Ngày 13/3, một số nhà tuyển dụng lớn nhất Nhật Bản đã công bố mức tăng lương kỷ lục, một trong những tín hiệu cho thấy các công ty đang thoát dần tư duy giảm phát dẫn đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế trì trệ của nước này thường được gọi là "những thập kỷ mất mát”.


Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, mỗi mùa xuân, các công đoàn và ban quản lý doanh nghiệp lại tổ chức các cuộc đàm phán - được gọi là "shunto” để ấn định mức lương hàng tháng trước khi bắt đầu năm tài chính của Nhật Bản vào tháng 4. Năm nay, các doanh nghiệp lớn hầu hết đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng lương của liên đoàn lao động.

Trong đó, Nippon Steel thậm chí đã đáp ứng vượt yêu cầu của công đoàn khi đưa ra mức tăng lương tháng kỷ lục 35.000 yen (237 USD), tương đương 14%. Công ty cho biết: "Điều cần thiết là phải đảm bảo giữ những nhân tài triển vọng và giúp tất cả nhân viên làm việc hiệu quả hơn.”

Toyota không tiết lộ chi tiết về việc tăng lương nhưng cho biết đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công đoàn. Liên đoàn công nhân Toyota Motor đã yêu cầu một khoản tiền thưởng kỷ lục tương đương 7,6 tháng lương với lý do dự báo lợi nhuận hoạt động theo năm trong năm tài chính hiện tại sẽ đạt 4.500 tỷ yen (30 tỷ USD) - cao nhất trong lịch sử. Công đoàn cũng đã đề xuất các yêu cầu cụ thể cho từng loại công việc với mức tăng lương hằng tháng lên tới 28.440 yen (193 USD).

Hitachi và Toshiba cho biết đã có mức tăng lương lớn nhất kể từ khi thể thức đàm phán hiện nay được áp dụng vào năm 1998.

Theo Hội đồng Công đoàn Thợ kim loại Nhật Bản (JCM), một liên minh của các công đoàn trong ngành, 87,5% tổ chức thành viên có yêu cầu đã được đáp ứng đầy đủ hoặc vượt mong đợi.

Chỉ có khoảng 16% công nhân ở Nhật Bản là thành viên công đoàn, nhưng các nhà kinh tế đánh giá các cuộc đàm phán năm nay như một dấu hiệu quan trọng cho thấy những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Lạm phát cơ bản đã ở mức 2% hoặc cao hơn trong gần 2 năm, tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhấn mạnh rằng cần phải có một "chu kỳ lành mạnh” về tăng lương và giá cả để đạt được mục tiêu ổn định, điều này sẽ mang lại cho ngân hàng trung ương tự tin để bắt đầu tăng lãi suất.  

Do tình trạng giảm phát, trong 3 thập kỷ qua, nhiều công ty Nhật Bản chỉ đưa ra mức tăng lương dựa trên thâm niên, gắn liền với số năm nhân viên đã làm việc tại công ty. Làn sóng tăng lương hiện nay mạnh mẽ hơn nhiều, bao gồm cả việc lương tăng bất kể thâm niên. Trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp và liên đoàn lao động ngày 13/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các cuộc đàm phán "đã tạo ra xu hướng tăng lương mạnh mẽ vượt xa mức tăng của năm 2023”.

Nguyên nhân tăng lương là do tình trạng thiếu lao động trầm trọng và lạm phát kéo dài. Việc đồng yen suy yếu thúc đẩy lợi nhuận của các công ty xuất khẩu cũng giúp các nhà tuyển dụng lớn dễ dàng cam kết tăng lương cao hơn. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản trầm trọng đến mức khó thu hút được người lao động nếu không tăng lương.

Theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản - Rengo, trong cuộc đàm phán năm nay, các công đoàn lao động đang yêu cầu tăng lương trung bình 5,85%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1993.


Theo TTXVN

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục