Những CCB nguyên là bộ đội Trường Sơn - Tây Nguyên gặp gỡ ôn lại truyến thống một thời đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Những CCB nguyên là bộ đội Trường Sơn - Tây Nguyên gặp gỡ ôn lại truyến thống một thời đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

(HBĐT) - Họ gặp lại nhau sau 38 năm đất nước trọn niềm vui, những chàng trai trẻ tuổi mười chín, đôi mươi giờ đã phơ phơ mái đầu bạc. Tay bắt mặt mừng, tâm hồn họ như trẻ lại cùng trôi về quá khứ, những năm tháng khoét núi, ngủ hầm, bát cơm sẻ nửa, đồng cam cộng khổ với một ý chí quyết tâm cao: đánh đuổi giặc Mỹ để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

 

38 năm được hát khúc ca khải hoàn, sống cuộc sống bình yên không mùi khói bom, lửa đạn, trong giây phút gặp nhau ngắn ngủi, họ luôn nhắc nhau hãy sống tốt, vì sống không chỉ cho riêng mình mà cho cả những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Họ là những CCB nguyên là cán bộ, chiến sỹ B3 -Quân đoàn 3 Tây Nguyên, bộ đội Trường Sơn và bộ đội từng tham gia chiến đấu ở nước bạn Lào.

Các CCB nguyên là bộ đội Trường Sơn - Tây Nguyên viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Phong.

 

Trọn nghĩa với nước non”

 

Trong buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 38 năm ngày thành lập B3- Quân đoàn 3 Tây Nguyên được tổ chức tại huyện Cao Phong vừa qua, chúng tôi đã may mắn có những phút giây được trò chuyện với ông Bùi Đức Triệu, một người con của đất Mường Thàng, vì lòng căm thù giặc Mỹ, 17 tuổi đã trích giọt máu đào viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tự hào là chiến sỹ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Tây Nguyên, ông kể chuyện xưa với chất giọng đầy phấn chấn: Khi còn là cậu học sinh ngồi trong ghế nhà trường, chúng tôi đã đọc thuộc lòng bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.  Bài thơ với những câu từ chắc, gọn, đầy sức biểu cảm ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của những người chiến sỹ đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu: “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên/ Chiến sỹ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng/Trí không mòn...”  Mang theo tinh thần ấy, dũng khí ấy của cha anh, gần 20 năm sau chúng tôi đã hăm hở lên đường đi chiến đấu với quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, chúng tôi cũng đã nếm trải mọi nỗi gian nguy. Cũng chung cảnh khoét núi, ngủ hầm, nhưng không chỉ là “năm mươi sáu ngày đêm “ mà có tới vài trăm ngày đêm như vậy. ở miền Bắc chúng ta có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông với tiết trời khác biệt nhưng ở miền Nam, Tây Nguyên một năm thường chỉ phân theo 2 mùa cơ bản: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 6-12, còn mùa khô được chấm mốc từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Những tháng ngày mùa mưa luôn là điều ám ảnh với các chiến sỹ đã từng tham gia chiến đấu ở nơi này bởi bộ đội phải ăn, ngủ trong những chiếc hầm âm (là những chiếc hố được khoét sâu chừng 1m2, xung quanh được đóng cọc, giàn giáo để mắc võng làm giường). Những ngày mưa, nước ngập, các chiến sỹ luôn phải thay nhau tát nước để có được chỗ ngả lưng. Bao quanh trận địa là mạng lưới sông, suối chằng chịt, dòng sông Pô Cô, Xê Pôn... luôn chảy xiết khiến cả ta và địch đều phải án binh bất động. Bộ đội ta thực hiện việc huấn luyện,  tập huấn chính trị chuẩn bị lực lượng và phát nương làm rẫy chủ động lương thực để sẵn sàng xung trận khi tiết trời tạnh ráo. Dù gian khổ, hiểm nguy cũng không một chút nao lòng. ý chí sắt đá đó của các chiến sỹ binh đoàn Tây Nguyên, trong đó có hàng trăm người con của đất Mường Hòa Bình đã làm nên chiến thắng Buôn Mê Thuột. Như ta đã biết, trận đánh Buôn Mê Thuột đã điểm đúng huyệt, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây  Nguyên tạo nên bước ngoặt lịch sử đưa cuộc chiến tranh từ tiến công chiến lược đến tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, đến hôm nay, sau 38 năm nhìn lại, những người đồng đội cùng sát cánh bên nhau trong những năm tháng đó giờ chỉ còn lại khoảng 1/3 vì có đồng đội đã mãi nằm lại nơi chiến trường, có người bạn dù đã trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn luôn bị hành hạ bởi những vết thương, di chứng của chiến tranh và cũng lần lượt ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi là những người may mắn đã tránh được bom đạn của kẻ thù, trở về với cuộc sống đời thường luôn mang theo trong mình một niềm tự hào sâu sắc vì đã “Trọn nghĩa với nước non”.

 

“Vẹn tình đồng đội”

 

Kháng chiến thành công, non sông thu về một mối, những chiến sỹ tham gia chiến đấu nơi chiến trường năm ấy, người ở lại xây dựng lực lượng vũ trang rồi trưởng thành là những sỹ quan cao cấp, người chuyển ngành về các cơ quan, doanh nghiệp hoặc tiếp tục việc học tập, nghiên cứu  để trở thành thầy thuốc, nhà giáo... người trở về địa phương vui với cuộc sống đời thường. Cho đến nay, những người CCB trẻ nhất cũng đã ở ngưỡng lục tuần. Được sống cuộc sống bình yên, vui vầy cùng con cháu, họ không quên những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường hay những người đã trở về với tấm thân không lành lặn. Nuôi dưỡng những tâm tư đó, một số CCB nguyên là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, bộ đội Trường Sơn... nay làm cán bộ cao cấp của tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm, kết nối thông tin để thành lập Ban liên lạc như: Ban liên lạc bộ đội Tây Nguyên, Ban liên lạc D647... Ban liên lạc được kết nối, xây dựng trên tình thần tự nguyện đã duy trì trên 10 năm nay. 3 năm lại đây, Ban liên lạc bộ đội Tây Nguyên và Ban liên lạc D647 của tỉnh đã phối hợp tổ chức các cuộc gặp mặt hàng năm và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực ấm tình đồng đội. Sau cuộc gặp mặt truyền thống đầy cảm động của D647 F320B được tổ chức tại Trung tâm thương mại AP Plaza- TPHB, một đoàn công tác đặc biệt đã được thành lập mang sứ mệnh tìm lại phần mộ của những đồng đội đã hy sinh. Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã về lại chiến trường xưa tại các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Quảng Trị, Bình Định, đến các nghĩa trang Trường Sơn, Đắk Lây (Pet), Ngọc Hồi, Đắk Tô, Diên Bình, Đắk Hà, Kon Tum, Plâycu, nhà bia tưởng niệm F10, Đắk Lắk, Buôn Hồ, Chư Xê, Chư Pa...Trong chuyến đi này đã tìm được 116 phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và 232 liệt sỹ trong danh sách F10 quản lý.  Sau đó đã phối hợp cùng với gia đình đưa hài cốt của 5 liệt sỹ về nghĩa trang các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn và đưa thân nhân của 3 liệt sỹ đến thăm mộ, thắp hương tại nghĩa trang Kon Tum và nghĩa Trang Đắk Tô. Gần đây nhất, Ban liên lạc D647 của thành phố Hòa Bình, Lương Sơn, Kỳ Sơn đã phối hợp cùng gia đình đón hài cốt và truy điệu liệt sỹ Hoàng Văn Trị từ Tây Nguyên trở về an táng tại quê nhà. Tính đến nay, Ban liên lạc bộ đội Tây Nguyên cũng đã tổ chức đưa đón 4 liệt sỹ Tây Nguyên về an táng tại địa phương. Trong năm 2012, Ban liên lạc Bộ đội Tây Nguyên đã tổ chức chuyến đi trở về Kon Tum dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh. Trong chuyến đi này, đoàn cũng đã lưu lại chiến trường xưa để tiếp tục tìm kiếm phần mộ của các đồng đội đã hy sinh để thông tin lại với gia đình.

 

Với những người đang sống, mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, có người “công thành danh toại”, nhưng có người luôn phải vật lộn với ốm đau, bệnh tật, Ban liên lạc đã duy trì tốt việc thăm hỏi, giúp đỡ để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Mỗi lần gặp nhau, sau giây phút bùi ngùi, xúc động, họ cùng san sẻ niềm vui, cùng nắm tay nhau để khẳng định ý chí, quyết tâm phát huy truyền thống lực lượng vũ trang Tây Nguyên - Trường Sơn với 6 chữ vàng “Tự lực, tự cường, quyết thắng” để mãi là những tấm gương sáng giữa đời thường.

           

 

                                                                Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


Xã An Bình đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xác định xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Thời gian qua, xã An Bình, huyện Lạc Thủy đã có nhiều giải pháp sáng tạo, tích cực nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tiếp bước Điện Biên, tiến lên giành “3 nhất”

Trung tá Bùi Mạnh Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Sơn cho biết: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật

Thời gian qua, trước một số thông tin về việc quá trình triển khai Dự án Khu đô thị mới (KĐT) Trung Minh A thuộc phường Trung Minh (TP Hòa Bình) chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có ý kiến phản hồi và khẳng định: Quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh và nhà đầu tư (NĐT) đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng...

Bắt đối tượng dùng dao đâm trọng thương cán bộ Công an xã Vũ Bình

Công an huyện Lạc Sơn cho biết, đơn vị vừa truy bắt nhanh đối tượng tấn công gây trọng thương cán bộ Công an khi đang làm nhiệm vụ.

Doanh nghiệp tự ý sử dụng thông tin cá nhân để khai khống thu nhập là hành vi vi phạm pháp luật

Vừa qua, một số Cục Thuế địa phương phát hiện hành vi liên doanh nghiệp (DN) sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không phát sinh chi trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó.

Tháng 4/2024, xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tháng 4/2024 (số liệu báo cáo tính từ ngày 15/3 đến ngày 14/4), toàn quốc xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người và làm bị thương 1.537 người. So với tháng cùng kỳ năm 2023 tăng 334 vụ (20,11%), giảm 62 người chết (6,84%), tăng 431 người bị thương (38,97%).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục