Phụ huynh có con lần đầu tiên đi học lớp 1, từ mầm non lên tiểu học là một bước ngoặt với trẻ. Nỗi lo này là dễ hiểu. Vì đâu mà phụ huynh ‘hốt hoảng’ khi con chuẩn bị vào lớp 1?
Trẻ lớp lá luyện học chữ trước chương trình lớp 1 tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: T.THƯƠNG
Ở mầm non, trẻ chủ yếu là chơi, giờ giấc linh hoạt, thậm chí việc đi học cũng không khắt khe, giáo viên hỗ trợ và làm thay trẻ nhiều việc.
Tuy nhiên, ở tiểu học, thời khóa biểu khá cố định, trẻ làm quen các nội dung học thuật, phải ngồi một chỗ trong một khoảng thời gian nhất định, kỷ luật lớp học nghiêm khắc hơn, giáo viên tập trung nhiều vào việc giảng dạy và kỳ vọng học sinh tự lập, tự chủ ở hầu hết các hoạt động tự phục vụ.
Vào lớp 1, trẻ phải học bắt buộc 8-9 môn (tùy trường), mỗi môn đều có các yêu cầu cần đạt đòi hỏi giáo viên phải đảm bảo nên cũng đặt áp lực nhất định lên trẻ. Điều này có thể khiến nhiều trẻ cảm thấy trường tiểu học là nơi ‘chẳng vui vẻ gì’ và nhất quyết đòi về mầm non học lại.
Phụ huynh có con ở lớp 1 có thể thấy ‘xót’ con khi con ‘bơi’ giữa các môn học và không được chăm sóc kỹ lưỡng như ở mầm non. Nhiều trẻ vào lớp 1 vẫn chưa biết tự đi vệ sinh, tự thay quần áo và tự xúc ăn, không thể ngồi yên một chỗ quá 5 phút, chỉ thích chạy nhảy chứ không muốn học chữ hay làm toán...
Tất cả sự chưa sẵn sàng đó khiến sự tự tin lẫn kết quả học tập của trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực. Phụ huynh lẫn giáo viên đều stress.
Ngoài ra, nếu ở mầm non, việc đánh giá không nặng nề,nếu một số kỹ năng trẻ chưa đạt thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hồ sơ ứng tuyển của trẻ khi vào lớp 1. Tuy nhiên, ở lớp 1 trở đi thì việc đánh giá rất nghiêm túc, ghi nhận vào học bạ, theo suốt trẻ trong thời gian tiểu học và ảnh hưởng đến khả năng vào trường học tốt ở cấp học sau.
Những ồn ào về chương trình tiếng Việt lớp 1 trong thời gian qua khiến phụ huynh lo lắng bội phần. Thực chất, chương trình có thay đổi so với trước ở việc yêu cầu phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của trẻ nên giáo viên phải phân phối đều thời lượng, không chỉ tập trung vào đọc, viết như trước kia.
Do đó, với nhiều trẻ, có thể các em cần thêm trợ giúp của phụ huynh để ghi nhớ các âm, vần và đẩy nhanh tốc độ đọc cũng như viết đúng, viết đẹp.
Tâm lý đám đông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phụ huynh. Thấy con người khác đi học, phụ huynh cũng lo con của mình thua kém nên cũng đẩy con đi học đủ thứ, đủ nơi.
Làm sao để phụ huynh bớt lo?
Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên lớp 1 đa số đều trấn an phụ huynh rằng nếu trẻ học tốt lớp Lá trong trường mầm non thì đã đủ sẵn sàng vào lớp 1, mà không cần tham gia bất cứ lớp học thêm nào bên ngoài về tiếng Việt hay toán.
Thực chất, các trường mầm non đã cho trẻ làm quen với chữ viết và Toán từ các lớp thấp hơn. Nếu trẻ nhận diện được các chữ cái, cầm được bút để ‘vẽ’ được các chữ cái, hứng thú với sách, truyện, nhận diện được các chữ số, biết các hình khối cơ bản, so sánh được nhiều-ít, to-nhỏ, cao-thấp, và có thể ngồi một chỗ suốt 15 phút để hoàn thành nhiệm vụ của mình...thì đã khá an tâm về mặt học thuật khi bước vào lớp 1.
Chuẩn lớp 1 không khó để đạt, học sinh vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số vẫn đọc, viết, làm tính cộng, trừ được theo đúng chương trình. Giáo viên các trường có thể linh hoạt sắp xếp để ưu tiên đọc, viết nếu cần.
Các hoạt động bổ trợ về thể thao, âm nhạc, tiếng Anh là tùy chọn, nếu trẻ hứng thú thì có thể tham gia. Tuy nhiên, phụ huynh phải đảm bảo rằng các hoạt động này thực sự vui vẻ và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội, sự tự tin và tự chủ. Những điều này có thể không là một phần trong chương trình lớp 1 nhưng lại giúp trẻ phát triển kỹ năng đa dạng để đáp ứng các yêu cầu học thuật của lớp 1.
Phụ huynh nên hiểu rằng có nhiều trẻ có thể chưa đọc được, viết được vào đầu lớp 1 nên con học chậm hơn các bạn. Tuy nhiên, con có các kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ, tính kỷ luật tốt thì giai đoạn sau con lại vượt lên rất nhanh.
Một điều chắc chắn là trẻ lớp lá cần được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào lớp 1 nhưng không phải theo cách mà nhiều phụ huynh đang làm là nhồi nhét con học khiến con sợ hãi trường tiểu học.
Ngược lại, trẻ cần thấy hào hứng vì sắp được trải nghiệm những điều mới mẻ ở lớp 1 và tràn trề sự tự tin là con có thể làm tốt. Trải nghiệm học tập đầu đời là rất quan trọng, để lại dư âm nhiều năm sau. Vì vậy, phụ huynh nên để hành trình vào lớp 1 của con thật nhẹ nhàng và vui vẻ.
Theo Báo Tuổi trẻ
Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, việc tổ chức trình bày báo cáo khoa học tổng quan còn mang tính hình thức ở một số Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành, chưa rà soát kỹ các minh chứng…
Tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học, nếu muốn được hành nghề khám chữa bệnh phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh.
(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình có 19 Hội Khuyến học xã, phường, 214 chi hội khuyến học xóm, tổ dân phố và 9 ban khuyến học trực thuộc, tổng số 33.304 hội viên. Phát triển được 173/182 Ban Khuyến học ở các đơn vị bộ đội, công an, doanh nghiệp, trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp, dòng họ, đạt 95%. Đến nay, 19/19 xã, phường có lãnh đạo Hội Khuyến học được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng, có lãnh đạo Hội chuyên trách.
(HBĐT) - Ngày 11/1, tại trường Tiểu học Sông Đà (thành phố Hòa Bình), Sở GD&ĐT đã tổ chức khai mạc hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THCD năm học 2020 – 2021.
Thành tích của học sinh Việt Nam ở các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế do nhiều nguyên nhân, song về cơ bản có các yếu tố như công tác tổ chức thi chọn, chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng…