Sau thời gian học trực tuyến tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 6/12, học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc các địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và 2 đã lại đến trường để học trực tiếp.


Học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy chào cờ, hát Quốc ca tại lớp trong sáng đầu tiên trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tại các trường đủ tiêu chí có 50% số lớp 12 học trực tiếp vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; 50% số lớp còn lại học vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trong các ngày còn lại thì học sinh sẽ học trực tuyến.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (quận  Cầu Giấy) sáng 6/12, các học sinh lớp 12 đến trường học trong tâm trạng phấn khởi, háo hức. Không gian phía trong cổng trường được chia làm 3 luồng, mỗi luồng đặt 1 máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tự động. Ngay từ sáng sớm, toàn bộ Ban Giám hiệu và các nhân viên y tế, nhân viên văn phòng đã có mặt tại cổng trường để giám sát và nhắc nhở học sinh giãn cách, thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn tay.

Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy Lê Thị Hồng cho biết, trường có 15 lớp 12 với tổng số 690 học sinh. Nhà trường đã chia lịch 7 lớp học vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; 8 lớp còn lại học vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Ngoài việc phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên kiểm soát trật tự, vệ sinh tại cổng trường, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh qua hệ thống loa về việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong thời gian học sinh học tập tại trường.

Để đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách giữa các lớp học, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy dành toàn bộ 4 tầng của dãy nhà B (mỗi tầng bố trí 2 lớp ở hai đầu hành lang) để làm lớp học. Còn lại 26 phòng học, nhà trường dành cho các giáo viên dạy trực tuyến, đảm bảo sự yên tĩnh và chất lượng đường truyền.


Theo quy định, giáo viên đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 mới tới trường dạy trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

"Trường có 2 học sinh là F0 đã khỏi bệnh, đang trong thời gian cách ly tại nhà. Ngoài ra, trường còn có một số học sinh khác diện F1 cũng tạm thời nghỉ học, thực hiện cách ly theo quy định. Những học sinh này sẽ học trực tuyến theo thời khóa biểu của lớp mình. Vào những buổi học trực tiếp mà không được tham gia thì những học sinh này sẽ học trực tuyến cùng các học sinh lớp khác. Vì thời khóa biểu chung thống nhất toàn trường nên việc học của các em sẽ không bị gián đoạn mà vẫn đảm bảo chất lượng”, bà Lê Thị Hồng cho biết thêm.

Còn tại Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy), công tác rà soát học sinh được Ban Giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm cập nhật thường xuyên. Đến sáng 6/12, trường không có học sinh nào là F0, F1. Nhà trường có 14 lớp 12 với 620 học sinh, được chia lịch học so le. Do trường không tổ chức học vào thứ Bảy nên lịch học sẽ được đảo theo tuần, đảm bảo số tiết học, chất lượng học cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, nhà trường bố trí lớp học cách nhau để hạn chế tối đa việc tập trung đông học sinh vào các giờ nghỉ giữa các tiết học. Trước khi học sinh đến trường, nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến kỹ các quy định đối với học sinh, phụ huynh học sinh trước, trong và sau khi đến trường. Việc bố trí phòng dạy trực tuyến cũng được nhà trường chuẩn bị chu đáo để các giáo viên thuận tiện, không bị chậm trễ giữa lúc chuyển tiết dạy.

Sau thời gian nghỉ học, nhiều học sinh cũng bày tỏ sự háo hức khi được đến trường học trực tiếp. Theo phóng viên TTXVN, tại nhiều trường các học sinh thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch của trường như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang từ nhà đến trường, thậm chí đeo khẩu trang cả trong lớp học dù không bị bắt buộc.

Em Nguyễn Duy Dương (lớp 12A1, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy) cho biết, trong thời gian học trực tuyến, với sự nỗ lực của cả các giáo viên và bản thân, em không cảm thấy khó khăn gì. Tuy nhiên, em Dương cho rằng học trực tiếp vẫn thuận lợi hơn trong việc tương tác giữa giáo viên và học sinh.

"Em đã được giáo viên chủ nhiệm phổ biến kỹ các kiến thức phòng, chống dịch. Chứng kiến sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường, em cũng yên tâm hơn. Em và các bạn đều tự giác đeo khẩu trang trong lớp dù không được yêu cầu vì em muốn tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cho các bạn khác trong lớp. Hơn nữa, qua một thời gian dài thì việc đeo khẩu trang cũng đã trở thành thói quen với em”, em Nguyễn Duy Dương chia sẻ thêm.

Kiểm tra tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường học, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Giám đốc Trần Thế Cương dẫn đầu, đã động viên các em học sinh, thầy cô giáo nhà trường. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng đây là thời điểm quan trọng đối với học sinh lớp 12. Theo đó, để tổ chức được việc học trực tiếp, cả hệ thống chính trị của thành phố và từng gia đình cần đồng lòng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được đến trường trở lại. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mong muốn các em học sinh nỗ lực, phấn đấu học tập, đồng thời, tuân thủ nghiêm thông điệp "5K" cùng các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 6/12, học sinh ở địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 sẽ học trực tiếp. Học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 thì vẫn học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường quan tâm đến việc tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời chú trọng đến chất lượng dạy học trực tuyến đối với các học sinh đang ở địa bàn phong tỏa, cách ly hoặc thuộc các trường hợp F0 đang điều trị… Sở yêu cầu hỗ trợ tốt nhất để các em duy trì tốt việc học tập và bảo đảm chất lượng khi trở lại trường.

Sau một tuần tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tiếp, cùng với việc đánh giá kết quả tổ chức học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã trong thời gian vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xem xét, tham mưu với UBND thành phố cho học sinh cấp trung học cơ sở trở lại trường theo lộ trình. Căn cứ vào tình hình thực tế mà có thể học sinh lớp 9, lớp 8 sẽ trở lại trường trước, sau đó đến học sinh lớp 7, lớp 6…

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Cập nhật lịch đi học của học sinh 63 tỉnh, thành trên cả nước

Lịch đi học của học sinh 63 tỉnh thành, tính đến ngày 2.12, giúp quý phụ huynh và học sinh thuận tiện theo dõi.

Nhiều đơn vị, trường học kịp thời tổ chức dạy và học trực tuyến

(HBĐT) - Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 những ngày gần đây, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động cho giáo viên, học sinh tạm dừng đến trường, thay vào đó, triển khai ngay hình thức dạy học trực tuyến với quyết tâm "dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình hiện nay, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa giúp ngành GD&ĐT hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên

(HBĐT) - Ngày 28/11, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 3323/SGD&ĐT-CTTT&GDTXCN về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đảm bảo an toàn đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên (HSSV).

Khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tỉnh năm 2021

(HBĐT) - Ngày 26/11, Hội đồng thi nâng ngạch công chức (NNCC), thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (CDNNVC) tỉnh tổ chức khai mạc kỳ thi NNCC, thăng hạng CDNNVC tỉnh năm 2021. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi NNCC, thăng hạng CDNNVC tỉnh năm 2021.

Học sinh TP.Hồ Chí Minh sẽ đi học trực tiếp như thế nào?

Song song với việc mở cửa hoạt động tất cả các lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới thì Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận mở cửa trường học, tận dụng thời gian vàng cho học sinh học trực tiếp là việc làm cần thiết.

Tăng mức đầu tư cho giảng viên học tiến sỹ – đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách

Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên bậc đại học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (gọi tắt là Đề án 89).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục