Bộ GD-ĐT yêu cầu: thời gian đầu khi học sinh mới trở lại trường, cần có các giải pháp để tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, dành thời gian hợp lý để tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức đã dạy học trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi các Sở GD-ĐT về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.

Chưa kiểm tra định kỳ ngay khi học sinh trở lại trường

Văn bản nêu: trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã phải cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình của các vùng, miền, các đối tượng học sinh có sự khác nhau dẫn đến kết quả học tập của học sinh chưa được đồng đều; một bộ phận không nhỏ học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc phải chuyển nơi cư trú nên chưa đáp ứng được yêu cầu về kết quả học tập.

Nhằm củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học đối với các đối tượng học sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu:

Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bù những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú về địa phương để phòng, tránh dịch bệnh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu việc dạy học khi học sinh trở lại trường cần phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, hết lòng vì học sinh của giáo viên trong việc tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cho các đối tượng học sinh; không thu thêm học phí hoặc thu tiền để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, theo đó chú trọng vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học chủ động, tích cực, tự lực của học sinh; học sinh là chủ thể hoạt động học tập theo hướng dẫn của giáo viên để khám phá, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức.

Qua đó, trong mỗi bài học, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp với các đối tượng học sinh trong lớp học; bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhất là những học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian phải tạm dừng đến trường.


Bộ GD-ĐT yêu cầu có giải pháp hỗ trợ tâm lý, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian mới trở lại trường

Duy trì dạy học trực tuyến

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị tiếp tục duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, cụ thể: đối với các trường cho học sinh đi học bình thường, tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hỗ trợ dạy học trực tiếp; đối với các trường chia nhóm cho học sinh đến trường học tập, tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp với các nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình.

Tiếp tục xây dựng các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học để giảm thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, trực tiếp và phát triển năng lực tự học cho học sinh theo hướng dẫn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến của Bộ GD-ĐT.

Văn bản của Bộ GD-ĐT còn yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại) và an toàn thông tin trên môi trường mạng, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức và quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 19.10, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp ở các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường”.

Trong đó, đối với các địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), tổ chức dạy học trực tiếp; sẵn sàng chuyển sang các hình thức khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp...


Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Phú Thọ tập trung phòng, chống Covid-19 trong trường học

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP Việt Trì (Phú Thọ) phát hiện nhiều học sinh tại hai trường tiểu học và THCS Chu Hóa nhiễm Covid-19. Tỉnh Phú Thọ đã, đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch trong các trường học trên địa bàn.

Huyện lương Sơn: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(HBĐT) - Thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện Lương Sơn đã thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Nhờ đó, quy mô trường học phát triển ổn định; cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo; công tác quản lý, dạy và học không ngừng sáng tạo, nâng cao... ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của địa phương.

Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhà giáo, học sinh, sinh viên

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch đối với các lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.

Trao tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

(HBĐT) - Sáng 18/10, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh thăm, tặng quà 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường Tân Hòa (TP Hòa Bình). Mỗi suất quà trị giá 5,5 triệu đồng, gồm 1 chiếc máy tính bảng và sim 4G sử dụng mạng trong 1 năm.

TP Hồ Chí Minh: Hai trường đầu tiên tại Cần Giờ được phép dạy học trực tiếp

UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho UBND huyện Cần Giờ tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp đối với một số khối lớp thuộc trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An, nằm trên địa bàn xã đảo Thạnh An.

Ra mắt mô hình "Công an xã đồng hành cùng học sinh nghèo hiếu học" tại xã Định Cư

(HBĐT) - Với phương châm đồng hành cùng học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó đến trường, tại trường TH&THCS Định Cư, Công an xã Định Cư (Lạc Sơn) vừa ra mắt mô hình "Công an xã đồng hành cùng học sinh nghèo hiếu học".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục