Giáo dục là một ngành đặc thù có tác động rộng lớn khi mà một người đi học có biết bao người dõi theo. Vì vậy, để tiếp tục tạo dựng niềm tin, năm 2017 với ngành giáo dục sẽ là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động.

 

              Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Năm 2016 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản và toàn diện, song bên cạnh đó, cũng còn nhiều trăn trở về những việc đáng lẽ ngành có thể làm tốt hơn. Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ cuộc trao đổi với về những dự định, kế hoạch của ngành trong năm 2017.

Thưa Bộ trưởng, năm 2016 ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành giáo dục. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2016, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, nhiều quyết sách, chính sách giáo dục trong năm 2016 đã có tác động tích cực, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, cách thức quản lý và hoạt động của cả hệ thống giáo dục từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.

Năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi vẫn giữ được tinh thần nhân văn của Thông tư 30.

Quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới, hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015. Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn. Việc ban hành quy chế thi và quy chế tuyển sinh sớm hơn mọi năm sẽ giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.

Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới, khi học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều giành được Huy chương Vàng. Những ngày cuối cùng của năm 2016, theo kết quả của Chương trình dánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Bộ trưởng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn của ngành trong năm qua là gì?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được.

Trong xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục và đào tạo, cần đề cao tính thực tiễn và hiệu quả thực sự trong quá trình triển khai. Mặc dù trước khi xây dựng chính sách đều có nghiên cứu, khảo sát nhưng thực tế cho thấy đâu đó vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.

Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành. Cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn. Ở một số địa phương, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Đến nay, mặc dù ngành giáo dục đã thực hiện phân cấp tối đa cho các địa phương, song sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Một số nơi chưa sát sao phát hiện và chủ động có các giải pháp khắc phục trước các vấn đề giáo dục và đào tạo của địa phương.

Nhìn vào những khó khăn, hạn chế như Bộ trưởng đã nêu, có thể thấy năm 2017 sẽ là năm ngành giáo dục có rất nhiều việc phải làm?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2017, ngành tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo. Ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học, sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong công tác xây dựng thể chế, ngành giáo dục sẽ chú trọng hơn tới tính thực tiễn của từng chính sách. Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn nữa để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý Nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.

Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.

Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015, lộ trình 2020. Đồng thời, mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước như các nguồn ODA, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, các nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bộ trưởng đã nói đến niềm tin của xã hội dành cho giáo dục. Vậy, tiếp tục tạo dựng niềm tin có phải là thông điệp của ngành giáo dục trong năm 2017?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là một ngành đặc thù với sự tác động rộng lớn. Một người đi học là biết bao người dõi theo, vì thế sự kỳ vọng dành cho ngành là hết sức lớn lao. Kỳ vọng luôn là động lực nhưng cũng là áp lực đối với toàn ngành.

9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể được đặt ra cho thấy ngành giáo dục đã xác định rõ từng mũi nhọn để tạo ra sự đột phá.

Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Vì thế, ngành giáo dục cần sự đồng hành, kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.

Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành giáo dục. Đồng thời, năm 2017 và những năm tiếp theo, tạo dựng niềm tin là thông điệp mà toàn ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

                                                      TheoBaochinhphu

Các tin khác


Phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017

(HBĐT) - Ngày 26/12, tại trường THCS Sông Đà, Sở TT&TT phối hợp với Sở GD – ĐT, Bưu điện tỉnh tổ chức phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự lễ phát động có lãnh đạo Sở TT&TT;  Bưu điện tử; Tỉnh đoàn; phòng GD&ĐT thành phố, đại diện các trường TH, THCS trên địa bàn thành phố Hòa Bình.  

Quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 219 nghìn trẻ em. Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc tăng. Hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và truyền thông, tư vấn được đẩy mạnh. 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước. Có 2/11 huyện, thành phố và 121/210 xã, phường, thị trấn thành lập được Ban Bảo vệ trẻ em (chiếm 57,6%). Với 47 điểm tư vấn cộng đồng và 102 điểm tư vấn trường học đã trợ giúp cho trẻ em và gia đình các em có điều kiện tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội đầy đủ, chi tiết.

Giáo dục truyền thống “Anh Bộ đội Cụ Hồ” cho trên 670 học sinh

(HBĐT) - Ngày 19/12, tại trường Tiểu học và THCS xã Tú Sơn, Ban CHQS huyện Kim Bôi đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức chương trình ngoại khoá chuyên đề Giáo dục truyền thống “Anh Bộ đội Cụ Hồ” nhân dịp hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016) và 27 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2016).

Gặp mặt đại diện cựu học sinh trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình, trường PT DTNT THPT tỉnh

(HBĐT) - Ngày 17/2, tại trường PT DTNT THPT tỉnh diễn ra lễ gặp mặt đại diện cựu học sinh trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình, trường PT DTNT THPT tỉnh.

Xã Tử Nê - điểm sáng trong phong trào khuyến học

(HBĐT) - Đầu tháng 10, chúng tôi có dịp tham gia cùng Hội Cựu giáo chức xã Tử Nê (huyện Tân Lạc) trong ngày hội “Mổ lợn nhựa khuyến học, khuyến tài”. Đồng chí Phạm Thị Châu - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tử Nê phấn khởi chia sẻ: Đã thành truyền thống, cứ vào ngày 2/10 hàng năm, chúng tôi lại tổ chức mổ lợn nhựa khuyến học, khuyến tài. Số tiền tiết kiệm này sẽ được các cựu giáo chức mua quần áo, sách vở cho con cháu hoặc quyên góp ủng hộ, động viên những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực để tới trường.

Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho 5 giáo viên che chở 15 HS mẫu giáo

Ngày 17-12, tại trường mẫu giáo xã An Hiệp (Tuy An, Phú Yên), đoàn Bộ GD-ĐT do ông Trần Thiện Tự, Phó cục trưởng cục Nhà giáo Bộ và ông Phan Hải Thiện, Chánh văn phòng 2 của Bộ đã trao bằng khen Vì hành động dũng cảm cho 5 giáo viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục