Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện, động viên cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp.
Để phong trào đảm bảo chất lượng, hiệu quả, trước khi triển khai đại trà mô hình trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội Khuyến học hướng dẫn các cấp Hội triển khai thí điểm mô hình "Gia đình học tập”, "Dòng họ học tập”, "Cộng đồng học tập”, "Đơn vị học tập” tại 2 huyện Cao Phong, Mai Châu. Trong quá trình triển khai thí điểm, các cấp Hội Khuyến học đã phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện. Từ đó, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có sự hỗ trợ hoặc điều chỉnh kịp thời. Nhờ vậy, việc triển khai thí điểm đã đạt kết quả tốt. So với số liệu đăng ký ban đầu thì có 94% hộ được bình xét đạt tiêu chuẩn "Gia đình học tập”, 94% dòng họ đạt tiêu chuẩn "Dòng họ học tập”, 90% cộng đồng đạt tiêu chuẩn "Cộng đồng học tập và 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn "Đơn vị học tập”. Đây là tiền đề và động lực quan trọng để từ năm 2016 triển khai đại trà các mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Khi triển khai mô hình đại trà ra toàn tỉnh, vấn đề tuyên truyền đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng và nhất là việc tuyên truyền, vận động trực tiếp của cán bộ Hội Khuyến học các cấp. Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để có gần 100 tin, bài đăng trên Báo Đại biểu Nhân Dân, Báo Dân trí, Tạp chí Dân vận, Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh… Đặc biệt, năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội khuyến học tỉnh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, học đi đôi với hành theo tư tưởng của Người”. Việc tuyên truyền được triển khai sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả đã góp phần đưa phong trào đi vào cuộc sống, được Nhân dân đón nhận, hưởng ứng.
Cùng với việc tuyên truyền, các địa phương đã quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu hướng dẫn đánh giá, công nhận "Gia đình học tập”, "Dòng họ học tập”, "Cộng đồng học tập” và "Đơn vị học tập”. Trong 153.369 mô hình học tập đã được công nhận năm 2019, có rất nhiều mô hình học tập xuất sắc, tiêu biểu đã được các cấp khen thưởng. Đây chính là những bông hoa rực rỡ nhất trong vườn hoa các mô hình học tập của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Để thực hiện phong trào HTSĐ trong Nhân dân thì các Trung tâm Học tập cộng đồng đóng vai trò then chốt. Do đó, việc duy trì hiệu quả, hoạt động của các Trung tâm Học tập cộng đồng luôn được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm. Hệ thống các trung tâm được đầu tư xây mới, sửa chữa, trang bị sách, báo, thiết bị để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hàng năm, toàn tỉnh đã có trên 400 nghìn lượt người (hội viên khuyến học chiếm trên 60%) tham gia học tập tại Trung tâm Học tập cộng đồng và các câu lạc bộ phát triển cộng đồng, với nhiều nội dung khác nhau để tiếp thu hoặc nâng cao kiến thức, kỹ năng theo phương châm "Cần gì học nấy”, "Toàn dân học tập, học tập thường xuyên, HTSĐ”. Kết quả đánh giá, xếp loại các Trung tâm Học tập cộng đồng hàng năm toàn tỉnh có 46% trung tâm xếp loại tốt, 43% trung tâm xếp loại khá, còn lại xếp loại trung bình, không có trung tâm xếp loại yếu.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 37/KH-UBND đã đạt được nhiều kết qủa đáng ghi nhận. Tất cả các nội dung triển khai đều đã thực hiện vượt chỉ tiêu so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 37/KH-UBND. Cụ thể, toàn tỉnh có 80,53% gia đình học tập, vượt chỉ tiêu 20,53%; 55,16% dòng họ học tập, vượt chỉ tiêu 15,16%; gần 86% cộng đồng học tập, vượt chỉ tiêu gần 36% và gần 80% đơn vị học tập, vượt chỉ tiêu 40%.
Việc xây dựng các mô hình học tập góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, đặc biệt đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phong trào HTSĐ đã làm chuyển biến về nhận thức, việc làm của từng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước đây nhận thức của đa số người dân chủ yếu quan tâm đến việc học của con em trong độ tuổi đi học, thì nay việc học tập thường xuyên, HTSĐ của các bậc ông, bà, cha, mẹ đã được quan tâm, chú trọng hơn, phát huy được truyền thống hiếu học của Nhân dân. Những kiến thức học và tự học đã được áp dụng vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo; ANTT địa phương được giữ vững; xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, số hộ nghèo giảm.
Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai thực hiện Đề án 281 với những kết quả nổi bật đã đạt được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với truyền thống hiếu học của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng sẽ tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập và hoàn thành các mục tiêu KT-XH của tỉnh trong giai đoạn tới.