(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 21 trường trực thuộc Phòng GD&ĐT với hơn 5.000 học sinh, trong đó, học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng gần 90%. Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học học trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh.



Học sinh lớp 1, trường tiểu học Đồng Chum (Đà Bắc) trong tiết học Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện một số giải pháp như: tăng cường tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; tạo môi trường học tập, giao tiếp bằng tiếng Việt cho tất cả các đối tượng học sinh. Đối với học sinh còn hạn chế về vốn tiếng Việt, giáo viên có thể sử dụng tiếng dân tộc để hướng dẫn các em thực hiện một số hoạt động học tập, vui chơi, sau đó dần dần chuyển sang sử dụng tiếng Việt. Đối với lớp 1 có nhiều học sinh DTTS chưa biết, hoặc biết ít tiếng Việt, các đơn vị tổ chức dạy học tăng thời lượng cho 2 môn Tiếng Việt và Toán, có thể giảm thời lượng các môn học khác, nhưng không được bỏ tiết, bỏ bài. Đối với các lớp 2, 3, 4, 5: tăng cường dạy học tiếng Việt trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, chú trọng việc rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, nhằm phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh. Huyện cũng đã nỗ lực triển khai việc dạy học 2 buổi/ngày; đồng thời xây dựng được 2 trường PTDTBT đều thuộc các đơn vị vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho học sinh DTTS đến trường học thuận lợi, có nhiều thời gian học tập ở trường, nhờ đó, chất lượng học tập môn Tiếng Việt được nâng lên.

Ngoài ra, để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, các nhà trường tích cực xây dựng mô hình "thư viện thân thiện”, "thư viện xanh”, xây dựng cho học sinh thói quen đọc sách, tăng cơ hội tiếp cận sách, tiếp cận thông tin, phát triển khả năng tìm kiếm thông tin, rèn kỹ năng đọc hiểu tiếng Việt, góp phần hỗ trợ học tốt môn Tiếng Việt.

Kết quả của những giải pháp phù hợp trên đã giúp 100% học sinh lớp 1 được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các lớp 2, 3, 4, 5 đều được tăng cường tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục, các tiết tăng cường buổi 2. Chất lượng giáo dục đại trà của học sinh được nâng lên. Học sinh tích cực tham gia hoạt động tập thể của trường, khả năng giao tiếp của các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Tuy nhiên, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại huyện cũng gặp một số khó khăn như: hầu hết các trường tiểu học, TH&THCS, PTDTBT TH&THCS vùng DTTS ở huyện Đà Bắc đều xa trung tâm huyện; một số trường có nhiều điểm lẻ, có những điểm trường lẻ cách điểm trường chính từ 9 - 10 km; vẫn còn lớp ghép 2-3 trình độ, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, đôn đốc của nhà trường và các cấp quản lý giáo dục. Cơ sở vật chất các trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện, trang thiết bị dạy học hiện đại còn ít, kinh phí hạn chế... Học sinh là người DTTS thường phát âm chưa chuẩn, nhiều học sinh còn e dè, nhút nhát, thiếu tự tin khi đến trường.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại, đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức chuyên đề bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường. Từ đó, nắm rõ được thực trạng, nguyên nhân, đề ra những giải pháp, chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, hạn chế tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành môn Tiếng Việt. Các trường phải tổ chức tốt việc sinh hoạt chuyên môn, giáo viên thiết kế bài học linh hoạt, không rập khuôn, máy móc; sử dụng triệt để, hiệu quả các đồ dùng, trang thiết bị dạy học được cấp và tự làm. Đồng thời, duy trì tổ chức các cuộc giao lưu cho học sinh như "Giao lưu tiếng Việt của chúng em”; thành lập câu lạc bộ Tiếng Việt tại các trường để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt, tổ chức Ngày hội học sinh nhằm giúp các em có môi trường giao lưu, rèn kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS.        


Dương Liễu

Các tin khác


Phát huy hiệu quả Quỹ khuyến học các cấp

(HBĐT) - Tiếp nối truyền thống hiếu học, phát huy hiệu quả Quỹ khuyến học các cấp, trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 vừa qua, hàng nghìn suất học bổng đã được Hội Khuyến học các cấp trao đến học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Qua đó, chung tay cùng xã hội chăm lo cho việc học, đảm bảo trên địa bàn toàn tỉnh không có học sinh nào không thể đến trường do thiếu quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.

Trường mầm non Xuân Phong: Ấn tượng mô hình làm đồ chơi bằng giấy vụn

(HBĐT) - Tủ đồ chơi ở các góc lớp không chỉ có ít đồ chơi bằng nhựa xanh, đỏ đơn điệu, mà thay vào đó là rất nhiều mô hình bàn, ghế, giường, tủ, ti vi, ấm, chén, ca, cốc, làn... thậm chí là cả gùi, nỏ, cốp đồ xôi, dao, xẻng, liềm, cuốc, cày, bừa... rất xinh xắn, sinh động và bắt mắt. Đặc biệt hơn khi tất cả đồ chơi này đều được cô trò, học sinh, phụ huynh nhà trường chung tay làm từ giấy vụn, giấy báo cũ, bìa cát tông. Năm học 2019 - 2020, trường mầm non Xuân Phong, xã Hợp Phong (Cao Phong) đã tiết kiệm được trên 60 triệu đồng kinh phí mua đồ chơi cho học sinh.

Đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học 2020 – 2021

(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021, cơ sở vật chất trường PT DTNT THPT tỉnh có nhiều đổi thay, khu vực bếp ăn được sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nhà đa năng hoàn thành việc sửa chữa, đưa vào sử dụng hiệu quả; sân vận động được nâng cấp đáp ứng tốt hoạt động TD-TT, cũng như hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Những năm qua, chính quyền các cấp đã giành sự ưu tiên, đầu tư nguồn lực, huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất ngành Giáo dục (GD). 

Bộ GD-ĐT yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường, giáo viên cần giúp học sinh lớp 1 hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh, cũng như yêu cầu cần tổ chức kế hoạch giáo dục sao cho không gây quá tải với học sinh.

Cập nhật điểm chuẩn 2020 vừa công bố của hàng loạt trường đại học

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo "lọc ảo" lần cuối, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn. Dưới đây là điểm chuẩn của các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Giao thông Vận tải, Xây dựng Hà Nội.

Huyện Tân Lạc: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương sáp nhập mạng lưới trường, lớp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đến nay, toàn huyện Tân Lạc đã giảm được 24 trường so với năm 2015. Đội ngũ nhà giáo được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm với gần 20% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; đội ngũ nhà giáo là đảng viên chiếm 60%; trên 73% cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục