Thư viện trường tiểu học Yên Lạc (Yên Thủy) đạt thư viện xuất sắc, tại đây có gần 15.000 cuốn sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tế của hộ dân để có biện pháp lãnh đạo phù hợp.
Thư viện trường tiểu học Yên Lạc là một trong những thư viện xuất sắc tiêu biểu của huyện Yên Thủy. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường vẫn ưu tiên bố trí để phòng thư viện đảm bảo yêu cầu. Đồng chí Hoàng Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường tiểu học Yên Lạc là một trong những trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất huyện. Trung bình mỗi năm nhà trường có 22 lớp với khoảng 730 học sinh. Do vậy, trường quan tâm xây dựng thư viện đảm bảo diện tích, chỗ ngồi đọc, trang thiết bị và đặc biệt là không ngừng bổ sung đầu sách. Thư viện nhà trường hiện có gần 15.000 cuốn sách giáo khoa, nghiệp vụ giáo viên, tài liệu tham khảo, truyện thiếu nhi, pháp luật, báo, tạp chí… Lượng sách của thư viện qua mỗi năm học tăng từ 15 – 20%. Thư viện mở cửa thường xuyên, có cây sách di động ngoài trời tiện cho học sinh tìm đọc. Trong tuần, mỗi lớp sẽ có 1 tiết đọc sách thư viện.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Huy Trọng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Hiện nay, các trường đều bố trí kho sách đảm bảo theo quy định của thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc. Trong đó, 17/22 thư viện có tổng diện tích từ 120 m2 trở lên. Các trường có đầy đủ các loại giá sách, tủ sách, biểu bảng, tủ phích mục lục, máy tính kết nối mạng internet phục vụ công tác thư viện. Phòng đọc bảo đảm được ánh sáng tự nhiên, bóng điện, bàn ghế đầy đủ đúng quy cách. Thư viện bố trí 2 phòng. ở cả 2 phòng đều có sách và có chỗ ngồi đọc dành cho giáo viên và học sinh, có kết nối mạng internet. Sách, báo, tạp chí được trưng bày vào tủ hoặc giá. Các thư viện tiên tiến, xuất sắc đều trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ nghe nhìn gồm tivi, đầu đĩa, vi tính, máy in, máy chiếu, màn chiếu. Trang thiết bị đảm bảo học sinh và giáo viên có thể đọc sách hoặc xem tivi, lên mạng đọc báo. Việc xây dựng tủ sách góc lớp, cây sách di động được triển khai thực hiện ở tất cả các nhà trường. Tuy nhiên, chất lượng chưa cao, việc sử dụng chưa hiệu quả. Công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn của các chi điểm trường ở cách xa nhau. Một số nhà trường chưa thật sự quan tâm đầu tư, khai thác và sử dụng các tủ sách góc lớp và tủ sách di động.
Hiện nay, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm thư viện có trình độ từ trung cấp trở lên. Thư viện có đủ các loại sổ sách quản lý theo đúng quy định. 100% tài liệu thư viện được đăng ký phân loại mô tả qua phần mềm thư viện. Sổ đăng ký sách được in từ phần mềm nên rất khoa học và sạch đẹp… Các nhà trường thực hiện tốt việc xây dựng thư mục giới thiệu sách phục vụ cho công tác dạy và học. 100% thư viện hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, phục vụ bạn đọc, giáo viên và học sinh theo lịch. Trung bình mỗi năm, toàn huyện mua bổ sung gần 5.000 bản; số sách, báo, tạp chí tài trợ, ủng hộ tại thư viện các nhà trường mỗi năm gần 2.000 bản. 22/22 thư viện trường học có đầy đủ sách giáo khoa phục vụ công tác dạy và học. Tỷ lệ sách nghiệp vụ/tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 19.300/572, tương ứng 33 bản/1 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ sách tham khảo/tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là 25.472/ 9.311, tương ứng 2,7 bản/1 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác xây dựng thư viện tại huyện như: Một số nhà trường chưa có nhân viên thư viện chuyên trách, do đó việc tuyên truyền, giới thiệu sách, xây dựng thư mục, đặc biệt là khai thác sử dụng phần mềm còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư nguồn sách, báo mới chưa được thường xuyên, vẫn mang tính hình thức. Tỷ lệ sách, báo, tạp chí cũ còn nhiều, sách nghiệp vụ đầu tư không đồng đều các bộ môn đối với THCS, sách tham khảo cũng chưa phong phú.
Dương Liễu