Trưởng Công an xã đảo Thổ Châu Lê Như Ý đang trao đổi kế hoạch công tác với Công an viên.

Trưởng Công an xã đảo Thổ Châu Lê Như Ý đang trao đổi kế hoạch công tác với Công an viên.

Điều đáng quý nhất mà tôi nhận ra khi tiếp xúc với Công an xã trên các đảo biển Tây của Tổ quốc đó là đức tính kiên trì, chịu khó, chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh để bám địa bàn và không chùn bước trước tội phạm. Các anh đã ngày đêm làm tốt nhiệm vụ giữ gìn ANTT trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi… khoe trụ sở Công an xã vừa được trên quan tâm, xây mới, anh Trần Ngọc Xinh, Phó Công an xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang đã lấy xe máy chở tôi một vòng đảo Hòn Tre – một hòn đảo thuộc địa bàn xã, anh bộc bạch: “Thú thật, dù là dân Hà Tiên, biết cái tên quần đảo Hải Tặc có hàng trăm năm trước đây và tình hình quần đảo đã thay đổi nhiều, nhưng trước khi ra đây, tôi vẫn cảm thấy sờ sợ”.

Mải kể chuyện chung mà anh Xinh quên trả lời thắc mắc của tôi quanh những vất vả, khó khăn mà các anh đã cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Giọng anh khiêm tốn: “Công bằng mà nói. Khó thì có khó, nhưng so với anh em ở nhiều đảo khác trên biển Tây này, mình vẫn đỡ hơn nhiều”.  

Trước khi đến quần đảo Hải Tặc, tôi theo tàu của Vùng 5 Hải quân đến quần đảo Nam Du – cách đất liền Rạch Giá gần 90km, được xem là quần đảo ở xa trên biển Tây, có đông dân nhất so với các quần đảo khác của Tổ quốc. Một Công an viên xã An Sơn cho biết, quần đảo có tất cả 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hoá xếp đặt khéo léo, cao thấp đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa trùng khơi.

Ở quần đảo Nam Du có trên 10 đảo có người sinh sống, nhộn nhịp nhất là đảo Củ Tron lớn nhất diện tích 9km2, tiếp đến là Hòn Mấu và Hòn Bờ Đập. Anh Hồ Minh Hậu – Trưởng Công an xã An Sơn, nằm trên hòn Củ Tron, là người có nhiều năm liền gắn bó với quần đảo này, cho biết, xã hiện có khoảng 4.800 nhân khẩu. Do điều kiện khai thác hải sản có khi thuận lợi có khi khó khăn nên dân số của xã lúc thì tăng, khi thì giảm. Năm 2011 vừa qua, dân số của xã giảm khoảng 200 người. “Vì vậy, quản lý nhân khẩu trên đảo khác với đất liền. Có khi, đầu năm bà con ra khơi rồi tạm cư luôn tại ngư trường để đánh bắt, đến cuối năm mới về”, anh kể.

Giữa sóng gió biển Tây, tôi “để ý” đến một Công an viên là nữ, còn khá trẻ. Đó là Châu Như Ý. Châu Như Ý chia sẻ với tôi rằng, Như Ý sinh ra lớn lên ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, một vùng quê cách mạng. Biết Ý thích vào lực lượng Công an nhưng thi không đậu ĐH Cảnh sát, nguời cậu ruột ở Ủy ban Kiểm tra của xã An Sơn đã xin cho cô ra đảo làm Công an xã. Công việc của Ý hiện tại là trực hành chính, tiếp nhận, ghi chép các văn bản và hướng dẫn người dân làm các thủ tục cần thiết,… với mức phụ cấp mỗi tháng vỏn vẹn 900 ngàn đồng.

Ý bộc bạch: “Anh em khác còn vất vả hơn em, phải đi tuần tra, đi xuống địa bàn, trực tiếp giải quyết các vụ ngư dân mâu thuẫn đánh nhau, thậm chí còn bị chống trả nguy hiểm đến tính mạng… cũng chỉ nhận được khoản phụ cấp như vậy. Em nghĩ được góp phần giữ gìn ANTT cho quần đảo là vinh dự rồi nên cố gắng làm”.

Rời quần đảo Hải Tặc, tôi đến quần đảo Thổ Chu, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu - Trần Hoàng Nghiệm kể: “Trước đây từ đất liền (Rạch Giá) ra đảo phải mất đứt 8 tiếng đồng hồ ngồi tàu sắt để ra đảo Phú Quốc. Rồi từ Phú Quốc, phải chịu mỏi lưng và say sóng thêm 8 tiếng nữa mới tới được quần đảo Thổ Chu. Bây giờ đã có tàu cao tốc thay thế tàu cũ”.

Một góc quần đảo Thổ Chu.

Với gần 10 năm làm Trưởng Công an xã, anh Lê Như Ý đã gặp không biết bao nhiêu phức tạp so với đồng nghiệp trong đất liền và có một chuyện chắc chắn không nơi nào gặp phải. Anh kể: “Thẩm quyền tạm giữ hành chính của Công an xã chỉ có 24 tiếng đồng hồ, nên trường hợp đối tượng có dấu hiệu tội phạm hình sự, chúng tôi báo cho Công an huyện. Cán bộ Công an huyện muốn ra đảo phải chờ tàu. Vậy là, Công an xã phải linh hoạt xử lý để ngăn chặn đối tượng không tiếp tục gây nguy hiểm được nữa, và không thể trốn thoát, mà vẫn bảo đảm đúng luật pháp”.

Trong những năm qua, Công an xã Thổ Châu luôn cố gắng làm tốt công tác phòng ngừa nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất số vụ vi phạm hình sự, nhất là trọng án. Tuy nhiên, vẫn có vụ việc hết sức đau lòng xảy ra. Hôm tôi đến xã, các anh Công an ở đây vừa hoàn tất thủ tục, chuyển Công an huyện vụ ẩu đả nhau dẫn đến chết người tại khu vực cảng cá, thuộc ấp Bãi Ngự. Anh Ý kể, ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng Công an xã chia thành nhiều mũi truy tìm, đến 2h sáng 2/1, mới bắt được hung thủ. Đó là tên Danh Chăm (22 tuổi, nguyên quán xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, Kiên Giang), đã dùng ly uống bia, tuýp sắt đánh vào đầu bạn nhậu, tên là Hoàng làm Hoàng bị thương. Dù có người phát hiện, can ngăn, nhưng Danh Chăm vẫn dùng dao đâm vào bụng Hoàng khiến Hoàng tử vong.

Anh Ý cho biết thêm: Xã đảo Thổ Châu hiện có hơn 513 hộ với 1.698 nhân khẩu. Cũng giống như nhiều đảo khác trên biển Tây Nam, dân số trên đảo luôn biến động theo từng mùa. Công tác quản lý hành chính của Công an xã rất vất vả khi vào mùa biển động (mùa chướng) và vào những ngày sáng trăng. Anh cho biết: “Có hôm ngoài cầu cảng có tới 500 – 700 tàu tấp vào. Trung bình mỗi tàu có 10 người thì đảo có thêm 5-7 nghìn người. Và chỉ cần 1/3 con số ấy lên bờ để mua sắm, ăn nhậu là công tác quản lý ANTT cũng đủ mệt”.

Năm 2011 vừa qua, Công an Thổ Châu giải quyết gần 80 vụ việc ANTT, hầu hết người trong cuộc là ngư phủ. Nhiều ngư phủ khi bước chân lên đảo là lấy rượu làm niềm vui; tiêu xài thỏa thích đến khi hết tiền rồi tạm ứng chủ phương tiện, nhậu tiếp và gây mất ANTT. Bây giờ, đường trên đảo đã được đầu tư xây dựng hoàn thành với tổng chiều dài trên 15km nên lượng xe gắn máy cũng đã có tới 200 chiếc, thế là phải tiến hành các biện pháp phòng chống TNGT.

Rồi những vụ tai nạn trên biển dẫn đến chết người hoặc mất tích, chìm tàu và chuyện chặt phá, vận chuyển cây rừng trái phép, Công an Thổ Châu phải kịp thời xử lý… Thổ Chu cũng là nơi mà nhiều đối tượng ở đất liền xem là “điểm đến lý tưởng” sau khi gây án. Cách nay chưa lâu, bản thân anh Ý đã bắt, vận động ra đầu thú 2 đối tượng từng bị Công an Bình Thuận phát lệnh truy nã đặc biệt.

Quân số “mỏng” (hiện chỉ có 9 đồng chí), đời sống hầu hết đều gặp khó khăn, nhưng quý một điều là anh em luôn đoàn kết, thường xuyên động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ và có cuộc sống ổn định.

Công an xã Thổ Châu còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Vùng 5 Hải quân thực hiện một số mặt công tác như bảo vệ rừng, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Các anh đã góp phần giữ yên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc

 

                                                                  Theo Báo CAND

Các tin khác


Triệt xoá điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý tại chung cư Dạ Hợp

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết, sau một thời gian điều tra, xác minh, trưa 23/4, đơn vị đã phối hợp Công an TP Hòa Bình triệt phá thành công tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại chung cư Dạ hợp 12 tầng thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình do Bùi Tuấn Anh (SN 1987) cầm đầu.

Trao quyết định giảm án phạt tù cho 9 phạm nhân

Sáng 25/4, Trại Tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình đã tổ chức công bố quyết định giảm án phạt tù có thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện giảm án nhân dịp 30/4/2024. Trong 9 phạm nhân được trao quyết định giảm án có 2 phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được tha ngày 16/4/2024; 7 phạm nhân được giảm từ 2 - 7 tháng phạt tù.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ 27/4 đến 1/5). Đây sẽ là thời điểm người dân có nhu cầu đi thăm thân, tham quan, du lịch tăng cao, dẫn đến lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng đột biến. Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn trong suốt thời gian nghỉ lễ.

8 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, UBND huyện Lạc Thủy đã công nhận 8/10 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện, toàn huyện có 112 tổ hòa giải ở cơ sở và 706 hòa giải viên.

Phát hiện kho hàng đông lạnh chứa gần 1 tấn thực phẩm 'bẩn'

Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 22 ra quyết định kiểm tra số hàng hóa tại kho địa chỉ số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện gần 1 tấn thực phẩm gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều là sản phẩm đông lạnh đóng túi, một số đã tẩm ướp sẵn để đưa đi tiêu thụ.

Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hoà Bình

Sáng 23/4, UBND thành phố Hoà Bình tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC" năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục