Ngày 22/10, vùng lũ Hà Tĩnh đã ngớt mưa nhưng sân trường ở nhiều cơ sở vẫn ngập sâu trong nước. Tranh thủ lúc trời vừa hửng nắng, các giáo viên đã lội nước để kịp thời dọn dẹp trường lớp. Nhiều giáo viên đã rơi nước mắt khi thấy sách vở, đồ dùng học tập của học trò bị ngâm trong nước lũ.


Giáo viên trường tiểu học Cẩm Duệ dọn vệ sinh trường, lớp học ngay khi nước đang rút dần. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trường Tiểu học Thạch Tân (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nằm ở điểm ngập sâu nhất của huyện Thạch Hà. Trời vừa tạnh, các thầy cô giáo đã mang chổi, xô, vượt quãng đường còn ngập nước để đến trường dọn dẹp. Đến thời điểm này, vị trí trũng nhất trong sân trường vẫn còn ngập gần một mét nước, các lớp học bị ngập hơn 50 cm, tại dãy nhà lớp 1 và dãy phòng bán trú nước ngập đến đầu gối.

Đang vớt hững cuốn sách ngâm trong bùn nước, cô Nguyễn Thị Hoài Phương, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Tân, cho biết: "Sáng 22/10, chúng tôi mới tiếp cận được trường do mấy ngày qua nước lên cao quá. Nhìn cảnh sách vở của học trò trôi lềnh bềnh trong nước, các thầy, cô đều xót xa. Mỗi bộ sách như thế này có giá hơn 500.000 đồng, giờ không dùng được nữa thì lấy đâu ra sách giáo khoa để các em tiếp tục học đây”.

Các thầy, cô giáo chia sẻ, dù trước khi lũ tràn về nhà trường đã tranh thủ kê cao bàn ghế, sách vở đồ dùng học tập nhưng do không lường trước được nước lên cao như vậy nên thiệt hại là không tránh khỏi.

Thầy Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân, cho biết: "Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, sân Trường Tiểu học Thạch Tân ngập hơn 2 mét, nhiều dãy phòng học ngập đến gần 1 mét rưỡi. Dù nhà trường đã có sự chuẩn bị nhưng nước lũ về nhanh quá, chúng tôi không kịp trở tay. Trường ngập sâu trong nước lũ, khiến toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập của học sinh bị hư hỏng. Toàn bộ bàn ghế, nội thất văn phòng của nhà trường được làm bằng gỗ MDF đều bị bong tróc, sập, hư hỏng. Thầy cô đang nỗ lực đem sách vở ra phơi, nếu không khắc phục được thì phải mua mới toàn bộ sách cho học trò mà bây giờ mua lại sách không phải là điều dễ”.

Với tinh thần "tương thân, tương ái”, sẻ chia cùng đồng nghiệp, ngành giáo dục Thạch Hà huy động giáo viên các trường đã dọn xong nước bùn đến chung sức cùng các trường bị ngập sâu hơn. Sát cánh cùng đội ngũ giáo viên, lực lượng Công an huyện Thạch Hà cũng kịp thời có mặt để hỗ trợ nhà trường.


Giáo viên trường tiểu học Cẩm Duệ dọn vệ sinh trường, lớp học ngay khi nước đang rút dần. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cách Trường Tiểu học Thạch Tân 500 mét là Trường Mầm non Thạch Tân. Đến ngày 22/10, nước ở sân trường này vẫn còn cao hơn một mét. Các cô giáo phải trèo qua tường ở đoạn cao nhất để vào bên trong và nỗ lực dọn dẹp. Bên trong trường, đồ dùng học tập, đồ chơi của học trò trôi lềnh bềnh trong nước, nhiều dụng cụ, đồ dùng bị bùn vùi lấp.

Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Tân, chia sẻ: Trước khi lũ về, đến tối muộn ngày Chủ nhật (18/10), chúng tôi vẫn còn ở đây kê lại đồ đạc. Nhưng không ngờ nước lũ tràn về nhanh quá, cao hơn những lần khác nên dù đã được kê cao thì đồ chơi, đồ dùng học tập, sách vở của các cháu vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Mong muốn lớn nhất của nhà trường lúc này là được các ban, ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ để nhà trường khắc phục khó khăn, sớm đón trẻ trở lại trường. Bởi thời điểm này, phụ huynh cũng rất muốn trường sớm mở cửa để có thể gửi trẻ và tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà, cho biết, sau lũ, nhiều vật dụng, đồ dùng học tập của học sinh và một số trang thiết bị ở thư viện đã bị hư hỏng. Huyện Thạch Hà có 37 trường học bị ảnh hưởng do mưa lũ, dù còn bộn bề khó khăn nhưng ngay khi nước rút, công tác vệ sinh đã được ngành Giáo dục Thạch Hà triển khai.

Theo thống kê sơ bộ từ ngành giáo dục Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đến nay còn khoảng 50 trường đang bị ngập, chủ yếu ở các xã Tân Lâm Hương, Thạch Thắng, Thạch Đài, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà); các xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Cẩm Thành... (huyện Cẩm Xuyên) và ở các phường Nam Hà, Hà Huy Tập, Đại Nài... (thành phố Hà Tĩnh). Đến thời điểm hiện tại, các trường đang chạy đua với thời gian, nước rút đến đâu vệ sinh trường lớp đến đó để sớm ổn định việc tổ chức dạy và học.

                            Theo TTXVN/ Báo tin tức

Các tin khác


Ngành giáo dục Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền trung

Các nhà giáo của Thủ đô đã quyên góp, hỗ trợ cho cô giáo Nguyễn Thị Thoa, là vợ của đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, người hy sinh khi tham gia cứu hộ ở nhà máy Thủy điện Rào Trăng, và đồng bào miền trung bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt.

Cục Thuế tỉnh: Bế giảng lớp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính

(HBĐT) - Cục Thuế tỉnh phối hợp Trường Bồi bưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) vừa tổ chức bế giảng lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính hệ không tập trung và trao bằng tốt nghiệp cho 52 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo.

Huyện Tân Lạc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục

(HBĐT) - Hộ gia đình hiến đất, người dân quyên góp tiền, thanh niên, phụ nữ đóng góp ngày công lao động cho việc xây dựng trường, sân trường, lớp học, công trình vệ sinh; lực lượng công an, quân đội mua sắm đồ dùng học tập, hỗ trợ, giúp đỗ học sinh nghèo vượt khó... Những năm qua, huyện Tân Lạc đã thực hiện khá hiệu quả việc huy động các nguồn lực để cùng chung tay chăm lo, xây dựng, tu sửa, làm thay đổi đáng kể cảnh quan các trường học. Điều kiện dạy và học của các trường, chất lượng giáo dục trong toàn huyện ngày càng được nâng lên.

Mô hình thư viện thân thiện - nâng cao văn hóa đọc cho học sinh

(HBĐT) - Với mục tiêu giúp học sinh có thể thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng, xây dựng kỹ năng đọc, từ đầu năm học 2019-2020, trường TH&THCS Kim Tiến (Kim Bôi) đã xây dựng thành công mô hình "Thư viện thân thiện” theo hình thức xã hội hóa. Nổi bật năm học vừa qua, nhà trường tổ chức thành công Ngày hội đọc sách gia đình, nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ khai giảng năm học 2020 - 2021

(HBĐT) - Ngày 15/10, trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. 

Huyện Đà Bắc:  Nâng chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 21 trường trực thuộc Phòng GD&ĐT với hơn 5.000 học sinh, trong đó, học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng gần 90%. Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học học trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục