Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Nguồn: TTXVN)
Ghi nhận sự cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến
Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ trong năm 2018, đó là xây dựng Chính phủ "kỷ cương, liêm chính, hành
động, sáng tạo và hiệu quả.” Trong đó, năm 2018, chú trọng cắt giảm 50% các điều
kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được coi là rào cản, không cần thiết.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng ghi nhận nỗ lực, tâm sức của
toàn ngành giáo dục trong đổi mới giáo dục, cụ thể như việc tập trung xây dựng
Chương trình giáo dục phổ thông; sửa đổi Luật Giáo dục. Đặc biệt, những đổi mới
trong giáo dục đã tiếp cận với xu thế của khu vực và thế giới.
Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;
chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, nhiều địa phương đã quyết liệt giảm
tải cho học sinh. Nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận những kết quả đổi mới của giáo
dục Việt Nam, đặc biệt Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong hai
quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục đào tạo.
Công tác hoàn thiện thể chế cũng được ngành Giáo dục quan tâm, nhiều hạn chế, bất
cập được sửa đổi, bổ sung, trong đó đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi
Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Năm 2017, ngành Giáo dục đã hoàn thành cơ
bản các nhiệm vụ được giao. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 được đổi
mới theo hướng giảm tải, giảm sức ép cho học sinh và giảm chi phí cho các địa
phương. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng đến việc chấn chỉnh
và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học; công tác kiểm định giáo dục
được đẩy mạnh hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh:
Thủ tướng giao Tổ công tác chuyển tới Bộ Giáo dục và Đào tạo 5 vấn đề mà dư luận
đang đặc biệt quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục khắc phục.
Thứ nhất là việc hình thành các tổ hợp xét tuyển "lạ" trong tuyển
sinh đại học như tuyển sinh khối C (Văn, Sử, Địa) vào học ngành tài chính kế
toán, kỹ thuật…Ngành giáo dục cần cân nhắc, xem xét kỹ vấn đề này, tránh tình
trạng để các trường lấp đầy chỉ tiêu mà tuyển sinh bằng mọi giá, bỏ qua yêu cầu
về bảo đảm chất lượng.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên, tuyển dụng giáo viên,
tình trạng dư thừa giáo viên tại một số địa phương.
Thứ ba là phẩm chất đạo đức của nhà giáo, ép học sinh học thêm, chạy trường, chạy
lớp, bạo lực với học sinh, gây mất niềm tin của xã hội. Bên cạnh đó là tình trạng
xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, hành hung giáo viên.
Thứ tư là vấn đề công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư, ngành Giáo dục cần giải trình
rõ, công khai, minh bạch để xã hội biết.
Thứ năm là việc đẩy mạnh tiến độ triển khai xây dựng các trường đại học trọng
điểm, các đại học quốc gia, đại học vùng.
Về vấn đề cải cách hành chính, ông Mai Tiến Dũng cho biết tuy ngành giáo dục đã
thực hiện được nhiều việc nhưng cần đẩy mạnh hơn trong cắt giảm điều kiện kinh
doanh, giảm thủ tục hành chính.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 241 điều kiện kinh doanh, năm 2017 đã cắt
giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện, tổng số điều kiện kinh doanh
trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn 212. Trong khi đó, yêu cầu của Chính phủ là phải
cắt giảm 50%.
Quyết liệt xử lý những vấn đề nổi cộm
Giải trình về các vấn đề Thủ tướng yêu cầu, liên quan đến đào tạo sư phạm để
tránh dư thừa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đã
làm việc với các địa phương để bảo đảm từ năm 2018, tuyển sinh phải có địa chỉ,
dựa trên nhu cầu tuyển dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể bảo đảm được vấn
đề chuyên môn cho giáo viên, còn ra trường có xin việc được hay không thì phụ
thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng của địa phương, vị thế xã hội của nghề
giáo…
Về lương giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng, trong đề án cải cách về
lương tới đây, lương của giáo viên sẽ được cải thiện. Bởi hiện nay, lương của
giáo viên mới ra trường rất thấp, muốn cải thiện phải có thâm niên, đó là bất cập
lớn.
Về vấn đề công nhận giáo sư, phó Giáo sư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:
Ngày 31/3 tới sẽ kết thúc việc rà soát hồ sơ của các ứng viên, nếu ứng viên nào
không đáp ứng tiêu chuẩn thì kiên quyết không công nhận. Hiện nay, Bộ Giáo dục
và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo
sư. Để bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ đang nghiên cứu rất kỹ, xem xét nhiều
yếu tố và sẽ sớm trình Thủ tướng phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề một số trường đại học ngoài công lập đưa ra tổ hợp tuyển
sinh "lạ,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã
trao đổi với các trường, nêu rõ quan điểm, nếu trường nào không thực hiện
nghiêm túc thì Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra và có giải pháp xử lý. Quan điểm của Bộ
là ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, công bố công
khai, minh bạch với những trường không thực hiện nghiêm quy chế tuyển
sinh.
Về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh
Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm 2018, Bộ dự kiến cắt giảm, đơn
giản hóa 91 điều kiện. Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo
đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa 120/241 điều kiện hiện hành (chiếm
49,8%).
Việc rà soát, cắt giảm không mang tính cơ học mà được xem xét cụ thể, chi tiết,
kỹ lưỡng về tính cần thiết, hợp pháp, hợp lý của từng điều kiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, giảm từ 23
xuống còn 21 đơn vị hành chính; sắp xếp lại từ 25 phòng thuộc vụ, thanh tra,
văn phòng xuống còn 10 phòng (giảm 15 phòng); các phòng trong các cục giảm từ
24 xuống còn 17 phòng (giảm 7 phòng); giảm 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Tổ công tác đánh giá cao về kết quả hoàn
thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào
tạo. Đồng thời, đề nghị Bộ tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính, điều kiện
kinh doanh gắn liền với những cơ chế chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô theo cơ
chế thị trường của Chính phủ để có giải pháp cắt giảm, tạo điều kiện tốt hơn nữa
cho người dân trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu những ý kiến đóng góp từ Tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ sẽ mạnh dạn cắt giảm
các điều kiện kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện hơn cho các
nhà đầu tư trên tinh thần đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc học
sinh./.
TheoVietnamplus
Theo một số hiệu trưởng trường THPT, học sinh có xu hướng lựa chọn bài thi môn xã hội tăng hơn mọi năm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các em nên chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp năng lực để tránh lãng phí.