(HBĐT) - Trường THPT Công Nghiệp Hoà Bình tiền thân là trường Thanh niên vừa học, vừa làm thị xã Hòa Bình được thành lập ngày 27/8/1970. Ngay trong những ngày đầu thành lập, tuy chỉ có một dãy nhà lớp học đơn sơ, một xưởng trường bên bờ đê Đà Giang, nhưng thầy và trò nhà trường đã bắt tay vào thực hiện tốt nhiệm vụ: vừa học tập, vừa lao động, sản xuất. Ngày 25/8/1971, trường được đổi tên thành trường cấp III phổ thông vừa học, vừa sản xuất công nghiệp thị xã Hòa Bình. Năm 1976, tỉnh Hoà Bình hợp nhất với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, trường được đổi tên thành trường cấp III Công Nghiệp B Hà Sơn Bình. Với những thành tích xuất sắc của thầy và trò, năm 1979, nhà trường đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.


Cự học sinh khóa 1976-1979 gặp gỡ, tìm hiểu và chia sẻ với cán bộ, giáo viên, học sinh về quá trình xây dựng và phát triển của trường THPT Công Nghiệp Hòa Bình.

Để phục vụ cho việc tiến hành xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình, nhà trường đã nhường địa điểm cho công trình thế kỷ và đã phải di chuyển nhiều nơi, song  vẫn  hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ được giao. Năm 1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập, trường được mang tên trường THPT Công Nghiệp Hoà Bình. Nhiệm vụ của nhà trường thay đổi, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp dạy nghề được bàn giao. Nhà trường chỉ tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ giáo dục văn hoá cho học sinh. Từ năm học 1992-1993, nhà trường đã đề xuất, được sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cho phép được mở hệ chuyên bán công đầu tiên trong cả nước. Chất lượng giáo dục toàn  diện  của nhà trường được nâng lên. Nhà trường được xếp vào tốp các trường dẫn đầu khối THPT của tỉnh. Từ năm 1991 - 1992, nhà trường liên tục giữ vững trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh. Các năm học 1996 - 1997, 2005 - 2006, 2007 - 2008, 2008 - 2009, trường được nhận cờ đơn vị dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh. Hai tổ chuyên môn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và  nhiều danh hiệu thi đua khác cho tập thể và cá nhân. Năm 2000, nhà trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
  
Từ năm học 2004-2005, nhà trường bắt đầu chuyển sang mô hình lớp chất lượng cao. Đây là các lớp được tuyển chọn học sinh có năng lực học tập, ý thức tu dưỡng rèn luyện, được đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giỏi, được học tập theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định, do nhà trường biên soạn nhằm đạt hiệu quả cao thi tuyển đại học và thi học sinh giỏi. Nhà trường luôn giữ vững trường tiên tiến xuất sắc và đơn vị dẫn đầu khối giáo dục THPT toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học của nhà trường ngày càng được trang bị hiện đại, cảnh quan sư phạm khang trang. Năm học 2005-2006, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, năm 2010, trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Đảng bộ nhà trường liên tục nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ TP Hòa Bình. Trong suốt 49 năm qua, nhà trường đã đào tạo được hàng nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, tham gia học tập, lao động sản xuất và chiến đấu trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. 

Gắn bó với chặng đường 49 xây dựng, phát triển và trưởng thành của trường THPT Công Nghiệp Hoà Bình, tập thể học sinh khoá học 1976 -1979 là những người sinh ra và lớn lên trong những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ đã được chứng kiến khí thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của lớp lớp cha anh, cùng được hòa chung với khí thế của phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng”, phụ nữ "Ba đảm đang”, thiếu niên "Nghìn việc tốt” và cùng vỡ òa với niềm vui chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Ba năm trong mái ấm cấp III Công nghiệp B Hà Sơn Bình với đầy ắp những kỷ niệm về thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu. Mùa hè năm 1978, học sinh khóa 1976-1979 cùng các thầy, cô từ thị xã Hòa Bình vượt qua dốc Cun để tham gia đóng gói cam tại Nông trường Cao Phong. Giờ đây, Cao Phong đã trở thành "thủ phủ” của vùng cây có múi lớn nhất tỉnh và thương hiệu cam Cao Phong đã để lại dấu ấn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đó cũng là những lần học sinh khóa 1976-1979 cùng nhau cơm đùm, cơm nắm, bi đông nước uống, dao liềm trên vai hành quân cùng các thầy, cô ngược sông Đà lên xóm Vôi, xóm Tháu để phát cây, chặt nứa... chuẩn bị cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình. 40 năm đã trôi qua, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình thế kỷ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đặc biệt, dưới mái trường vừa học, vừa làm, thầy, trò với những giờ học say sưa, những giờ thực hành thí nghiệm, những buổi lao động áo thấm mồ hôi trong xưởng may, xưởng mộc, xưởng cót ép, những chiều gánh cát ven sông Đà... là những bước khởi đầu để học sinh khóa 1976-1979 trưởng thành theo năm tháng. Năm 1979, cuộc chiến tranh chống quân xâm lược tại các tỉnh biên giới phía Bắc đi vào giai đoạn khốc liệt, cả nước tổng động viên… Nhiều học sinh khóa 1976-1979 đã tạm xếp bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và tham gia chiến đấu anh dũng trên các mặt trận. Có những người đã hy sinh oanh liệt, có những người đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Tốt nghiệp năm 1979, hơn 200 học sinh của 5 lớp khoá học 1976 -1979, mỗi người đều có một ước mơ, một khát vọng. Ra trường mỗi người mỗi ngả, người vào đại học, cao đẳng, trung cấp, người  vào quân đội, công an, có người thì ở lại địa phương tham gia lao động, sản xuất, giúp đỡ gia đình… 

40 năm đã trôi qua, học sinh khóa 1976-1979 luôn nhớ mãi công lao của các thầy giáo, cô giáo đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành đạt, có ý chí, có nghị lực, có nhân cách làm người, biết trân trọng với cội nguồn, trân trọng mái trường xưa. Từ đó, nhiều học sinh trong khóa đã trở thành các nhà khoa học, là cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong và ngoài tỉnh, là sỹ quan trong LLVT, doanh nhân và những người lao động giỏi... Và hôm nay, tất cả đều mong muốn nhà trường tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, kiên trì phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra để khẳng định được vị thế trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện.

                                                                                                 ĐP
 

* THÀNH TÍCH TRƯỜNG THPT CÔNG NGHIỆP ĐÃ ĐƯỢC GHI NHẬN
- Năm 1979, nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
- Năm 2000: Huân chương Lao động hạng nhì.
- Năm 2010: Huân chương Lao động hạng nhất.
- Giai đoạn 2000 - 2010:  công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
- Năm học 2013-2014 và năm học 2017-2018: tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ.
 - Các năm học 1996-1997; năm học 2004-2005; năm học 2007-2008; năm học 2008-2009; năm học 2011-2012; năm học 2012-2013; năm học 2013-2014 được tặng thưởng Cờ thi đua của UBND tỉnh Hòa Bình đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.

                                                                                          Đ.P (TH)


Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục