Tại trường tiểu học và trung học cơ sở xã Phú Lai (trường đầu tiên của huyện được công nhận là trường liên cấp đạt chuẩn quốc gia hồi tháng 3/2018), đoàn công tác của tỉnh đã nghe lãnh đạo nhà trường, phòng GD &ĐT, UBND huyện cùng lãnh đạo xã Phú Lai nêu lên những thuận lợi và khó khăn khi sáp nhập trường. Theo đó, việc sáp nhập đã khắc phục được tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp; phát huy được hiệu quả trang, thiết bị, đồ dùng dạy học, góp phần tinh giản biên chế bộ máy cán bộ lãnh đạo, nhân viên, giáo viên. Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn khi các trường sáp nhập đó là tâm lý cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh còn e ngại. Việc sắp xếp, bố trí việc làm cho cán bộ, giáo viên khó khăn. Điều kiện giảng dạy của 2 cấp học khác nhau, số lượng cán bộ, giáo viên đông nên các buổi giao ban, hội họp chưa sâu sát...
Tại buổi làm việc, huyện Yên Thủy cũng kiến nghị với đoàn công tác của tỉnh về việc cho ý kiến chỉ đạo về quy mô trường, lớp theo các quy định chưa đồng bộ, đề nghị Sở GD &ĐT tiếp tục có các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các môn đặc thù ở hai cấp. Đề nghị Sở Nội vụ có cơ chế, chính sách điều chỉnh phụ cấp đứng lớp cho giáo viên dạy ở 2 cấp và tăng phụ cấp cho hiệu trưởng trường tiểu học và trung học cơ sở.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những kết quả đạt được trong công tác sáp nhập trường học trên địa bàn huyện Yên Thủy. Đến nay, huyện Yên Thủy đã sáp nhập được 12 trường thành 6 trường, trong đó có 4 trường mầm non thành 2 trường, 4 trường tiểu học và 4 trung học cơ sở. Hiện, huyện có 39 trường học, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, giảm 7 trường so với năm 2015, giảm 7 hiệu trưởng, 10 hiệu phó và 18 nhân viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 51,3%.
Những kiến nghị, đề xuất của huyện đã được đoàn công tác tiếp thu và sẽ bàn bạc, điều chỉnh trong cuộc làm việc sắp tới của UBND tỉnh với Sở GD &ĐT.
Xuân Thiên (Đài Yên Thủy)