Giáo viên trường mầm non Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn) tích cực làm đồ dùng dạy học, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo đó, một số cuộc thi như "Giải toán trên máy tính cầm tay”, "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học và cuộc thi Dạy học tích hợp dành cho giáo viên trung học”, "Giải toán qua mạng internet”… đều được định hướng là tùy theo điều kiện thực tế có thể tổ chức thi cấp trường, cấp huyện/thành phố và không tổ chức thi cấp tỉnh. Văn bản này sau khi ban hành đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ trong ngành giáo dục tỉnh nhà.
Theo kết quả đánh giá sơ kết học kỳ năm học 2017 - 2018, ở cấp tiểu học có 98,6% học sinh xếp loạt đạt, tốt về năng lực; 98,5% học sinh xếp loại đạt, tốt về phẩm chất. Học sinh xếp loại học lực khá, giỏi ở bậc THCS chiếm gần 50%, ở bậc THPT chiếm gần 46%. Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của ngành GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Một trong những động thái thiết thực đó là giảm tải các cuộc thi.
Đồng chí Bùi Huy Trọng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cho biết: Việc tổ chức các cuộc thi sẽ góp phần thúc đẩy phong trào thi đua "Dạy tốt – Học tốt” trong nhà trường. Khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học sinh, là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi. Tuy nhiên, nếu tổ chức quá nhiều các cuộc thi sẽ là áp lực lớn đối với giáo viên và học sinh khi vừa phải hoàn thành chương trình năm học, vừa giành thời gian, công sức chuẩn bị dự thi. Do đó, các cuộc thi, nội dung thi cần được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế từng nhà trường, địa phương.
Tiếp thu những ý kiến phản hồi từ học sinh, phụ huynh, giáo viên, thời gian gần đây, ngành GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực để từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc khắc phục bệnh thành tích được ngành cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục cho từng năm học, từng học kỳ, đảm bảo thực chất, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của đơn vị, trường học. Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh; không lấy kết quả các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng. Thực hiện tốt kỷ cương, nền nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục.
Trong học kỳ I năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT đã tiến hành 20 cuộc thanh tra, trong đó có 10 cuộc thanh tra hành chính, 10 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 83 đơn vị. Các phòng GD&ĐT huyện, thành phố tiến hành kiểm tra tại 116 cơ sở giáo dục trực thuộc. Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong giảng dạy.
Hiện nay, nhằm khắc phục bệnh thành tích, các nhà trường đã và đang tiến hành xây dựng, công bố công khai các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, có đầy đủ cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp thực tế; thành tích của cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó. Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Ngoài ra, ngành cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ dung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.
Dương Liễu