Các bị can rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà tẩy xóa, sửa chữa lại theo đáp án của Bộ GD-ĐT. Khi tổng hợp lại thấy điểm số chưa như "đặt hàng", các bị can này tiếp tục sửa bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.


Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh cắt từ clip

Vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1. Theo kết quả điều tra, trước khi bước vào thời gian chấm thi, 8 bị can đã nhận "nhờ vả" sửa bài thi, nâng điểm cả bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận cho nhiều thí sinh.

Nhờ vả qua lại

Kết quả điều tra giai đoạn 1 cho thấy ông Trần Xuân Yến (phó giám đốc Sở GD-ĐT) nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 16 thí sinh, ông Lò Văn Huynh (trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh, bà Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh...

Ngày 29-6-2018, bà Nguyễn Thị Hồng Nga đã tổng hợp thông tin tất cả số thí sinh được "nhờ vả" này thành một danh sách theo địa điểm thi để thuận lợi khi tìm bài thi. Sau đó, danh sách này được bà Nga mang đến phòng xử lý bài thi trắc nghiệm (đặt tại tầng 3 Trường THCS Quyết Thắng, TP Sơn La), đồng thời cầm theo tẩy, bút chì và đáp án của Bộ GD-ĐT.

Chiều cùng ngày, khi tổ xử lý bài thi trắc nghiệm bắt đầu tiến hành quét các bài thi, bà Nga dặn Cầm Thị Bun Sọn chọn các túi bài thi của điểm thi tại Trường THPT Tô Hiệu - là nơi có bài thi của các thí sinh trong danh sách "nhờ vả" - để mở niêm phong và quét bài thi, nhưng sau đó không niêm phong lại như quy định.

Sau đó, bà Nga gặp trung tá Đỗ Khắc Hưng (cán bộ Phòng An ninh chính trị Công an tỉnh, người được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi, trực tiếp tham gia giám sát, bảo vệ, quản lý chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm) đặt vấn đề hết giờ làm việc hành chính, cho nhóm thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ở lại rút sửa bài thi. Ông Hưng đã đồng ý, bản thân ông Hưng cũng "gửi gắm" bà Nga giúp một thí sinh.

Hết giờ, các thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ra về, chỉ bà Nga cùng Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn nán lại, được trung tá Hưng mở cửa cho vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, tìm rút bài thi của các thí sinh được "nhờ vả" trong các túi bài thi đã mở niêm phong từ chiều.

Sau khi tìm đủ các bài thi cần sửa nâng điểm, ba người này mang về nhà Đặng Hữu Thủy (đường Chu Văn Thịnh, TP Sơn La), rồi căn cứ theo đáp án của Bộ GD-ĐT để tẩy xóa các câu trả lời sai, dùng bút chì tô vào đáp án đúng để đạt vừa đủ số điểm cần nâng như "đặt hàng".

Tối hôm đó, các bị can sửa bài thi nâng điểm xong cho 11 thí sinh. Sáng hôm sau, ba người mang các bài thi đã sửa trả lại đúng vị trí các lô bài thi, xóa toàn bộ ảnh của các lô bài thi đã quét trước đó và tiến hành quét lại các bài thi đã sửa để thay thế.

Sửa 2 lần mới đạt điểm "đặt hàng"

Trong ngày 30-6-2018, bà Nga tiếp tục báo với ông Hưng rằng buổi tối sẽ quay lại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm để rút bài sửa điểm. Do ông Hưng bận việc riêng nên thiếu tá Đinh Hải Sơn trực thay, ông Sơn đồng ý và đưa chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm cho bà Nga. Bản thân ông Sơn cũng "gửi gắm" hai trường hợp nhờ sửa bài thi nâng điểm.

Sau khi rút đủ các bài thi, bà Nga cùng Thủy, Bun Sọn được Lò Văn Huynh lái xe đưa về nhà Thủy và cùng nhau sửa bài thi, nâng điểm cho 31 thí sinh như cách làm tối hôm trước. Khoảng 24h cùng ngày, ông Huynh lái xe đưa cả nhóm mang bài thi trả về phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, nhân tiện tìm sửa bài thi cho một thí sinh nữa mà ông Huynh được nhờ ngay tại phòng này.

Tuy nhiên đến ngày 2-7-2018, sau khi quét xong bài thi, phát hiện có bốn bài thi môn lịch sử dù đã sửa nhưng vẫn chưa đạt tới mức điểm như "đặt hàng", bà Nga yêu cầu Thủy, Bun Sọn tìm lại các bài thi, đưa cho mình.

Bà Nga trực tiếp tẩy, sửa trên bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm rồi quét các bài này để lấy kết quả thay thế. Có hai thí sinh trong danh sách có điểm thi môn toán thấp, bà Nga biết là "bị sót" nên báo với ông Huynh, sau đó thống nhất không sửa cho hai trường hợp này nữa.

Ngày 3-7-2018, Đặng Hữu Thủy cũng nhờ bà Nga giúp cho thêm một trường hợp nữa, tổng cộng số thí sinh được giúp sửa bài nâng điểm là 44 em. Sau khi quét xong tất cả các lô bài thi, ông Trần Xuân Yến mới chỉ đạo niêm phong các túi bài thi và giao cho bà Nga lập biên bản cho phù hợp với kết quả quét các lô bài thể hiện trên máy tính.

Từ lời khai của các bị can và tài liệu thu được, Công an tỉnh Sơn La đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh, xác định các bài thi đều có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa và ở nhiều ô đáp án bị tẩy xóa, sửa chữa không phải do một người tô ra.

Từ kết quả giám định, cơ quan điều tra đã đề nghị Bộ GD-ĐT chấm thẩm định các bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh, kết quả cả 44 thí sinh đều bị hạ điểm với tổng điểm giảm từ 2,2 - 26,55 điểm.

Bài thi tự luận: tác động trực tiếp cán bộ chấm thi

Riêng với môn thi tự luận (ngữ văn), kết quả điều tra cho thấy ngày 28-6-2018, Nguyễn Thị Hồng Nga đã cùng Nguyễn Thanh Nhàn in toàn bộ dữ liệu khóa phách vòng 1 và vòng 2, sau đó giao cho Nhàn giữ để phục vụ tra tìm bài thi của thí sinh cần nâng điểm.

Trong 16 thí sinh Nga nhận giúp, có 5 trường hợp nhờ nâng điểm môn ngữ văn. Nga đã chuyển danh sách này cho Lò Văn Huynh. Tương tự, Nhàn nhận giúp 4 thí sinh khác nên đã tra tìm, ghi thông tin khóa phách của từng thí sinh trước khi chuyển lại cho Huynh. Bản thân Huynh cũng nhận giúp 3 thí sinh sửa điểm ngữ văn.

Sau đó, Huynh đã chuyển thông tin cho ông Nguyễn Quốc Chiến, thành viên ban thư ký hội đồng thi, để tác động nhờ cán bộ trực tiếp chấm thi tìm bài, chấm nâng điểm cho 12 thí sinh trên. Đến nay, cơ quan công an đã làm rõ có 6 thí sinh được nâng điểm thi môn ngữ văn với mức nâng từ 1-3 điểm.

TheoTuoitre

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục