Việc thu học phí bậc THCS nói riêng, các bậc học nói chung trên địa bàn tỉnh ta năm học 2018 - 2019 được thực hiện theo Quyết định số 11/QĐ - HĐND ngày 28/6/2018 của HĐND tỉnh. ảnh: Một giờ học của học sinh trường TH &THCS Tân Thành, xã Tân Thành (Lương Sơn).
Nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính đầu năm học 2018 – 2019, ngày 24/7/2018, Sở GD &ĐT đã ban hành Công văn số 1283 hướng dẫn khá chi tiết về các khoản thu, chi tài chính đầu năm học. Khảo sát sơ bộ tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, việc triển khai các khoản thu nộp đầu năm học được thực hiện khá nghiêm túc theo đúng quy định. Mức đóng góp đầu năm học phổ biến từ 1, 5 – 5 triệu đồng tùy từng địa phương, trường học, bậc học và lớp học (bao gồm cả sách giáo khoa và đồng phục). Các lớp học đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 đóng góp cao hơn do khoản tiền đồng phục, mua sắm trang thiết bị cho lớp học…
Việc thu nộp từ đầu năm học đến nay thường được các nhà trường chia thành 2 – 3 đợt để "giảm tải” cho phụ huynh, một số khoản được thông báo sẽ thu vào cuối học kỳ 1. Do đó, năm học này nhìn chung phụ huynh không cảm thấy quá căng thẳng với việc đóng góp cho con. Trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình vào ngày 21/9, đồng chí Nguyễn Văn Chắp, Chánh Thanh tra Sở GD &ĐT cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Sở chưa nhận được đơn, thư khiếu nại hoặc kiến nghị về việc lạm thu năm học 2018 – 2019. Rút kinh nghiệm từ năm học trước, năm nay các nhà trường đã thu, chi đầu năm học đúng theo quy định. Ngay sau khai giảng, Sở GD &ĐT đã tiến hành kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ năm học tại các địa phương, nhà trường, trong đó, đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện thu, chi. Đến nay chưa phát hiện sai phạm về thu, chi đầu năm học 2018 – 2019.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, qua ghi nhận của phóng viên, việc thu, chi đầu năm học 2018 – 2019 vẫn còn một số khoản thu khiến phụ huynh băn khoăn. Công văn số 1283 của Sở GD &ĐT nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, năm học này khá nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hòa Bình trang bị ti vi hoặc máy chiếu cho các phòng học. Kinh phí này do phụ huynh đóng góp dao động từ 300.000 – 400.000 đồng /học sinh để Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đứng ra mua sắm, lắp đặt. Ngoài ra, do thiếu nhân viên bảo vệ, nấu ăn nên các địa phương phải ký hợp đồng lao động và tự chủ kinh phí chi trả. Ngân sách của ngành eo hẹp nên một số địa phương như huyện Kỳ Sơn đã vận động phụ huynh đóng góp từ 100.000 – 200.000 đồng /cháu/ năm để hỗ trợ nhà trường trả lương cho bảo vệ và cô nuôi. Một số trường học cũng thu quỹ khen thưởng từ 50.000 – 100.000 đồng /cháu… Những khoản thu này tuy không quá lớn nhưng cũng khiến khá nhiều phụ huynh băn khoăn khi có trường thu, có trường không thu.
Ngoài ra, tiếp tục "nóng” nhất năm học này là khoản thu bảo hiểm thân thể cho học sinh. Ngày 24/5/2018, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã có Công văn số 430 về việc "Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh việc các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thu tiền bảo hiểm thân thể của học sinh năm học 2017 – 2018”. Trong đó nêu rõ: "Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hòa Bình đã nhận được nhiều thông tin của Hội cha mẹ học sinh phản ánh về việc các trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn đưa khoản thu bảo hiểm thân thể học sinh vào các khoản thu đầu năm của nhà trường và giao cho giáo viên chủ nhiệm thu (các trường ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm thân thể với một số đơn vị như Công ty bảo hiểm Bảo Việt Hòa Bình, Ngân hàng NN &PTNT Chi nhánh Hà Nội, Công ty bảo hiểm BIDV Tây Bắc…
Việc các trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền bảo hiểm thân thể cho học sinh là vi phạm Mục 3, Công văn số 4660/ BGD&ĐT ngày 10/9/2015 của Bộ GD &ĐT; vi phạm khoản 3, điểm A, Công văn số 1477, ngày 22/8/2017 của Sở GD &ĐT. Đây là khoản thu tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm vì vậy không được đưa khoản thu này vào các khoản thu đầu năm của nhà trường, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu”.
Tuy nhiên thực tế là đầu năm học 2018 – 2019, phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn có việc giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu tiền bảo hiểm thân thể cùng với các khoản đóng góp đầu năm học. Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, ngày 12/9, Sở GD &ĐT tiếp tục có Công văn số 1626 về việc "triển khai công tác thanh tra, kiểm tra dạy thêm, học thêm và thu, chi đầu năm học 2018 – 2019”. Trong đó chú ý các điểm nóng, các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ sở giáo dục cố tình vi phạm; tổ chức kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Liên quan đến các khoản thu đầu năm học, nhiều phụ huynh băn khoăn về thông tin miễn đóng học phí đối với bậc THCS. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD &ĐT cho biết: Hiện nay mới có TP Hồ Chí Minh đang thực hiện các thủ tục để tiến tới miễn học phí cho học sinh bậc THCS trên địa bàn, nguồn kinh phí bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách thành phố. Tại tỉnh ta, việc thu học phí năm học 2018 – 2019 được thực hiện căn cứ theo Quyết định số 11/QĐ –HĐND ngày 28/6/2018 của HĐND tỉnh. Các đối tượng được miễn, giảm học phí thì thực hiện đúng theo nội dung Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/10/2015 và Thông tư liên tịch số 09 ngày 30/3/2016 của liên Bộ GD &ĐT – Tài chính – LĐ -TB&XH.
P.V