(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 17 cơ sở khác tham gia đào tạo. Kết quả công tác tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2014 - 2016 là 49.652 học viên, đạt mục tiêu đề ra. 

Năm 2017, tuyển sinh tại các trường nghề ước thực hiện được 14.610 học viên (kế hoạch 14.500 học viên), trong đó 310 học viên hệ cao đẳng, 1.650 học viên hệ trung cấp, 12.650 học viên hệ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Số học sinh trình độ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp có việc làm ngay trên 80%. Số học viên tốt nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng ra trường có việc làm là 73%, ngang bằng với mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, một số trường nghề vẫn phải đối mặt với bài toán nan giải đó là khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Trên địa bàn tỉnh ta, không phải tất cả các trường nghề đều khó tuyển sinh. Đối với những ngành đào tạo kỹ thuật như: kỹ thuật hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô…tỷ lệ tuyển sinh hàng năm rất tốt. Điển hình như trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình tỷ lệ tuyển sinh năm học 2017 - 2018 vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao; trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Hòa Bình đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra… Tuy nhiên, nhiều trường nghề đào tạo những chuyên ngành như kinh tế, pháp luật, giáo dục, y tế… rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, điển hình như trường Trung cấp Y tế Hòa Bình. Năm học 2016 - 2017, trường Trung cấp Y tế Hòa Bình chỉ tuyển được 23 học sinh vì theo quy định tại Thông tư số 26/2015, ngày 7/10/2015 liên tịch Bộ Y tế - Bộ Nội vụ quy định mã số, chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên không tuyển dụng viên chức y tế trình độ trung cấp vào các cơ sở khám, chữa bệnh từ năm 2021. Đây là một trong những cản trở lớn ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường Trung cấp Y tế Hòa Bình.


Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Hòa Bình đầu tư, mở rộng các ngành đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của tỉnh để thu hút học sinh. Ảnh: Tiết học của lớp Quản lý, kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống khóa 19.

Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của Bộ LĐ - TB&XH, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã đạt được một số kết quả. Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đào tạo tại một số trường nghề, một số ngành đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến các trường nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh như: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp; chưa xác định được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp để tạo việc làm; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Lâu nay đa số học sinh có quan điểm học nghề là sự lựa chọn cuối cùng. Tâm lý ưa chuộng bằng cấp, coi trọng bằng đại học hơn là học nghề, chưa nhận thức đúng vị trí, hiệu quả của việc học nghề để dễ dàng tìm kiếm việc làm đảm bảo thu nhập. Các trường đại học tuyển sinh ồ ạt, có trường chỉ xét học bạ THPT khiến việc tuyển sinh của các trường nghề đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sự liên thông đào tạo giữa các cấp trình độ của hệ thống đào tạo nghề và hệ thống giáo dục chưa thống nhất nên chưa thu hút được nhiều học viên tham gia học nghề để có thể tiếp tục học lên bậc cao hơn.

Bên cạnh đó Hòa Bình là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, chưa có nguồn lực đầu tư cho con tham gia học nghề dài hạn. Các điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng thiết bị dạy nghề…còn hạn chế. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ tuyển lao động phổ thông và sơ cấp nghề do đó đã gián tiếp tác động đến tuyển sinh cao đẳng và trung cấp. Đa số các trường nghề chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong thời gian tới, để công tác tuyển sinh tại các trường nghề diễn ra một cách thuận lợi cần thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04/NQ - TU ngày 23/12/2012 của Tỉnh ủy "Về phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp; làm tốt công tác dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch tuyển sinh hàng năm phù hợp. Trường nghề cần định hướng, tư vấn và phân luồng học sinh THCS, THPT tham gia học nghề. Các trường nghề cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật trong đào tạo. Đặc biệt, đào tạo nghề phải gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước. Các trường nghề cần tạo được sự liên kết với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội. Thực hiện sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có, hướng tới giảm bớt cơ sở đầu mối theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 – NQ/TW và Nghị quyết số 19 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.ư khóa XII.


Thu Thủy

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục