Đội ngũ cơ sở mầm non Trí Thiện, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy trong thời gian nghỉ dịch.
Cơ sở mầm non tư thục lao đao trong "bão” Covid-19
"Chưa bao giờ nghĩ rằng trường lại vắng vẻ, đìu hiu và rơi vào hoàn cảnh như thế này”, đó là chia sẻ của cô Trần Thị Bắc, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Sao Mai trước sân trường vắng bóng học sinh. Bởi liên tiếp trong nhiều năm qua, trường luôn là cơ sở giáo dục mầm non tư thục uy tín, chất lượng cao dẫn đầu trong toàn tỉnh. Được thành lập năm 2010, trường hiện có 84 cán bộ, giáo viên, người lao động (CB, GV, NLĐ), trong đó có 58 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Theo kế hoạch năm học 2021 - 2022, nhà trường đón 570 trẻ thuộc 20 nhóm lớp. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến công tác dạy và học của cô, trò nhà trường. Có những giai đoạn ngành giáo dục cho phép nhà trường đón trẻ quay lại trường, nhưng do tâm lý lo ngại của phụ huynh nên cao điểm nhất chỉ đạt khoảng 40% tổng số trẻ. Vì không có học sinh, nguồn thu sụt giảm nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành, chi trả lương cho CB, GV, NLĐ. Cô Trần Thị Bắc cho biết: "Thời điểm đầu của dịch Covid-19, nhà trường đã trích nguồn kinh phí dự phòng để chi trả lương và hỗ trợ cho đội ngũ CB, GV, NLĐ. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã hơn 2 năm, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vì các đợt dịch diễn biến phức tạp, học sinh buộc phải nghỉ học. Chúng tôi mong muốn nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh; tạo điều kiện cho công ty được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đẩy nhanh tiến độ xem xét, hỗ trợ đối với người lao động thất nghiệp”.
Theo rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường mầm non tư thục, 26 nhóm trẻ gia đình. Hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đều rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính do các đợt nghỉ PCD kéo dài. Việc học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn PCD đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các cơ sở mầm non tư thục.
Giáo viên mầm non tư thục vất vả mưu sinh
Hy vọng dịch qua nhanh, sớm đón trẻ trở lại trường, hiện hàng ngày, chị Quách Thị Tình, giáo viên trường mầm non tư thục Sao Mai vẫn lên lớp để sinh hoạt chuyên môn, làm đồ chơi và dọn dẹp vệ sinh lớp học. Đồng hành với chị là chiếc túi đựng đồ dụng cụ nối mi, nghề tay trái đã giúp chị Tình có thêm thu nhập trong thời gian học sinh phải nghỉ học PCD. Chị Tình chia sẻ: "Học sinh phải nghỉ học, nguồn thu nhập không đảm bảo sinh hoạt gia đình, tôi phải học thêm nghề nối mi để có thêm kinh phí trang trải trong cuộc sống”.
Cùng chung với những khó khăn về tình hình tài chính của các cơ sở mầm non tư thục, đời sống của CB, GV, NLĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tạm thời, nhiều cơ sở mầm non tư thục đã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ một phần tiền nhà, tiền ăn đối với giáo viên nhà ở xa. Sau khi đón trẻ trở lại trường, nhà trường luân phiên, ưu tiên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được đứng lớp để có lương, phụ cấp. Một số giáo viên tìm kiếm việc làm thêm như bán hàng online, nhân viên phục vụ quán cafe để có thêm thu nhập, chờ ngày kiểm soát được dịch bệnh để quay trở lại với nghề giáo.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Chủ cơ sở mầm non Trí Thiện (phường Quỳnh Lâm) cho biết: "Để hỗ trợ cho giáo viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã sử dụng nguồn quỹ dự phòng. Tùy các đợt dịch, mỗi lần hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các buổi bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy trong thời gian nghỉ dịch. Tạo điều kiện tối đa cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được làm những công việc phù hợp, đảm bảo thu nhập phục vụ đời sống gia đình trong thời điểm cơ sở mầm non tư thục tạm dừng hoạt động".