(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, toàn ngành GD&ĐT tỉnh ta hiện có hơn 4.000 nhà vệ sinh tại các trường học, nhưng có đến 1.721 nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng cần cải tạo và xây mới. Con số này nói lên thực tế đáng báo động về hiện trạng, chất lượng nhà vệ sinh trường học hiện nay.


Nhà vệ sinh trường THCS Mỵ Hòa (xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi) được quan tâm đầu tư xây dựng đạt chuẩn.

Báo động chất lượng nhà vệ sinh trường học 

Tính đến tháng 10/2018, toàn ngành GD&ĐT có 699 trường học, trong đó có 225 trường mầm non, 132 trường tiểu học, 102 trường TH&THCS… với 158.977 học sinh. Theo kết quả khảo sát của ngành GD&ĐT, rất nhiều công trình nhà vệ sinh hiện có do nhà trường và nhân dân tự xây, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của các trường, lớp học. Các nhà vệ sinh đa phần là nhà tạm, được xây dựng từ rất lâu, đã xuống cấp nghiêm trọng. Đa số nhà vệ sinh được xây dựng bằng gạch ba - vanh dựng dọc, gạch chỉ xây nghiêng và bằng vách che tạm. Một số nhà vệ sinh có mái lợp ngói prô ximăng và không có mái với 2 gian xí, phía ngoài xây tường lửng bao che làm khu tiểu. Nguồn nước sinh hoạt của các trường đều sử dụng giếng đào, giếng khoan và nước tự chảy. Có trường lưu lượng nước không đủ sử dụng vào các mùa khô và không có giếng, phải đi xin nước từ các hộ quanh trường về sinh hoạt… Nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng nên thực tế nhiều học sinh "nhịn”, không dám đi vệ sinh ở trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Quách Văn Danh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn cho biết: Cơ sở vật chất của ngành đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn huyện hiện có gần 100 phòng học xuống cấp, trong khi mỗi năm tăng 800 - 1.000 học sinh. Các công trình nhà vệ sinh cũng hư hỏng, xuống cấp. Theo số liệu rà soát, toàn huyện có 289 công trình vệ sinh trường học đã xuống cấp cần cải tạo, xây mới (cải tạo 99 công trình, xây mới 190 công trình). Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là nhà vệ sinh ở bậc học mầm non. Toàn huyện hiện có 120 công trình nhà vệ sinh trường học ở bậc mầm non đã xuống cấp cần cải tạo, xây mới (38 công trình cần cải tạo, 62 công trình cần xây mới). Chất lượng nhà vệ sinh không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường sư phạm, chất lượng hoạt động của nhà trường. Các nhà trường đã nhận được nhiều phản ánh, phàn nàn của phụ huynh về chất lượng nhà vệ sinh trường học không đảm bảo.

Tình trạng nhà vệ sinh trường học xuống cấp đang diễn ra tại 11/11 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó xếp sau Lạc Sơn là huyện Đà Bắc với 262 công trình vệ sinh trường học xuống cấp cần cải tạo, xây mới; huyện Tân Lạc 212 công trình xuống cấp; huyện Kim Bôi 185 công trình cần cải tạo, xây mới; huyện Mai Châu 141 công trình cần cải tạo, xây mới… Khối các nhà trường trực thuộc Sở GD&ĐT cũng có đến 111 công trình nhà vệ sinh trường học đã xuống cấp cần cải tạo, xây mới.

Cần khẩn trương cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh trường học

Năm học 2018 - 2019 đã được hơn 2 tháng. Bên cạnh những vấn đề đang được ngành GD&ĐT quan tâm triển khai đó là nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục tiêu cực trong thi cử, ứng xử đạo đức nhà giáo - học sinh… thì vấn đề cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh trường học được đặc biệt quan tâm.

Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 8/8/2018 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2018; Thông báo số 5246/TB-VPUBND ngày 23/8/2018 của Văn phòng UBND tỉnh về việc Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT; Thông báo số 5831/TB-VPUBND ngày 14/9/2018 của Văn phòng UBND tỉnh về việc Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu tại buổi kiểm tra công trình vệ sinh trường, lớp học tại huyện Lạc Sơn… đều khẳng định sự cần thiết cũng như cần tập trung, huy động nguồn lực cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh trường học.

Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ thực tế rà soát cho thấy, việc đầu tư xây dựng công trình cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh trường học ngành GD&ĐT giai đoạn 2018 - 2020 là hết sức cần thiết và cấp bách. Sở GD&ĐT đã xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% trường học có đủ nhà vệ sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phù hợp với chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2018 - 2020 là đầu tư, cải tạo, sửa chữa và xây mới 1.721 công trình (trong đó cải tạo, sửa chữa 680 công trình, xây mới 1.041 công trình) với tổng mức đầu tư dự kiến gần 328 tỷ đồng. Dự kiến nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác hơn 23 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố gần 290 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 15 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự kiến 2 địa phương đang "nóng” nhất với vấn đề nhà vệ sinh trường học hiện nay là huyện Lạc Sơn và Đà Bắc sẽ được ưu tiên đưa vào kế hoạch xây dựng trong năm 2018. Theo đó, dự kiến năm 2018 huyện Đà Bắc sẽ khởi công cải tạo, xây mới 73 công trình nhà vệ sinh trường học; huyện Lạc Sơn khởi công cải tạo, xây mới 99 nhà vệ sinh trường học.

Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ưu tiên kinh phí hoạt động được cấp trong năm, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong trường học trong năm học 2018 - 2019.

Các nhà vệ sinh được cải tạo, xây mới theo thiết kế phù hợp với quy hoạch chung của các trường, điểm trường phụ, chi lẻ. Được ưu tiên bố trí nơi thoáng mát, cuối hướng gió, đảm bảo sự thông gió và chiếu sáng tự nhiên; thuận tiện cho học sinh tiếp cận sử dụng. Nhà vệ sinh bố trí riêng biệt khu vệ sinh nam và nữ (không tính trường mầm non), phải được bố trí ngăn cách, có lối ra vào độc lập. Bồn rửa phải được đặt cố định và an toàn để đảm bảo sử dụng lâu dài; hệ thống kỹ thuật khu vệ sinh phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đặc biệt, nhà vệ sinh phải được thiết kế đảm bảo cho trẻ khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng; có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thông gió tốt.

                                                                                                 Dương Liễu

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục