Không còn điểm sàn chung, nhiều trường sẽ "vét” thí sinh bằng mọi cách. Ảnh: Nghiêm Huê.
Điểm sàn: chưa được5 điểm/môn
Tại cổng thông tin thituyensinh.vn của Bộ GD&ĐT, đề án tuyển sinh của trường ĐH Kiên Giang đưa ra rất rõ thông tin về tuyển sinh năm 2018. Cụ thể, trường có hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ lớp 12 THPT và xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia.
Với phương thức xét tuyển học bạ lớp 12, điểm sàn là 15 điểm cho tổ hợp 3 môn xét tuyển, với phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, điểm sàn nộp hồ sơ vào trường là 13.5 điểm/tổ hợp 3 môn, tức là trung bình 4.5 điểm/môn thi.
Trường có một ngành đào tạo giáo viên là sư phạm Toán với 30 chỉ tiêu, sử dụng hai phương thức xét tuyển nhưng trong đề án không thấy thông báo điều kiện để xét tuyển vào ngành sư phạm như Bộ GD&ĐT quy định trong quy chế tuyển sinh. Đó là với phương thức xét tuyển bằng học bạ, bậc ĐH phải là học sinh giỏi, còn phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định.
Cũng trong cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đề án tuyển sinh của trường ĐH Bình Dương thông báo 3 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT, xét tuyển dựa trên kết quả học tập năm lớp 12.
Đáng chú ý, với 2 phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập, điểm sàn nhận hồ sơ của trường chỉ 12 điểm/tổ hợp ba môn với khung điểm tối đa là 30. Điều này có nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt 4 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển của trường là đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Thậm chí, trường ĐH Nam Cần Thơ còn không công bố mức điểm sàn đối với hình thức xét tuyển bằng học bạ. Trường ĐH Nam Cần Thơ có 4 phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ: xét tuyển theo điểm tổ hợp môn của 02 học kỳ lớp 12; xét tuyển theo điểm tổ hợp môn của 04 học kỳ cuối cấp; xét tuyển theo điểm trung bình 03 học kỳ; xét tuyển theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Điều kiện nhận đăng ký xét tuyển: thí sinh đã tốt nghiệp THPT.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào:Căn cứ vào danh sách thí sinh đăng ký xét, Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ GD&ĐT năm 2017, có quy định đối với những trường ĐH sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.0 đối với trình độ ĐH (theo thang điểm 10).
Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo
Có một thực tế là hiện nay, do được tự chủ tuyển sinh nên rất nhiều trường ĐH sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Điều này tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng đồng thời cũng tăng cơ hội tuyển được người học đối với các trường ĐH.
Nhận định về vấn đề này, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho rằng dư luận xã hội thừa nhận kết quả học bạ THPT của các địa phương chưa đủ độ tin cậy cần thiết để đánh giá chất lượng của một người học. Do vậy, khi tuyển sinh, lại căn cứ vào cơ sở không khách quan, thậm chí có cả tiêu cực thì chắc chắn chất lượng đầu vào không phản ánh khách quan chất lượng của người học.
Thứ hai, đối với những trường sử dụng đồng thời hai phương thức xét tuyển: kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ là bất hợp lý. Vì cùng một mục tiêu, cùng một đối tượng nhưng sử dụng hai thang đo sẽ dẫn đến hệ quả khập khiễng chất lượng đầu vào, không đồng nhất chất lượng đầu vào.
Trả lời về hiện tượng một số trường ĐH đang tìm mọi cơ hội để vét thí sinh trong mùa tuyển sinh 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết khi giao quyền tự chủ cho các trường, cơ quan quản lý, đều tin tưởng đa số các trường đề cao chất lượng khi thực hiện tự chủ.
Mặt khác khó tránh khỏi có những trường biết sẽ không tốt nếu tuyển sinh đầu vào thấp nhưng vẫn phải làm để cứu được tình thế trước mắt. Cơ chế quy định các trường được công bố đề án tuyển sinh nhưng phải báo cáo Bộ để Bộ giám sát, thống kê, kiểm tra quá trình thực hiện.
Với những trường Bộ nhận thấy có "vấn đề”, Vụ Giáo dục ĐH sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình.