Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Hòa Bình chú trọng đào tạo các nghề may công nghiệp, chổi chít, sửa chữa máy nông cụ... cho người lao động.
Từ năm 2016 - 2019, trên địa bàn thành phố, Trung tâm GDNN-GDTX đã đào tạo 35 lớp dạy nghề với 842 học viên. Trong đó, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 27 lớp, nguồn ngân sách địa phương 8 lớp. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp mở 10 lớp với 272 học viên, chủ yếu là các nghề: may công nghiệp, sửa chữa, bảo dưỡng máy nông cụ, chổi chít và nghề mới là nấu ăn, phục vụ bàn. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp có hiệu quả được chú trọng, như mô hình nghề may công nghiệp theo phương thức gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm tại các công ty may trên địa bàn, đến nay đã có hàng nghìn lao động được đào tạo, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/ tháng. Qua khảo sát thực tế địa bàn và nhu cầu của người lao động, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố đã mở lớp dạy nấu ăn. Đồng chí Lê Thị Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Đây là lớp dạy nghề mới nhưng thu hút khá đông học viên tham gia. Ngoài những buổi học lý thuyết, chúng tôi hướng vào thực hành, cầm tay chỉ việc và giới thiệu học nghề tại các nhà hàng trên địa bàn. Vì vậy, sau khi học xong, nhiều học viên tìm được việc làm luôn và khởi nghiệp bắt đầu tư kinh doanh hàng ăn nhỏ.
Thời gian tới, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố tiếp tục định hướng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động dồi dào tại địa phương. Đồng chí Bùi Văn Minh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố cho biết: Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp, Trung tâm đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo cấp trên kịp thời giải quyết những khó khăn trong công tác đào tạo nghề. Phối hợp các xã, phường, trung tâm học tập cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phối hợp mở lớp. Trung tâm quản lý chặt chẽ về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng các lớp đã mở, thông qua việc ký hợp đồng giảng dạy chất lượng cao và quy trình quản lý lớp học. Bên cạnh đó, chú trọng giới thiệu việc làm, đánh giá hiệu quả sau đào tạo để rút kinh nghiệm.
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố được triển khai đúng hướng, phù hợp nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển KT-XH. Qua đó, đã thu hút được nhiều cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho LĐNT, có sự gắn kết giữa địa phương với cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề tại địa phương.
Phương Linh