sư từ ba bệnh viện trực thuộc. Các bệnh viện trực thuộc là Trung tâm Y tế Asan, một trong 5 cơ sở y tế lớn của Hàn Quốc, Đại học Ulsan và Bệnh viện Gangneung Asan.

Trước đó, các giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Kyungsang cũng đã nộp đơn từ chức, trong khi các giáo sư tại Đại học Wonkwang và Đại học Yeungnam cảnh báo sẽ có hành động tập thể nếu các bác sĩ tập sự và sinh viên tại trường của họ phải chịu các thiệt hại.

Động thái của các giáo sư y khoa diễn ra sau khi 40 trường y trên toàn Hàn Quốc yêu cầu chính phủ tăng chỉ tiêu sinh viên hằng năm thêm 3.401 người trong một cuộc khảo sát mới nhất. Con số này cao gấp 1,7 lần so với kế hoạch tăng 2.000 sinh viên mà chính phủ đưa ra. Các giáo sư đang giảng dạy cho rằng các trường đại học đã đưa ra yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà không lưu ý đến ý kiến của họ.

Trong bối cảnh xung đột ngày càng sâu sắc giữa chính phủ và giới y tế, ông Kim Jeong-eun - Hiệu trưởng Đại học Y khoa, Đại học quốc gia Seoul - đã kêu gọi các giáo sư tham gia thảo luận để tìm kiếm giải pháp thay vì đột ngột từ chức.


Theo TTXVN

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục