Hôm qua tôi đi họp phụ huynh cho con, buổi họp tổng kết cả năm học nên mọi người đến đông đủ. Ai cũng sốt ruột muốn biết kết quả học tập của các con, tìm hiểu về tuyển sinh lên lớp 6, cách thức tuyển sinh nộp hồ sơ đầu cấp.
Tôi đến sớm khi phòng học mới lác đác chừng 10 phụ huynh, có cả các ông bà đi họp cho cháu. Tôi kịp trò chuyện chớp nhoáng với bà nội đi họp, bận dắt kèm thêm một cháu nhỏ đi cùng. Bà nói chuyện có vẻ rầu rĩ: "Cháu nhà tôi năm nay bị "điểm liệt" cô ạ, chẳng được thành tích gì”. Tôi giật mình: "Sao cháu bà điểm thấp vậy sao, điểm môn gì mà là "điểm liệt"?”. Bà thở dài: "Cháu được điểm 7 môn tiếng Anh, các môn khác toàn 9, 10, thế là liệt rồi, không đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, thế là không có phần thưởng nào của cơ quan bố mẹ cháu, chán quá...”.
Lần đầu tiên tôi được nghe đến điểm 7 gọi là "điểm liệt". Hóa ra phụ huynh khao khát tờ giấy khen đánh giá con là học sinh xuất sắc để còn sĩ diện với bạn bè đồng nghiệp, với hàng xóm xung quanh đến mức thần thánh điểm số. Và cha mẹ luôn cảm thấy bất mãn, bực bội, thậm chí là uất ức tức giận khi con tuột danh hiệu.
Cô giáo như thường lệ, thông báo phong trào hoạt động của nhà trường, chuyển tải đến phụ huynh một số vấn đề mới về bạo lực học đường và cách phòng tránh tai nạn thương tích khi trẻ đến trường, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Phụ huynh im lặng lắng nghe, đọc tài liệu cô phát, không khí trong lớp xôn xao vài câu hỏi nhỏ.
Rồi cô giáo lấy ra một xấp giấy kiểm tra của cả lớp, cô kể đây là những ước mơ của các con viết về bố mẹ, mời các vị phụ huynh cùng lắng nghe:
- Bố mẹ ơi, con không đạt học sinh xuất sắc, con biết bố mẹ không vui nhưng con đã cố gắng hết sức rồi.
- Em mong bố mẹ đừng đánh chửi em.
- Em muốn bố mẹ đừng cãi nhau và yêu thương em.
- Bố mẹ em 8 giờ tối là ngồi lướt điện thoại, không để ý gì đến em. Em muốn bố mẹ quan tâm đến em.
- Mẹ bảo em là con gái mà chẳng dịu dàng, cứ như con giặc cái, em không thích thế.
- Em nói với bố mẹ là em đã chăm học và cố gắng hết sức nhưng bố mẹ không tin em.
- Em rất muốn tâm sự với bố mẹ nhưng bố mẹ bận rộn suốt, em đành phải im lặng...
Mọi người chợt lặng đi khi nghe con trẻ mơ ước, những ước mong rất giản dị mà người lớn vô tình không để ý, các con mong được bố mẹ yêu thương gần gũi, không đặt áp lực điểm số thành tích cho các con. Cha mẹ bao lâu nay vẫn giữ nếp suy nghĩ cũ xưa "Yêu cho roi cho vọt"...
Mấy anh chị ngồi gần tôi trầm trồ, không ngờ lũ trẻ nói ra suy nghĩ "người lớn" như thế, cứ tưởng chúng vẫn ngây thơ, ham chơi ham nghịch, có biết gì đâu mà nói...
Tôi trêu cô giáo chủ nhiệm, giá cô phát lại tờ ước mơ của các con cho bố mẹ, để bố mẹ còn tự điều chỉnh thì tốt quá. Cô giáo cười xòa, đây là bí mật của cô giáo và các con, cô đã hứa giữ bí mật rồi.
Tôi nghĩ, chắc sẽ rất nhiều bố mẹ "chột dạ" giống tôi, đúng là mình còn hay quát mắng, đánh con khi con mắc lỗi, điểm kém, thờ ơ với những câu hỏi của con, vợ chồng tức nhau là cãi nhau ỏm tỏi trước mặt con, mặc kệ khi con buồn bã, chán nản, chưa gần gũi động viên hay hướng dẫn con học. Chúng ta vẫn nghĩ, chỉ cần đáp ứng đầy đủ tài chính cho việc học của con là ổn thỏa, đâu cần biết con ao ước điều gì từ bố mẹ. Có khi một món quà đắt tiền không làm trẻ vui bằng việc được cha mẹ trò chuyện mỗi ngày, tin tưởng con, yêu thương con.
Buổi trưa, tôi sai con nhặt rau, rửa rau giúp mẹ. Tôi làm cùng con và hỏi con, con có viết về bố mẹ không, con mong mỏi điều gì, hôm nay cô giáo đọc trước lớp nhiều ước mơ lắm, mẹ không biết đâu là ước mơ của con. Con nói: "Con biết rồi, ước mơ này của bạn A, ước mơ này của bạn T., vì các bạn hay kể cho nhau nghe. Con có viết nhưng bây giờ con quên rồi”. Tôi bảo: "Sao con quên nhanh thế, mẹ muốn biết ước mơ của con đấy.” Con trai nhìn mẹ bằng ánh mắt thăm dò, một lúc con mới nói: "Bố cứ hay mắng con, con không thích mẹ ạ”.
Buổi họp phụ huynh cuối năm kết thúc, không biết có phụ huynh nào giống tôi không, cứ cảm thấy trăn trở day dứt, có chút ân hận khi được lắng nghe biết bao ước mơ con trẻ? Cha mẹ có sẵn sàng thay đổi hành vi, nhận thức, từ những cư xử đời thường để thực sự yêu thương, gần gũi với các con? Cha mẹ có sẵn sàng cởi bỏ áp lực điểm số thành tích để các con được yên tâm, thoải mái học hành, được vui vẻ khi tới trường, được cha mẹ tôn trọng sở thích cá nhân?